24/07/2016 11:05 GMT+7

Marlon Brando: Đỉnh cao & vực sâu của "bố già"

LÂM LÊ
LÂM LÊ

TT - Cho dù Marlon Brando qua đời tròn 12 năm (ngày 1-7-2004), những vai diễn huyền thoại và cuộc đời đầy sóng gió của ông luôn là một chương được nhắc đến nhiều nhất của điện ảnh Hollywood.

Marlon Brando
Marlon Brando - Ảnh: cnn

 

Nhưng với bộ phim tài liệu Listen to me Marlon, được đạo diễn người Anh Stevan Riley cắt dựng từ hơn 200 giờ tư liệu mà Marlon tự thu những năm cuối đời cùng những hình ảnh footage lần đầu được công bố, khán giả mới thật sự nghe được những tiếng nói của chính huyền thoại này về cuộc đời mình, một cuộc đời mà đỉnh cao và vực sâu luôn song hành.

“Thuốc độc phòng vé” và những vai diễn thăng hoa

Bộ phim mở đầu bằng hình ảnh gương mặt và cái đầu của Marlon được mã hóa bằng công nghệ 3D đặc biệt, mà ông tự làm cho chính mình qua một phần mềm vào đầu những năm 1980. 

Đó là những hình ảnh như trong một bộ phim khoa học giả tưởng về một kẻ bất tử và giọng nói của Marlon được cất lên, như từ dưới mộ, như để nói với chính ông, về cuộc đời bất toàn của mình.

Marlon sinh ra trong một gia đình mà cả cha và mẹ đều nghiện rượu nặng, từ nhỏ ông đã quen sống trong bầu không khí của bạo lực và nghiện ngập. 

Hình ảnh bất tử của Marlon Brando lúc còn trẻ
Hình ảnh bất tử của Marlon Brando lúc còn trẻ

Cuộc đời của ông chỉ thật sự thay đổi khi ông rời khỏi quân ngũ và tìm đến New York phát triển sự nghiệp sân khấu, với sự hướng dẫn của một bậc thầy về diễn xuất là nữ nghệ sĩ Stella Adler - người chuyển giao cho Marlon kỹ thuật diễn xuất trở thành “báu vật” của ông sau này là “method acting”.

Kỹ thuật diễn xuất này bắt diễn viên phải sống bên trong nhân vật, trong từng hơi thở chứ không đơn giản là chỉ ăn cùng và ngủ cùng. Marlon Brando áp dụng kỹ thuật diễn xuất này thành công rực rỡ trong vở kịch Chuyến tàu mang tên dục vọng và sau đó tiếp tục thể hiện vai diễn Stanley trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Elia Kazan.

Trước đó một năm, để vào vai một cựu quân nhân bị liệt trong bộ phim đầu tay The Men, ông phải vào viện điều dưỡng ngồi xe lăn suốt hai tháng trời.

Sự nghiệp của Marlon tiếp tục những chuỗi ngày thăng hoa khi trong 4 năm liên tiếp từ 1952 đến 1955, ông có tới 4 lần được đề cử Oscar cho nam diễn viên chính xuất sắc nhất và đoạt Oscar vào năm 1955 với vai diễn trong bộ phim On the waterfront (Trên bến cảng) lúc mới 31 tuổi, đến nay vẫn là một trong số ít nam diễn viên trẻ tuổi nhất từng đoạt Oscar.

Ông tiếp tục có thêm một đề cử Oscar trong thập niên 1950, để rồi sau đó đổ dốc và trở thành “thuốc độc phòng vé” suốt cả thập niên 1960.

Marlon Brando và vợ Tarita Teriipia - Ảnh: printer
Marlon Brando và vợ Tarita Teriipia - Ảnh: pinterest

 

Cùng với đó là sự ngạo mạn, bốc đồng, những cuộc tình phóng túng (trong bộ phim tài liệu, ông tự nhận mình là “một con thú trên giường” và “phụ nữ đến nhà tôi bằng cửa chính và ra về bằng cửa sổ”) khiến hào quang của ông tuột dần ở tuổi ngoài 30.

Marlon Brando trong phim Bố già
Marlon Brando trong phim Bố già

“Bố già” trở lại đỉnh cao

Ở thời điểm không ai dám mời Marlon Brando cho những dự án lớn nữa thì đạo diễn F.F.Coppola thuyết phục Hãng Paramount để mời ông vào vai bố già Don Vito Corleone trong bộ phim The Godfather (1972).

Vai diễn này một lần nữa đưa Marlon trở lại đỉnh cao. Tại giải Oscar năm 1973, Marlon từ chối, không xuất hiện tại sự kiện trao giải mà để một nữ diễn viên da đỏ lên sân khấu và truyền đi thông điệp của ông, lên án nước Mỹ đối xử bất công với người da đỏ bản địa.

Đấy là giai đoạn Marlon Brando quan tâm nhiều đến chính trị, sau khi ông quay bộ phim Munity on the Bounty và mua một hòn đảo ở Tahiti.

Một năm sau, ông tiếp tục gây sóng gió với bộ phim Last tango in Paris, trong đó có những cảnh quay tình dục trần trụi giữa Marlon (lúc đó 48 tuổi) và nữ diễn viên người Pháp Maria Schneider lúc cô mới 20 tuổi. Ông có thêm một đề cử Oscar.

Last tango in Paris
Phim Last tango in Paris - Ảnh: filmforum

 

Bộ phim vĩ đại cuối cùng của Marlon Brando là Apocalypse Now (1979) của F.F.Coppola, được xem là bộ phim chiến tranh Việt Nam xuất sắc nhất. Và dù chỉ xuất hiện 30 phút cuối trong bộ phim dài hơn 3 tiếng này, Marlon Brando vẫn là cái tên để lại nhiều ám ảnh nhất qua vai diễn đại tá điên loạn Kurtz...

Nói về sự nghiệp diễn xuất và những vai diễn xuất chúng của Marlon Brando, một tên tuổi lớn khác là Jack Nicholson nói đùa rằng “chừng nào Marlon Brando còn sống thì không diễn viên nào có thể ngóc đầu lên nổi”.

Đạo diễn Elia Kazan, người từng làm việc với ông 4 phim thành công lớn, gọi Marlon là “thiên tài” và “nếu điện ảnh còn tồn tại đến 500 năm nữa thì Marlon Brando vẫn còn ảnh hưởng”.

Martin Scorsese, một đạo diễn lớn khác ở thế hệ sau, thì nói “diễn xuất chia làm hai cột mốc: trước và sau khi Marlon Brando xuất hiện!”.

Marlon Brando ngồi xe lăn nhập viện chữa bệnh tháng 3-2004 ở UCLA Medical Center -Ảnh: Zimbio

 

Và những vực sâu tận cùng

Trong Listen to me, ở giai đoạn cuối đời, sau khi trải qua những năm tháng dài trong bệnh tật và đặc biệt là những bi kịch cá nhân dồn dập, Marlon Brando dường như có xu hướng phủ nhận tất cả những di sản của chính mình. Ông không thừa nhận bất cứ một tác phẩm “vĩ đại” nào của mình, cho rằng ở Hollywood chỉ có tiền, tiền và tiền mà thôi.

Về những vai diễn được người đời truyền tụng, ông nói: “Đơn giản là ở xứ mù thì thằng chột làm vua”. Và rằng “nếu tôi không làm diễn viên thì chắc tôi sẽ trở thành một tên lừa đảo, một tên lừa đảo tài năng”.

Tính cách nổi loạn, bốc đồng và nóng tính khiến Marlon luôn đẩy cuộc đời mình vào rắc rối. Trong khi đó, sự phóng túng trong cuộc sống riêng tư cũng là một trong những lý do khiến ông mất tập trung cho những bộ phim ở giai đoạn giữa của sự nghiệp vì mất quá nhiều thời gian cho kiện tụng và tranh giành quyền nuôi con.

Marlon có 3 bà vợ và số lượng nhân tình không đếm hết, có 12 người con chính thức và số lượng con rơi con vãi không ai biết được (một số nguồn tin cho rằng ông có khoảng 25 người con).

Một bi kịch lớn của Marlon là vào những năm 1990, khi con trai Christian bắn chết bạn trai của em gái cùng cha khác mẹ Cheyene trong một cuộc xung đột ngay tại nhà riêng của cha họ. Christian đi tù 10 năm, còn Cheyene, con gái bé nhỏ mà Marlon yêu hơn tất cả, rơi vào trầm cảm và sau đó tự sát tại hòn đảo ở Tahiti lúc mới 20 tuổi.

Marlon gần như ở ẩn suốt những năm tuổi già. Lúc qua đời ở tuổi 80, Marlon Brando được xác định mắc một loạt bệnh nghiêm trọng như béo phì, tiểu đường, viêm phổi, trụy tim và có cả dấu hiệu ung thư gan.

Trang bìa tờ New York Daily News ngày 3-7-2004 đưa tin Marlon Brando qua đời
Trang bìa tờ New York Daily News ngày 3-7-2004 đưa tin Marlon Brando qua đời

 

Trong Listen to me Marlon, hình ảnh gương mặt được mã hóa bằng công nghệ 3D được lặp lại ở phần kết và giọng nói của Marlon Brando lại được cất lên, nghe thật thanh thản: “Marlon, hãy nghe giọng nói của tôi. Hãy buông xuôi. Hãy để nó cuốn đi, như những đám mây trên bầu trời. Hãy để mình cuốn trôi vào miền đất nào đó, miền đất của hòa bình, để xem những cây du rụng lá. Hãy bỏ lại những cuốn băng cũ kỹ đó, ông không cần chúng. Hãy ngừng suy nghĩ và yên lặng đợi hạnh phúc đến quanh ông. Và khi thời gian tới, hãy ngủ”.

>> Xem trích đoạn phim Last tango in Paris:

LÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên