22/06/2014 00:38 GMT+7

Mặt bằng giá sữa mới yên ổn hơn

 L.T.
 L.T.

TT - Hôm qua 21-6 là ngày đầu tiên các cửa hàng đại lý phải thực hiện giá bán lẻ sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi theo đúng quy định áp giá trần của Bộ Tài chính công bố.

DLgPCFF9.jpg
Phần lớn các mặt hàng sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi đều bán thấp hơn giá trần tối đa - Ảnh: T.Đạm

Theo ghi nhận, tại thị trường Hà Nội, TP.HCM các cửa hàng đều giảm mạnh giá bán, thậm chí có nhiều cửa hàng còn bán thấp hơn 10.000-15.000 đồng so với mức giá khuyến nghị của nhà sản xuất, nhập khẩu. Đơn cử sữa Enfamil A+1 400gr được doanh nghiệp sản xuất khuyến nghị giá bán lẻ là 215.000 đồng/ hộp, Enfagrow A4+ 900gr: 339.000 đồng/hộp...

Còn trên thị trường, giá bán đến tay người tiêu dùng hầu như thấp hơn 1.000-2.000 đồng/hộp so với mức trên, thậm chí có nhiều cửa hàng khu vực nội thành như Hàng Buồm, Đội Cấn hay Bạch Mai (Hà Nội) còn thấp hơn 5.000 đồng/hộp, tùy theo từng sản phẩm và trọng lượng.

Giảm từ vài ngày trước

Giá sữa sẽ yên ổn

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), nhận định thị trường sữa sẽ thiết lập mặt bằng giá mới sau quyết định áp giá trần. Chắc chắn từ giờ đến sang năm, giá sữa sẽ yên ổn chứ không thể rủ nhau tăng giá như những năm trước. Cùng ý kiến với ông Nghĩa, ông Vũ Văn Hòa - Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương - cho biết để siết chặt việc thực hiện quy định theo giá trần, bộ này đã yêu cầu tất cả các chi cục quản lý thị trường trên cả nước phải tăng cường kiểm tra các cửa hàng đại lý có niêm yết giá sữa bán lẻ và có bán theo đúng giá niêm yết hay không.

Trường hợp phát hiện vi phạm như bán không đúng giá niêm yết, cao hơn mức quy định thì ngoài việc xử phạt hành chính vài triệu đồng thì đơn vị vi phạm còn phải nộp toàn bộ số tiền đã thu được từ việc tăng giá bất hợp lý vào ngân sách. Ngoài ra, tới đây, Bộ Tài chính, Bộ Công thương sẽ tổ chức các đợt kiểm tra ở một số thành phố có lượng tiêu thụ sữa lớn như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ...

Đa số các chủ cửa hàng bán lẻ sữa đều cho biết đã giảm giá bán lẻ sữa từ vài ngày trước rồi. Tính bình quân mỗi hộp sữa giảm ít nhất vài chục ngàn đồng, thậm chí có hộp hạ tới cả trăm ngàn đồng/hộp so với trước đây một tháng (kể từ trước ngày công bố quyết định giá trần - PV).

Nhiều cửa hàng cũng cho biết mức giảm mạnh như vậy sẽ rất khó khăn cho họ vì sau khi trừ đi các chi phí thì lợi nhuận hiện nay chỉ có vài ngàn đồng/hộp thay vì cả chục đến vài chục ngàn đồng như trước kia.

Trong khi đó, trước đây, đại lý mang hàng đến tận nơi, cửa hàng chỉ cần alô sau năm phút là có hàng. Thế nhưng, bây giờ nhiều cửa hàng nhỏ cho biết họ phải đến tận đại lý lấy hàng.

Ghi nhận tại nhiều điểm bán sữa, các đại lý, cửa hàng tại TP.HCM cũng cho thấy việc áp giá theo giá trần quy định đã được thực hiện trước đó 2-3 tuần. Theo đó, hầu hết các mặt hàng đều thấp hơn giá trần cho phép từ 1.000 - 50.000 đồng/hộp sữa tùy mặt hàng.

Anh Quang Huy, đại lý sữa tại khu vực Q.6, cho hay mức giá bình quân đều thấp hơn giá trần từ 2-3%, nhưng cũng có những mặt hàng thấp hơn 10% so với mức giá trần.

“Tùy vào mức chiết khấu của các nhà phân phối cho các đại lý, các đại lý sẽ có mức giảm giá phù hợp cho người tiêu dùng để giữ khách” - anh Huy cho biết.

Theo đó, hiện mặt hàng Abbott Grow 3 loại 900gr tại đại lý của anh Huy được bán với giá 255.000 đồng, nếu mua sỉ đóng thùng thì mức giá là 241.000 đồng/hộp, thấp hơn 15.000-30.000 đồng so với giá trần tối đa là 271.000 đồng/hộp.

Tương tự, sản phẩm Dielac Alpha 123 loại 900gr cũng được bán với giá 175.000 đồng/hộp, thấp hơn gần 2.000 đồng/hộp so với giá trần tối đa.

Ghi nhận nhiều cửa hàng tại khu vực Nguyễn Thông, Lê Văn Sỹ (Q.3) cho thấy giá sữa bán lẻ đều thấp hơn mức kịch trần cho phép. Nhiều đại lý cho biết phản ứng của người tiêu dùng trong ngày đầu tiên áp giá trần bán lẻ sữa đều là yêu cầu bán đúng theo giá, và được xem bảng giá niêm yết của Bộ Tài chính.

“Chúng tôi đều áp dụng giá bán thấp hơn giá trần từ trước, nên cũng không gặp khó khăn gì” - chủ một cửa hàng tại khu vực Nguyễn Thông (Q.3) cho hay.

Một chủ cửa hàng trên phố Bạch Mai (Hà Nội) cũng cho rằng việc áp dụng giá trần sẽ buộc các cửa hàng sữa, các đại lý và ngay cả các công ty sản xuất kinh doanh sữa phải tổ chức lại kinh doanh.

Cụ thể là phải giảm nhân công nếu thừa, tiết giảm các chi phí quảng cáo khuyến mãi... Đây là cách tốt nhất để tồn tại. Bà này chia sẻ: “Tôi xin nói thật kinh doanh sữa nhiều năm qua có quá nhiều chuyện khiến giá sữa bị đẩy lên quá cao. Nói ra thì không mới, nhưng phải thấy rằng có những mặt hàng sữa quảng cáo trung thành trên nhiều kênh truyền hình nhiều năm liền. Hay các công ty sữa liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi tặng quà cho người tiêu dùng khi mua hàng. Thậm chí cả việc chi hoa hồng cho một số bệnh viện... Tất cả những cái đó cần phải lược bỏ dần để giảm chi phí giá thành”.

Nơi nào có giá thấp hơn sẽ chiếm lĩnh thị trường

Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng để tồn tại, các tổng đại lý và cửa hàng sữa sẽ cạnh tranh gay gắt về giá. Vì cùng một mặt hàng, đơn vị nào có giá bán thấp hơn sẽ có cơ hội chiếm lĩnh được thị phần. Chính vì thế, thị trường có nhiều mức giá bán lẻ và thấp hơn cả giá bán khuyến nghị của nhà sản xuất, nhập khẩu là như vậy.

Mặt khác, đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng chắc chắn khi giá cả bán buôn và bán lẻ bị đóng trong khung như vậy thì các đơn vị từ sản xuất, nhập khẩu và phân phối sữa phải xem lại.

Đơn cử như khâu bán lẻ, giá bán đến tay người tiêu dùng không vượt quá 15% giá trần bán buôn. Như thế các khâu phân phối và bán lẻ phải chia nhau 15% này. Muốn có lợi nhuận thì anh phải tiết giảm tối đa khâu phân phối sao cho vừa hiệu quả vừa hợp lý.

 L.T.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên