11/04/2019 12:59 GMT+7

Masan báo cáo gì với HoSE vụ tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật?

TRẤN KIÊN
TRẤN KIÊN

TTO - Sáng 11-4, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã công bố văn bản báo cáo của Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) liên quan đến vụ việc 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi.

Masan báo cáo gì với HoSE vụ tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật? - Ảnh 1.

Tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Osaka, Nhật Bản - Ảnh: Trang web của TP Osaka

Thông cáo của Masan được liệt vào loại thông tin công bố bất thường liên quan đến việc "công ty Javis Co.,Ltd (Osaka, Nhật Bản) có lô hàng khoảng 18.000 chai bị dừng lưu thông do ghi nhãn phụ không đầy đủ".

Theo lập luận từ phía Masan, tương ớt Chin-su là một sản phẩm của Công ty CP hàng tiêu dùng Masan (thành viên trong Tập đoàn Masan), luôn tuân thủ các quy định của Việt Nam và Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) về ghi nhãn, thành phần và việc sử dụng phụ gia thực phẩm.

"Hiện nay, tương ớt Chin-su đang được xuất khẩu một cách chính thức và có mặt trên thị trường Mỹ, Canada, Úc, Nga, Cộng hòa Séc, Trung Quốc, Đài Loan. Sản phẩm tương ớt Chin-su luôn an toàn cho người sử dụng dù được sử dụng tại bất kỳ thị trường nào", Masan ghi trong thông cáo.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng thông tin là Công ty CP hàng tiêu dùng Masan không bán hoặc xuất khẩu sản phẩm tương ớt Chin-su cho Công ty Javis Co.,Ltd (Osaka, Nhật Bản) và không xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Masan cho rằng theo thông tư 27/2012/TT-BYT của Bộ Y tế Việt Nam về quản lý phụ gia thực phẩm, quy chuẩn của các quốc gia nói trên và tiêu chuẩn của Codex thì việc sử dụng chất bảo quản là axit benzoic (210) hoặc natri benzoat (211) với hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm tương ớt là hoàn toàn phù hợp theo Tiêu chuẩn Codex Stan 192-1995 về phụ gia thực phẩm (ấn bản mới nhất năm 2018) và Tiêu chuẩn Codex khu vực Codex Stan CXS 306R-2011 về tương ớt (ấn bản mới nhất năm 2017).

Thông cáo của Masan dẫn chứng rằng Cục An toàn thực phẩm cũng xác nhận và công bố trên trang web chính thức về việc sử dụng axit benzoic và axit sorbic trong tương ớt là phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và tiêu chuẩn Codex.

Sau khi xuất hiện thông tin về sự cố diễn ra với 18.000 chai tương ớt Chin-su của Masan, cổ phiếu MSN bắt đầu đứng giá và suy giảm hai phiên liên tiếp, trước khi lấy lại đà hồi phục trong phiên 11-4, tăng 200 đồng, lên 86.900 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, thông tin thành phố Osaka, Nhật Bản thu hồi trên 18.000 chai tương ớt Chin-su do chứa acid benzoic đã gây xôn xao.

Trong một trả lời, Bộ Y tế cho biết sản phẩm tương ớt hiện do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý, Bộ Y tế chỉ quản lý danh mục phụ gia và một số sản phẩm như thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung vi chất.

Vì vậy, có nên thay đổi loại chất bảo quản để tương ớt Việt Nam tương tự yêu cầu ở Nhật Bản, tức có thể an toàn hơn, cần sự vào cuộc của cả hai bộ y tế và nông nghiệp.

Ai đã "xuất khẩu hộ" tương ớt Chin-su của Masan sang Nhật?

TTO - Theo tìm hiểu, tính từ đầu tháng 1-2018 đến cuối tháng 3-2019, ước tính đã có hơn 109 tấn tương ớt được xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Nhật Bản qua các cảng của TP.HCM, giá trị đạt 151.000 USD.

TRẤN KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên