24/02/2014 12:24 GMT+7

Mặt bằng bán lẻ: Ăn uống đắt, quần áo ế!

MINH ĐĂNG
MINH ĐĂNG

TTO - Theo báo Economist, trong khi thị trường thức ăn nhanh (fastfood) tại Việt Nam được dịp xôn xao với sự xuất hiện của nhiều “ông” lớn, thì ngành bán lẻ tại các “siêu” trung tâm thương mại lại khá ảm đạm.

bIYJQ2hG.jpgPhóng to
Người gánh hàng rong đi ngang qua một “siêu” trung tâm thương mại bày bán hàng hóa cao cấp - bức tranh tương phản thể hiện sự lạc lõng của các siêu thị khổng lồ hiện nay ở các thành phố lớn của Việt Nam - Ảnh: Economist

McDonald's là thương hiệu fastfood "ngoại bang" mới nhất gia nhập thị trường Việt Nam, nối dài trào lưu thị trường thức ăn nhanh với sự "khai mào" của KFC năm 1997, sau đó là Subway, Burger King hay Starbucks.

Sức hút từ mặt bằng bán thức ăn nhanh

Các nhà phân tích nhận định xu hướng trên khắc họa thực tế thu nhập hàng năm của người Việt đang gia tăng, ước đạt khoảng 1.800 USD và quốc gia Đông Nam Á này ngày một tăng sức hút đối với các nhà bán lẻ thực phẩm và đồ uống trên thế giới. Doanh số bán hàng tại các siêu thị Việt Nam tăng gần gấp 3 lần trong giai đoạn 2008-2012, theo công ty dự báo Euromonitor.

Bức tranh ấy đó có vẻ hợp lý với tình hình kinh tế mới nổi của Việt Nam hiện nay, khi thị trường bất động sản đang dần hồi phục sau 5 năm kể từ lần chạm đáy kỷ lục năm 2008.

Economist dẫn lời các doanh nhân và nhà phát triển bất động sản ở TP.HCM cho rằng sẽ là thông minh nếu giới thiệu thêm nhiều sản phẩm phục vụ cho giới trung lưu, hơn là giới siêu giàu Việt Nam.

Họ cũng hy vọng rằng bằng việc chi tiêu mua sắm và đầu tư nhiều hơn vào các căn hộ mới, giới trung lưu thành thị Việt Nam sẽ giúp Chính phủ thực hiện thành công chiến dịch đưa nền kinh tế trở lại mức tăng trưởng 7% của những năm giữa thập niên 2000. Tốc độ tăng trưởng năm ngoái đạt 5,4%, cao hơn một chút so với mức sàn kỷ lục 5,03% của năm 2012, nhưng vẫn còn khá xa so với những năm bùng nổ.

Một dấu hiệu tích cực khác cũng đã xuất hiện. Năm ngoái, tại các thành phố lớn đã xuất hiện một số “siêu” siêu thị. Nhà tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle cho biết trong năm 2013, cổ phiếu của ngành thương nghiệp bán lẻ ở Hà Nội đã tăng lên đến mức chưa từng có 133%.

Một trong những ví dụ hào nhoáng nhất phải kể đến là Tràng Tiền Plaza nằm gần với Nhà hát lớn Hà Nội, với thương hiệu Louis Vuitton tọa lạc ngay vị trí đẹp nhất của trung tâm này.

Đại siêu thị: hào nhoáng bên ngoài, ủ rũ bên trong

Tuy nhiên, theo Công ty tư vấn bất động san CBRE, tốc độ tăng trưởng khu vực bán lẻ trong năm 2013 chỉ đạt 15% - mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, Công ty tư vấn nghiên cứu thị trường của Anh TNS Global cho biết niềm tin tiêu dùng đã và đang sụt giảm từ năm 2008. Nguồn cung bất động sản cho ngành bán lẻ tại các thành phố lớn, đặc biệt Hà Nội, vượt xa cầu thực tế.

Chuyên gia Jones Lang LaSall cho biết hơn một nửa các chủ đất hiện đang quản lý quỹ đất ngành bán lẻ hạng mức đầu tư (investment-grade retail properties) trong năm ngoái đã hạ giá thuê đất nhằm níu chân khách hàng.

Giới phân tích nhận định triển vọng bất động sản dành cho ngành bán lẻ trong ngắn hạn sẽ tiếp tục phát triển theo hướng dư cung, nhất là tại các quận ngoại ô.

Economist cho rằng rất khó để phân tích chính xác xu hướng trong ngành bán lẻ hiện đại này. Các siêu thị Big Box (siêu thị lớn hoạt động độc lập với rất nhiều các ngách thị trường khác nhau) đã dần xâm nhập vào Việt Nam kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới vào năm 2007.

Nhưng theo một nghiên cứu của các học giả Việt - Anh thì các chuỗi siêu thị bán lẻ ở Việt Nam chỉ chiếm 4% trong thị trường hàng tạp hóa. Các khu chợ, nơi bán tất cả các mặt hàng từ thực phẩm tươi sống đến hàng nhu yếu phẩm, vẫn là một "kẻ thù" lớn dập tắt hy vọng của các siêu thị big-box.

Điều đó đặc biệt đúng tại thời điểm này, khi mà người Việt ở các thành phố lớn đang ngày một lo lắng về tính bấp bênh trong công việc của mình. Nhà tư vấn Kantar Worldpanel cho biết dù các chuỗi “siêu” siêu thị bán lẻ hiện đại ở Việt Nam theo thời gian vẫn có thể phát triển được, nhưng thực tế một số người tiêu dùng thành thị đã bắt đầu trở lại với các kênh mua hàng truyền thống.

Nguyên nhân các siêu thị big-box không thể hòa nhịp trong các thành phố lớn như mong đợi ban đầu, có thể do chúng có phần chưa phù hợp với phương tiện giao thông chủ yếu của Việt Nam là xe máy. Trái lại, các cửa hàng fastfood lại rất phù hợp với phương tiện xe hai bánh. Bằng chứng là đã có hàng trăm chiếc xe máy đứng xếp hàng trước hệ thống Drive-thru của McDonald's để mua burger trong ngày khai trương vừa qua.

Nhưng Economist khẳng định chưa thể nói trước được liệu McDonald có thể tác động đáng kể nền kinh tế hay chi tiêu của người tiêu dùng hay không.

(Theo Economist)

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

MINH ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên