24/02/2019 15:46 GMT+7

Masan tính phân bổ lợi nhuận cho cổ đông trên 5.000 tỉ năm 2019

L.SƠN
L.SƠN

Sau kết quả kinh doanh 2018, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) tiếp tục đưa ra con số tăng trưởng doanh thu thuần năm 2019 dự kiến tăng 18% đến 30%.

Masan tính phân bổ lợi nhuận cho cổ đông trên 5.000 tỉ năm 2019 - Ảnh 1.

Ban lãnh đạo Masan công bố thông tin kết quả kinh doanh 2018 và kỳ vọng 2019 - Ảnh: L.Sơn

Masan dự kiến lợi nhuận thuần sau thuế phân bổ cho cổ đông trong năm 2019 có thể đạt 5.000 tỉ đồng, tăng trưởng 44% so với năm trước. Với diễn biến lạc quan thì lợi nhuận có thể tăng đến 58%, đạt khoảng 5.500 tỉ đồng.

Dựa trên những cơ sở nào để Masan đưa ra kỳ vọng này? Mới đây, tại sự kiện gặp gỡ cổ đông nhằm công bố kết quả kinh doanh 2018 và định hướng phát triển 2019, nhiều thắc mắc cho câu hỏi này được ban điều hành Masan giải đáp.

Cụ thể, ban điều hành Masan tự tin đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu thuần năm 2019 tăng từ 18 - 30%, lợi nhuận sau thuế và lợi ích của cổ đông thiểu số tăng từ 44 - 58% so với năm trước. Mức tăng dựa trên sự tăng trưởng của các công ty thành viên. 

Trong đó, doanh thu thuần của MCH (Masan Consumer) tăng 20% đến 35%, với doanh thu ngành hàng gia vị và thực phẩm tiện lợi tăng trưởng mạnh do đóng góp của các sản phẩm cao cấp. Ngành hàng đồ uống dự đoán sẽ tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2018.

Tương tự, doanh thu thuần của MNS (Masan Nutri-science) kỳ vọng tăng từ 20% đến 30%, với doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi tăng từ 10% đến 15%. Mảng thịt kỳ vọng sẽ đóng góp 5% đến 10% doanh thu thuần của MNS. 

Lãnh đạo Masan nhấn mạnh yếu tố sẽ đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và thay đổi hành vi người dùng đối với sản phẩm thịt mát MEATDeli và thiết lập mô hình phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Masan tính phân bổ lợi nhuận cho cổ đông trên 5.000 tỉ năm 2019 - Ảnh 2.

Masan ra mắt thành công thương hiệu MEATDeli tại Hà Nội cuối năm 2018 - Ảnh: MS

Trước đó, cuối năm 2018, Masan ra mắt thành công thương hiệu MEATDeli để đáp ứng nhu cầu lớn chưa được đáp ứng của người tiêu dùng về nguồn thịt an toàn và tốt cho sức khỏe. 

Tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam tuân thủ các tiêu chuẩn BRC - tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm hàng đầu thế giới. MEATDeli hiện đang được bán tại các cửa hàng bán lẻ MEATDeli của Masan và thông qua chuỗi siêu thị Vinmart tại Hà Nội. 

Ban điều hành dự kiến sẽ tăng cường mạng lưới phân phối để tăng khả năng cung ứng với mục tiêu giành được 5-10% thị phần tại Hà Nội vào cuối năm 2019. Việc mở rộng phân phối sản phẩm thịt mát đến các thành phố lớn trên cả nước nằm trong kế hoạch của Masan. Thời điểm cụ thể sẽ được ban điều hành công bố cụ thể trong thời gian tới.

Một thành viên khác của Masan là MSR (Masan Resources ) cũng dự kiến tăng từ 12% đến 22% do sản lượng bán tăng. MSR sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ cao để từ một công ty khai khoáng trở thành doanh nghiệp sản xuất hóa chất vonfram và kim loại công nghiệp cao.

Dựa trên kỳ vọng về doanh thu thuần, Masan cũng dự báo lợi nhuận thuần sau thuế phân bổ cho Cổ đông Công ty đạt 5.000 tỷ đồng đến 5.500 tỉ đồng, tăng 44% đến 58%, tương đương với biên lợi nhuận đạt trên 10% trong năm 2019. 

Trong đó, MCH dự kiến lợi nhuận thuần sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty tăng 30% đến 35% trong năm 2019, tương ứng với mức tăng trưởng doanh thu. MNS dự kiến lợi nhuận thuần sau thuế phân bổ cho cổ đông đạt 30 đến 70 tỉ đồng.

Lý giải con số này, ban điều hành công ty cho biết hiện nay các khoản đầu tư ban đầu lớn cho mảng thịt khá lớn. Lợi nhuận trong những năm tới sẽ tăng cao tương tự câu chuyện của dòng sản phẩm nước mắm Nam Ngư.

 MSR dự kiến lợi nhuận thuần sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty đạt 700 tỉ đồng đến 1.000 tỉ đồng. Khoản chênh lệch (từ 700 tỉ đồng đến 1.000 tỉ đồng) chủ yếu đến từ chênh lệch giả định giá vonfram và giá thực hiện của đồng

Đặc biệt, công ty dự kiến lãi vay giảm khoảng 1.000 tỉ trong năm 2019, do đã trả khoảng 12.500 tỉ nợ gốc trong quý 4/2018, giảm nợ gốc khoảng 30% so với đầu năm 2018. Công ty nỗ lực giảm nợ nhằm nâng hạng tín dụng dài hạn của MSN trong vòng 12 tháng tới.

Mới đây, trong tháng 2-2019, nhóm nhà đầu tư liên quan đến Chính phủ Singapore đã tăng sở hữu từ 8,98% lên 10,18% vốn điều lệ Masan khi mua vào khối lượng 13,9 triệu cổ phiếu. Như vậy, nhóm nhà đầu tư này đã bỏ ra 1.175 tỉ đồng mua cổ phiếu Masan để trở thành nhà đầu tư ngoại lớn nhất tại Masan, vượt qua Tập đoàn SK Group của Hàn Quốc (nắm giữ 9,45% cổ phần của Masan).

L.SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên