Diễn biến trên cũng giúp MCH trở thành tâm điểm trên UPCoM, cả về bước giá lẫn khối lượng giao dịch. Doanh nghiệp đang triển khai kế hoạch nâng cổ phiếu từ UPCoM lên niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Vào top doanh nghiệp có vốn hóa lớn
Trải qua phiên giao dịch đầy gay cấn ngày 30-5, mã MCH đóng cửa ở 185.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng gấp đôi chỉ trong vòng 5 tháng qua, từ mức 89.200 đồng vào ngày 2-1.
Nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá được giải thích rằng nhờ vào những thông tin tích cực gần đây về kết quả kinh doanh và khả năng huy động thêm vốn.
Về bức tranh kinh doanh cụ thể, báo cáo tài chính quý 1-2024 cho thấy công ty hàng tiêu dùng Masan gặt hái được gần đạt 6.730 tỉ đồng doanh thu, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, vững bước trên đà tăng trưởng. Biên lợi nhuận gộp trong quý đầu tiên của năm nay ở mức cao với 45,9%, tăng 400 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm liền trước.
Năm 2024, doanh nghiệp dự kiến doanh thu thuần đạt từ 32.500 tỉ đồng đến 36.000 tỉ đồng. Bên cạnh các sản phẩm, ngành kinh doanh chủ chốt, công ty còn đang phát triển các năng lực và quy trình đổi mới nhằm hoàn thiện danh mục FMCG trong tương lai.
Như vậy, với mức vốn hóa 132.277 tỉ đồng ở thời điểm hiện tại, Masan Consumer vượt cả "công ty mẹ" là Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN, vốn hóa hơn 107.300 tỉ đồng).
Mặc dù đang niêm yết trên UPCoM, nhưng cột mốc trên cũng giúp Masan Consumer vững bước vào top doanh nghiệp có vốn hóa bậc nhất sàn chứng khoán, vượt qua nhiều "ông lớn" trên sàn HoSE như: Sabeco (SAB), Ngân hàng Quân Đội (MBB), Thế Giới Di Động (MWG), Vincom Retail (VRE) và sắp bằng vốn hóa của Vinamilk (VNM).
Sở hữu loạt thương hiệu lớn, nỗ lực vươn ra quốc tế
Trên thị trường, Masan Consumer là gương mặt nổi bật khi đang nắm trong tay 5 thương hiệu lớn (big brands) thuộc nhóm hàng tiêu dùng với "độ phủ" lớn, ghi nhận doanh số khoảng 150 - 250 triệu USD.
Theo thông tin doanh nghiệp công bố, các nhãn hàng CHIN-SU, Nam Ngư, Omachi, Kokomi và Wake-Up 247 đóng góp 80% doanh thu của công ty tại thị trường nội địa trong 7 năm qua. Với tốc độ tăng trưởng gấp 2,2 lần tốc độ thị trường chung từ năm 2017 đến 2023, hơn 98% hộ gia đình Việt đang sở hữu ít nhất một sản phẩm của Masan Consumer.
Thị trường FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) Việt Nam hiện có quy mô 32 tỉ USD, doanh nghiệp này đang chiếm lĩnh mức 8 tỉ USD. Không chỉ phát triển các dòng sản phẩm khác nhau để "phủ sóng" hơn nữa thị trường trong nước, công ty cũng thực hiện chiến lược "Go Global" cho thị trường quốc tế.
Theo thông tin công bố, Tập đoàn Masan đang là cổ đông lớn nhất của Masan Consumer, nắm giữ 68,1% cổ phần. Ngoài ra tập đoàn này còn giữ vai trò chủ sở hữu của nhiều công ty thành viên khác đều là các thương hiệu có tiếng thuộc hệ sinh thái tiêu dùng - bán lẻ như: WinCommerce, Masan MEATLife, WinEco, Phúc Long Heritage, Masan High-Tech Materials...
Phía tập đoàn cho biết, với số vốn hóa hiện thấp hơn MCH kèm theo việc sở hữu các tài sản giá trị khác, giá cổ phiếu MSN chưa phản ánh đầy đủ giá trị nội tại. Ngoài công ty liên quan đến hàng tiêu dùng, Masan cũng đang thực hiện nhiều kế hoạch khác để tiếp tục đà tăng trưởng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận