Làm thủ tục đổi giấy phép lái xe tại điểm cấp đổi giấy phép lái xe các loại tại số 51/2 Thành Thái, P.14, Q.10, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bởi nếu thực hiện theo đề xuất trên sẽ phức tạp hóa thủ tục hành chính, gây khó khăn cho người dân và... không có căn cứ pháp lý.
Ông Thể đã có đề xuất gây sốc này tại phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018 và đầu năm 2019, và giải pháp trong thời gian tới của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, sáng 6-3.
Bằng lái xe chỉ là giấy chứng nhận
Theo luật sư Trần Thanh (Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), giấy phép lái xe (GPLX) hay còn gọi là bằng lái xe là một loại giấy phép, chứng chỉ do cơ quan nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp cho một người cụ thể, cho phép người đó được phép vận hành, lưu thông, tham gia giao thông bằng xe cơ giới các loại như xe máy, xe hơi, xe tải, xe buýt, xe khách hoặc các loại hình xe khác trên các con đường công cộng...
GPLX thực chất là giấy chứng nhận người được cấp phép có đủ điều kiện, có năng lực, hoàn tất chương trình học và thi lái xe. Việc mất GPLX về bản chất chỉ là mất tờ giấy chứng nhận, chứ không phải mất đi năng lực, điều kiện và chương trình đã học về lái xe.
Hơn nữa, về việc cấp lại GPLX tại thông tư 12/2017/TT-BGTVT của Bộ GTVT đã có quy định khá chặt chẽ và phù hợp.
Cụ thể, hồ sơ để thực hiện việc cấp lại GPLX đối với người có GPLX bị mất được quy định tại điều 36 và thủ tục cấp lại GPLX cũng được quy định rất rõ ràng, chặt chẽ. Đồng thời, các quy định về cấp mới, cấp lại các loại văn bằng, giấy tờ đều đã được pháp luật quy định rõ, nhất là với các trường hợp còn hồ sơ gốc.
Đồng ý kiến, luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng hiện nay để được cấp GPLX, người dân cần phải trải qua quá trình sát hạch về lý thuyết, thực hành và có hồ sơ gốc. Ngoài GPLX thì dữ liệu của người được cấp GPLX còn được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu GPLX chung trên toàn quốc do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý.
Trên thực tế, GPLX hiện nay đều có mã số, tem kiểm định chống làm giả, và chỉ cần kiểm tra mã số là biết thông tin về người điều khiển phương tiện có vi phạm hay đủ điều kiện lái xe hay không...
Ví dụ, nếu người lái xe vi phạm và bị cơ quan chức năng tạm giữ GPLX thì dữ liệu sẽ hiển thị, nên trường hợp người lái xe gian dối, báo mất để được cấp lại GPLX khác nhằm đối phó với cơ quan chức năng khi bị kiểm tra xử lý rất khó xảy ra.
Việc mất giấy phép lái xe về bản chất chỉ là mất tờ giấy chứng nhận, chứ không phải mất đi năng lực, điều kiện và chương trình đã học về lái xe
Luật sư Trần Thanh
Giấy phép lái xe ôtô - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chỉ có thể xứ lý về mặt thủ tục
Theo ông Lưu Đức Quang (giảng viên Đại học Luật TP.HCM), việc người dân làm mất GPLX mà phải thi lại tức là đã đặt ra một nghĩa vụ mới không tương thích với quyền của người dân.
Bản chất của bằng hoặc giấy phép là nhằm chứng nhận khả năng của một người, từ khả năng có được người này được làm một việc nào đó, hoặc để chứng nhận một sự thật.
Việc làm mất bằng lái không có nghĩa mất khả năng lái xe. Ví dụ giấy khai sinh để chứng nhận một người được sinh ra, nếu mất giấy khai sinh thì không có nghĩa người này không có mặt trên cuộc đời.
Theo ông Quang, việc đề xuất như vậy không đúng với tinh thần của nhà nước pháp quyền, bởi công dân được làm những gì pháp luật không cấm. Trong khi đó, pháp luật không có điều luật nào quy định công dân không được làm mất bằng lái, mất giấy tờ.
Nếu người dân làm mất giấy tờ thì chỉ có thể bị xử lý về mặt thủ tục chứ không thể hủy đi quyền của họ.
Thậm chí ngay cả khi đã cấp cho người dân bản chính, bản sao thì cơ quan quản lý vẫn phải giữ lại sổ gốc, hồ sơ gốc.
Mở rộng ra trong nhiều trường hợp khác, khi người dân làm mất giấy tờ thì cơ quan quản lý phải cấp lại bản sao, phó bản cho người dân và bản sao này có giá trị như bản chính. Bởi mục đích của bản sao là để phòng trường hợp bản chính không còn nữa. Việc cấp bản sao là nghĩa vụ hành chính của Nhà nước để quản lý, ghi nhận sự thật đó.
Tất cả các loại giấy đều có cơ chế cấp bản sao để phòng ngừa trường hợp mất bản chính. Về mặt bản chất luật, không thể buộc người dân không được để mất bản chính.
Để dự liệu trong trường hợp đó thì cơ quan quản lý phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, phải có nghĩa vụ cấp lại hoặc cấp bản sao. Việc này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mà còn tạo thuận lợi cho cơ quan công quyền trong hoạt động quản lý.
Tương tự, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng hiện nay, đối với các loại giấy tờ liên quan đến hộ tịch như khai sinh, khai tử, kết hôn..., nếu mất, hư hỏng thì được cấp lại bản sao. Các loại giấy tờ khác chưa có quy định chung thì tùy theo quy định của từng ngành, lĩnh vực cụ thể.
Đối với việc cấp lại GPLX, thông tư của Bộ GTVT đã quy định cụ thể. Đề xuất mất bằng lái phải thi lại muốn khả thi thì phải bổ sung vào quy định pháp luật. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mọi quy định pháp luật phải đảm bảo không trái với Hiến pháp hay xung đột với các văn bản pháp luật khác.
Theo đó, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ, việc tước đi quyền có GPLX của người khác, khi họ không có bất cứ vi phạm pháp luật nào là trái pháp luật.
"Không nên tư duy theo kiểu quản không được thì cấm. Thay vì đưa ra các quy phạm để buộc người dân thực hiện đúng theo mục đích của nhà làm luật thì lại cấm họ thực hiện hành vi đó. Như vậy là không đảm bảo nguyên tắc làm luật và quản lý hành chính" - luật sư Hưng phân tích.
Còn luật sư Trần Thanh cho rằng hiện nay Chính phủ đang xây dựng một chính phủ kiến tạo, dựa trên nền tảng của cuộc cách mạng 4.0, do đó các cơ sở dữ liệu về quản lý hồ sơ của người dân trong đó có cơ sở dữ liệu điện tử về GPLX trên cổng thông tin quốc gia, và hướng đến số hóa toàn bộ dữ liệu quản lý quốc gia trong tương lai thì ý kiến của ông bộ trưởng đang đi ngược với xu thế đó.
Khoản 2, điều 36 thông tư 12/2017/TT-BGTVT của Bộ GTVT
Người có giấy phép lái xe bị mất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng, được xét cấp lại giấy phép lái xe.
Hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp lại giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại phụ lục 19 ban hành kèm theo thông tư này;
b) Hồ sơ gốc phù hợp với giấy phép lái xe (nếu có);
c) Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ trường hợp cấp lại giấy phép lái xe không thời hạn các hạng A1, A2, A3;
d) Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (đối với người Việt Nam) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài).
Khi đến thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép lái xe tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc sở giao thông vận tải, người lái xe gửi 1 bộ hồ sơ, chụp ảnh trực tiếp và xuất trình bản chính các hồ sơ nêu trên (trừ các bản chính đã gửi) để đối chiếu.
Sau thời gian 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ, chụp ảnh và nộp lệ phí theo quy định, nếu không phát hiện giấy phép lái xe đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý; có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch thì được cấp lại giấy phép lái xe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận