Hải đăng trên đỉnh Hòn Hải hiểm trở - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Theo lịch trình, hai tháng trước Tết Kỷ Hợi 2019, tàu TL 216 thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam ra chuyển người thay ca trực .
Nhưng đúng rằm tháng giêng tàu mới đi được bởi thời tiết trước tết vùng biển này quá xấu, tàu không thể cập hòn an toàn. Cùng năm công nhân đèn biển đi thay ca, tôi đeo balô lên tàu...
Ở Hòn Hải, tôi luôn để mắt anh em đủ chưa. Một người vượt tầm mắt là tôi gọi hay đi tìm ngay. Chốn nguy hiểm này dễ bất trắc lắm.
Ông NGUYỄN NGỌC THẮNG
Đôi bạn chia tay thay ca trực hải đăng Hòn Hải - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Sóng dữ ở Hòn Hải
"Hòn Hải ở Bình Thuận là một trong những hải đăng hiểm trở nhất VN, bởi vùng biển này nhiều sóng gió dữ dội. Cả năm chỉ được ba tháng thuận lợi từ tháng 4 đến tháng 7 để tàu ra hòn" - ông Bùi Đức Thắng, giám đốc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung Bộ, cho biết.
Càng đến gần Hòn Hải, sóng gió càng dữ dội. Thuyền trưởng tàu TL 216 Nguyễn Thanh Hoàng như hét lên để át tiếng máy tàu và sóng biển: "Hòn này rất đặc biệt, không có "chân" xoãi ra mà gần như thẳng đứng từ trên xuống đáy.
Nó làm sóng gió càng thêm khắc nghiệt. Dòng nước xoáy mạnh, chảy xiết xung quanh, nhất là những cơn sóng lừng bất ngờ rất nguy hiểm. Nhiều lần lái tàu đi Hòn Hải nhưng chỉ khi anh em thay ca an toàn, nhu yếu phẩm lên đảo không bị rơi xuống biển, tôi mới thở phào nổi".
Việc cập tàu vào hòn khó khăn hơn nhiều so với các đảo khác. Mũi tàu gần như phải đâm thẳng vào hòn mà không cập mạn thông thường.
Càng đến sát Hòn Hải, tôi cảm nhận sóng càng lớn. Nhưng mũi tàu vẫn cố áp sát. 15 phút đầu, tàu chòng chành dữ dội, hàng vẫn chuyển được lên đảo bằng cách người trên tàu ném cho người ở đảo bắt lấy.
Nhưng bất ngờ sóng lừng nổi lên. Dây thừng buộc tàu căng đét như muốn đứt. Sóng quật ầm ầm. Tàu bị sóng đẩy theo hướng song song với cầu tàu.
Thấy nguy hiểm, thuyền trưởng Hoàng khẩn cấp cho tháo dây, lùi tàu ra xa, chờ hết đợt sóng lừng mới cập lại. Cứ vào - ra như vậy nhiều lần, tàu mới chuyển hết hàng hóa và người lên Hòn Hải.
Hòn Hải mờ sau con sóng quật - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Những người nơi khắc nghiệt
Tuy nhiên, khi tôi lên được đảo, nhìn công trình xây dựng bị sóng biển đánh tan nát mới thấy hết sự khắc nghiệt.
Bến cập tàu Hòn Hải được xây dựng hai cấp với những khối bêtông kiên cố. Nhưng gần đây, mà nặng nhất là sau cơn bão số 9 tháng 11-2018, khối bêtông ở bậc thứ hai đã bị sóng đánh bay đi, trơ ra những cọng thép.
Một phần bêtông ở bậc thứ nhất cũng bị sóng giật đổ xuống biển. Đặc biệt, lối lên khu nhà ở được xây bậc thang bêtông nhưng sóng biển cũng đánh bay, đang phải thay bằng thang gỗ tạm.
"Có ở đây mới hiểu sự khắc nghiệt của Hòn Hải. Những khối bêtông chân chim nặng hàng tấn để chắn sóng, nhưng sóng gió đã nhấc chúng lên cao rồi lại lôi xuống đáy biển. Giờ thì không khối nào còn sót lại được nhìn thấy" - anh Dư Ngọc Phi, trạm trưởng hải đăng Hòn Hải, tâm sự với tôi.
Sóng biển đánh nát nhiều công trình bêtông
Không thể kể hết bao lần do sóng gió mà phải hoãn chuyến đi, hay ra đến hòn rồi mà đành ngậm ngùi quay về vì không thể tiếp tế được.
Ông Lưu Hoàng Trung, trạm trưởng hải đăng Phú Quý với 32 năm trong ngành bảo đảm an toàn hàng hải, nhớ có lần tàu ra đến Hòn Hải nhưng phải quay đi - quay về đến hai lần, mất gần 20 ngày mới tiếp tế được cho anh em trên đảo.
"Thương anh em thiếu thốn, nhưng thuyền trưởng đành quay về vì sóng gió không an toàn" - ông Trung nhớ lại những lần vì quá cấp bách, họ phải bỏ lương thực vào thùng phuy nhựa, thả vào đảo.
Phòng làm việc, nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt của anh em trực hải đăng Hòn Hải ở độ cao hơn 10m so với nước biển. Nhưng mùa biển động, sóng đánh trùm lên cả căn nhà, tràn qua ô cửa sổ, lỗ thông gió.
Ông Thắng kể có những buổi sáng anh em đang uống trà bỗng sóng quật lên, đánh đổ tất cả. Có hôm mọi người vừa soạn cơm, chưa kịp ăn thì nghe rầm. Cả mâm cơm đổ ào trộn với nước biển.
Ném hàng tiếp tế cho người trên đảo bắt
Gìn giữ ngọn đèn biển
Tuy nhiên, dù hiểm trở, khó khăn nhưng Hòn Hải vẫn luôn sáng đèn hải đăng.
Những công nhân gìn giữ đèn biển từ người sắp nghỉ hưu như ông Lưu Hoàng Trung, Nguyễn Ngọc Thắng đến các bạn trẻ như Bùi Thanh Nam, Trần Đặng Nguyên Vũ đều vui vẻ ra đảo mà không chút nề hà. Thậm chí Nam, Vũ từng 4-5 lần đi ca và vẫn đang ngày đêm ở Hòn Hải.
Tâm sự vào những ngày sắp nghỉ hưu, ông Trung nhớ mãi hai mùa đông 2006 và 2015 mà ông làm trạm trưởng Hòn Hải. Do thời tiết xấu, tàu không cập đảo được nên ca trực phải kéo dài thời gian quá 3 tháng so với hạn định.
Mọi thứ cạn dần. Ông Trung đành giấu mấy lon thịt hộp, thi thoảng chỉ dám lấy chút ít cho anh em ăn dần. Cả cơm cũng phải bớt một nửa so với tiêu chuẩn.
Tết Kỷ Hợi 2019 vừa rồi, anh em trực hải đăng chỉ còn tám lon bia để dành và đến sáng mùng một thì còn đúng ba lon. Năm người - ba lon bia uống chúc mừng năm mới.
Trước khi tàu TL 216 ra chỉ hai ngày, trạm mới nhận được quà tết từ UBND Bình Thuận, tức đã sau tết nhiều ngày và phải nhờ ngư dân đi biển chuyển giùm. Tính ra, ca tết này anh em trực hải đăng đã phải ở biển hơn năm tháng (quy định là ba tháng), nhưng tôi không nghe thấy một lời than thở nào.
Trên đỉnh Hòn Hải có những đám cỏ cháy khô vì hơi mặn. Nhưng cũng có những cây muống biển xanh rì với hoa tím tươi. Và nơi đầu sóng ngọn gió đó sừng sững ngọn hải đăng cùng những người đang kiên cường gìn giữ mắt biển rực sáng Biển Đông...
Lau đèn hải đăng trước khi thay ca - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Rọi sáng Biển Đông
Hòn Hải cách cảng Nha Trang khoảng 160 hải lý, cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) hơn 30 hải lý. Đảo có hình chiếc giày nên người dân gọi là "Hòn Hài". Dài khoảng 130m, nơi rộng nhất hòn khoảng 60m và điểm cao nhất là 113m.
Hải đăng chính thức hoạt động từ năm 2005, tháp đèn cao 10,4m, tầm nhìn sáng 20-27 hải lý trên biển. Mỗi ca trực trạm thường năm người trong ba tháng.
Để lên ngọn hải đăng Hòn Hải phải đi qua hầm xuyên trong lòng núi đá cả ngàn bậc tam cấp.
Trong hầm có hai ngách đâm ngang. Một ngách là nơi cửa dùng để tiếp tế hàng vào mùa biển động. Một ngách là hầm trú ẩn khi sóng gió quật lên nhà ở, nơi làm việc của người gác đèn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận