TTCT - Chúng ta đã thưởng thức và khâm phục tài nghệ của Mario Goetze, cầu thủ 19 tuổi của tuyển Đức chơi xuất sắc trong trận giao hữu thắng Brazil. Nhưng khám phá nền tảng, môi trường và phương pháp tạo nên tài năng bóng đá này có lẽ còn thú vị hơn nữa. Phóng to Chàng trai 19 tuổi Mario Goetze - Ảnh: mario-goetze.com Không ít tài năng rất xứng đáng với lời khen tặng. Nhưng với Mario Goetze, HLV Juergen Klopp của CLB Dortmund “chân thành đề nghị giới truyền thông hãy để cho Goetze đứng vững chân trên mặt đất” vì Goetze đang bay bổng ở tuổi 19 của mình. HLV Klopp nói rõ hơn: “Điều mà Goetze cần bây giờ chính là sự phát triển vững chắc cả về thể chất lẫn tinh thần. Và nhất là không bao giờ để mất đi niềm vui chơi bóng”. Nghe Klopp nói, người ta nhớ đến nhiều tài năng bóng đá đã “không bao giờ chín muồi”, như Deissler là một thí dụ. Từng là tài năng bóng đá Đức nhưng cuối cùng Deissler đành rời bỏ bóng đá khi mắc bệnh trầm cảm, do không chịu được sức ép khủng khiếp của cái nghề cực kỳ vinh quang nhưng cũng vô cùng “nguy hiểm” này. Tài năng xuất chúng Mùa bóng Bundesliga 2010-2011 đã làm nên tên tuổi Mario Goetze. Đầu mùa, Goetze đá nửa chính thức, nửa dự bị. Khi Kagawa chấn thương, anh được đá chính thức. Kết thúc mùa bóng Dortmund vô địch, Goetze trở thành ngôi sao nhưng đứng sau Sahin, cầu thủ Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển sang Real. Nhưng hai trận đấu đầu mùa 2011-2012 đã đưa Goetze vọt lên như một quả tên lửa. Trận khai mạc Bundesliga, Dortmund thắng Hamburg 3-1. Goetze ghi một bàn và tạo đường chuyền quyết định cho hai bàn khác. “Xem Goetze thi đấu, tôi thấy tin tưởng hơn ở tương lai bóng đá Đức” - cựu vô địch thế giới Gunter Netzer nhận xét. Lúc ấy người ta so sánh anh với Gerd Muller - “kẻ giội bom của bóng đá Đức”. Còn trận thứ hai là Đức thắng Brazil 3-2. Lời khen dành cho Goetze: cậu ta còn Brazil hơn tất cả cầu thủ Brazil trên sân, lại mang theo sự quyết tâm của khí huyết Đức. Bây giờ Beckenbauer so sánh Goetze với Messi. Mừng quá mà cũng sợ quá, bởi đỉnh cao nào mà chẳng chơi vơi, nhất là khi cầu thủ còn khá trẻ. Có một cách khác để chiêm ngưỡng và thán phục cầu thủ một cách khoa học hơn, khi sử dụng các dữ liệu bóng đá của ngân hàng thông tin sau quá trình xử lý các hình ảnh thu được từ một trận đấu của vòng thứ nhất. Trên bản đồ nhiệt (heatmap), Goetze có mặt ở hầu hết các vị trí trên sân (màu sắc khác nhau cho thấy tốc độ di chuyển khác nhau, cụ thể màu càng sậm là chỗ Goetze chạy càng nhanh). Sơ đồ thứ hai mô tả những đợt bứt phá của Goetze: 20 lần rút tốc độ (trên 24km/giờ) về phía khung thành đối phương. Theo thống kê, Goetze là người uy hiếp khung thành đối phương dữ dội nhất tại Bundesliga: anh sút hai lần và chuyền cho đồng đội sút bảy lần (dẫn đến ba bàn thắng), đạt điểm 9, thắng 58% các cuộc đọ sức tay đôi (đứng thứ hai trong số 18 đội của Bundesliga), chạy 10,42km (thứ tư), trong đó chạy nước rút 509m (thứ ba). Chơi dữ dội và tốc độ như vậy nhưng Goetze vẫn đứng đầu bóng đá Đức về độ chính xác: 90,6% số đường chuyền của anh đạt tiêu chuẩn chính xác. Goetze hôm nay không sinh ra từ hư không. Mới lên 6 tuổi Goetze đã sút bóng hai chân như một khiến HLV Droesse phải thốt lên: “Không có động tác nào tôi dạy mà cậu ta không làm được”. Đặc biệt, trong khi các chú bé khác mãi tranh nhau quả bóng, Goetze đã biết nhìn ra thế trận và chỉ huy tất cả trong đội của mình. Lòng tin vào Goetze lớn đến nỗi ông thầy Droesse đánh cược 1.000 euro với mọi người là “Goetze sẽ tham gia mọi đội tuyển Đức từ lứa 8 tuổi và đi một mạch đến đội tuyển quốc gia”. Với 17 năm, 5 tháng và 18 ngày, Goetze tham gia đội hình Dortmund (tháng 11-2009), là cầu thủ trẻ thứ chín của Bundesliga theo tiêu chí này. Chỉ sau 16 trận ở Dortmund, ngày 10-11-2010 Goetze đã được HLV Loew gọi vào đội tuyển quốc gia. Năm 2009 và 2010, anh là cầu thủ trẻ xuất sắc nhất nước Đức. Phóng to Bản đồ nhiệt trận Dortmund - Hamburg 3-1. Nơi có mặt và tốc độ tương ứng của Mario Goetze Sự bình dị cũng khác thường Hơn một năm trời, Dortmund cấm Goetze trả lời phỏng vấn. Mãi gần hết mùa bóng, anh mới xuất hiện trong bài trả lời phỏng vấn đầu tiên và lập tức gây chú ý vì sự bình dị trong các ý kiến của mình. Nói về “Borussen - Boygroup” mà mình là một thành viên, anh bảo: “Sống với nhiều điều cám dỗ thật không đơn giản chút nào. Nhưng tôi được dạy bảo để cư xử đúng”. Khi nhận lương 1 triệu euro/năm, Goetze rất ngạc nhiên vì “tại sao đôi chân lại làm ra nhiều tiền hơn bộ óc? (bố Goetze làm về tin học)”. Ở các CLB khác, cầu thủ thành danh cùng lứa với Goetze bao giờ cũng ra ở riêng, ít nhất là một căn hộ, không thì cả một biệt thự. Nhưng Goetze nói anh không có nhu cầu cao xa đến như vậy. Anh thấy tuyệt vời khi sống ở nhà và ăn những món mẹ nấu, ngủ trong căn phòng vốn dành cho trẻ con với một chút ưu đãi: có lắp đặt bồn tắm và mở thêm một bancông. Ngâm nước và sưởi nắng là những thứ cần cho sức khỏe một cầu thủ. Ông Juergen Goetze chăm lo chuyện học hành của con. “Tôi học cũng chỉ trung bình thôi” - anh nói. Điểm cuối năm 2011 của Goetze là 3,0 (1,0 là xuất sắc, 2,0 là giỏi mà 4,0 cũng vẫn là đỗ). Vừa đá bóng mà học được đến vậy là rất khá, trước là khá về ý thức, sau là khá về kết quả. Lưu ý ở Đức học là học thật, chứ không có kiểu học cho có gọi là học! Người trực tiếp ký hợp đồng với Goetze và chăm sóc anh là Lars Ricken, tài năng một thuở của Dortmund hiện phụ trách bóng đá trẻ ở CLB và “biết tất cả những mặt trái của việc thành danh quá sớm”. Chẳng hạn: đòi hỏi thành tích quá sớm đôi khi lại kìm hãm tài năng, hoặc phát triển tài năng bóng đá phải song hành với phát triển nhân cách. Nhưng Ricken tin tưởng: “Môi trường hiện nay thật tốt đẹp. Thật khó làm điều gì sai trong hoàn cảnh này”. Phóng to Mario Goetze mở nước rút tấn công 20 lần trong một trận đấu Tạo ra một môi trường để trưởng thành Khi còn đá bóng, Ricken ở chung phòng với Matthias Sammer, giám đốc kỹ thuật và là người trực tiếp phụ trách bóng đá trẻ của DFB (Liên đoàn Bóng đá Đức) hiện nay. Sammer là cầu thủ đẳng cấp, nhiều kinh nghiệm trong đào tạo trẻ tại CHDC Đức trước đây, có đầy đủ hiểu biết về bóng đá hiện đại, một con người vừa giàu quyết tâm lại nhiều khát vọng. Mario Goetze * Sinh ngày 3-6-1992 * CLB: SC Ronsberg 1997-1998, FC Eintrach Hombruch 1998-2001, Borussia Dortmund từ 2001-2009 (đội trẻ), Borussia Dortmund từ 2010 * Tuyển Đức: từ 2007, U-15, U-16, U-17, U-18 và U-21 * Danh hiệu: Vô địch quốc gia Đức 2011, Vô địch châu Âu 2009 (U-17), HCV Frita Walter 2009 (U-17), HCV Fritz Walter 2010 (U-18) Ý tưởng của Sammer khá đơn giản: bất cứ trẻ em nào nếu muốn chơi bóng đá đều phải có điều kiện để chơi, rồi các HLV hướng dẫn các em chơi hay, chơi đúng cách, vui (huấn luyện lúc này thiên về kỹ thuật, từ 3-10 tuổi). Từ 11 tuổi mới huấn luyện định hướng nhà nghề, từ 15 tuổi sẽ nói chuyện đầy đủ về bóng đá chuyên nghiệp. Ai muốn đi theo bóng đá nhà nghề sẽ được tạo điều kiện, ai không làm nghề này cũng chẳng có ảnh hưởng hay hậu quả gì. Ngay cả những em đã vào con đường chuyên nghiệp nhưng vì lý do nào đó chịu dang dở, cũng có đủ điều kiện để quay về cuộc sống bình thường. Như vậy, đào tạo trẻ không được phép bỏ sót bất cứ tài năng nào, và cũng không làm tổn thương bất cứ quá trình giáo dục bình thường nào. Cả ý nghĩa bóng đá và ý nghĩa xã hội đều được đảm bảo. Lẽ đương nhiên, với Sammer, đã làm bóng đá thì phải hấp dẫn và có thành tích. Bố của Goetze cũng rất thẳng thắn: “Chúng tôi có sẵn cả kế hoạch B nữa chứ!”. Hiện Goetze đã có bằng tốt nghiệp phổ thông (bằng Abitur), nghĩa là nếu từ bỏ bóng đá vẫn có đủ điều kiện theo đại học. Ông bố rất tự hào: “Cứ xem thái độ, ứng xử và trí tuệ của cháu thì Mario sẽ tốt nghiệp đại học ngon lành”. Đã ổn cả rồi nhưng cũng chưa có gì đảm bảo. Bởi hiếm có môi trường nào nhiều biến động và lắm cám dỗ như môi trường bóng đá. Các nhà môi giới lúc nào cũng ngồi trên khán đài mỗi khi Goetze ra sân. Cả Real, Barca lẫn M.U đều đã đánh tiếng. Bộ tham mưu của Goetze (gồm HLV, gia đình, nhà đại diện và CLB) luôn ở trong trạng thái “sẵn sàng chiến đấu”. Rồi Goetze sẽ ra đi, nhưng bao giờ đi, đi như thế nào là cả một câu chuyện dài. Dài đến mấy cũng phải có một mục tiêu: để sự phát triển của Goetze thành công trọn vẹn. Đó là bóng đá, là giáo dục, là yêu thương và nghiêm khắc, là gia đình, là xã hội. Bạn đã bao giờ nghe Goetze đến quán rượu, lái xe ẩu, đánh nhau hay làm bất cứ điều gì đại loại như thế hay chưa? Chưa, chắc chắn rồi! Thế mà nỗi lo vẫn chưa bao giờ dứt. Chúng ta chờ đợi Mario Goetze và chiêm nghiệm những bài học về sự trưởng thành của anh khi nhìn về bóng đá Việt Nam. Tags: BrazilTuyển ĐứcMario GoetzeTài năng bóng đáHLV Juergen Klopp
Sửa thuế thu nhập cá nhân lạc hậu: Phải chờ đến... 2026! LÊ THANH 26/11/2024 Phải có quy định cho phép người nộp thuế thu nhập cá nhân được trừ lãi vay mua nhà, tiền học hành, khám chữa bệnh của người nộp thuế và của con cái họ...
Bộ Tư pháp Mỹ hủy bỏ mọi vụ án liên bang chống lại ông Trump THANH BÌNH 26/11/2024 Công tố viên đặc biệt Jack Smith đã hủy bỏ hai vụ án hình sự liên bang chống lại ông Trump.
Tin tức thế giới 26-11: Mỹ lần đầu xác nhận cho Ukraine dùng tên lửa ATACMS bắn sâu vào Nga BÌNH AN 26/11/2024 Ông Biden và ông Macron chuẩn bị công bố thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel - Hezbollah; EU khởi kiện lên WTO việc Trung Quốc về thuế.
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.