Và khi tai nạn xảy ra, khách hàng không dễ đòi tiền bảo hiểm, thậm chí có người không nằm trong đối tượng được bảo hiểm.
Thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam ước đạt quy mô gần 0,9 tỉ USD trong năm nay và dự kiến cán mốc gần 2,2 tỉ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép bình quân 5 năm tới là 19,5%/năm, theo Mordor Intelligence.
Tại Việt Nam, top 4 hãng gọi xe máy chiếm mức độ phổ biến gồm Grab, Be, Xanh SM và Gojek. Mỗi khách hàng chi trung bình 350.000 - 474.000 đồng/tháng cho hoạt động gọi xe.
Vẫn chiêu trò đánh đố khách hàng
Trước miếng bánh màu mỡ, hãng xe công nghệ đã kết hợp bán bảo hiểm để khai thác nguồn thu. Dù bản chất sản phẩm mang lại quyền lợi bảo vệ cho hành khách ngồi sau, song quy trình bán lại mang tính áp đặt và mập mờ. Cách xử lý khi khách bị tai nạn cũng không thể hiện rõ trách nhiệm.
Mỗi tháng chi ra khoảng 1 - 1,5 triệu đồng cho các chuyến xe ôm công nghệ để đi lại, chị Ngân (23 tuổi, TP.HCM) cho biết nhiều hãng xe tự ý cộng dồn phí bảo hiểm tai nạn vào, khách nào chú ý mới lựa chọn giữ nguyên hoặc bỏ.
Tuy nhiên, theo chị Ngân, việc ẩn thông tin và mặc định để khách hàng mua bảo hiểm gây ra tình trạng thiếu minh bạch, đặc biệt với những người không thường xuyên hoặc mới sử dụng dịch vụ gọi xe.
Điển hình như vào ứng dụng Grab, nhiều khách hàng không biết đang phải trả tiền mua bảo hiểm, vì thông tin bị ẩn trong dấu ba chấm "…" nằm ở góc dưới cùng bên phải. Khi bấm vào mới biết hãng đã bật mặc định mua "Ride Cover" (phiếu ưu đãi khi tài xế đến trễ và quyền lợi bảo hiểm tai nạn cho chuyến đi) giá 2.000 đồng/chuyến.
Tương tự, trong phần mô tả của ứng dụng Gojek cũng không nêu rõ là sản phẩm bảo hiểm, mà chỉ để một số quyền lợi căn bản khách nhận được. Ở phần "đối tác" mới thấy thông tin "hợp đồng bảo vệ tai nạn cá nhân" được bảo lãnh bởi Bảo hiểm AIG Việt Nam và Công ty TNHH môi giới bảo hiểm Marsh Việt Nam.
Chỉ khi vào mục này, khách mới biết Gojek là chủ hợp đồng. Vào phần "thông tin sản phẩm", khách hàng cũng "bó tay" vì website có nội dung bằng tiếng Anh.
Trong khi đó, dòng chữ "chuyến đi có bảo hiểm Trip Care" được hãng Be nêu bật, dễ nhận biết hơn. Dù vậy, hãng này vẫn bật chế độ mặc định khách hàng trả tiền mua bảo hiểm tai nạn, cộng dồn vào tổng cước chuyến đi, chứ không để khách chủ động nhấn vào mua mỗi lần đặt xe.
Với hãng khác như Xanh SM, ngay khi khách hàng chọn quãng đường sắp đi, ứng dụng lập tức hiện ra giá tiền phía trên cùng ghi chú "chuyến đi có bảo hiểm" khá dễ thấy.
So sánh về mô tả sản phẩm, Xanh SM có phần minh bạch, dễ dàng thao tác để biết đây là "bảo hiểm tai nạn dành riêng cho khách hàng", với các quyền lợi tóm tắt, mức phí…
Hãng xe không thể "phủi" trách nhiệm
Như Tuổi Trẻ phản ánh mới đây, một khách hàng sử dụng dịch vụ Grab "xe ôm" đa bị té xuống đường bất tỉnh, đa chấn thương, do váy quấn vào xích xe, được đưa vào bệnh viện điều trị với tổng chi phí điều trị hơn 200 triệu đồng.
Ngay sau khi xuất viện, khách hàng đã yêu cầu hãng xe bồi thường. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hợp đồng bảo hiểm tai nạn cá nhân đang bán trên ứng dụng đặt xe do GrabInsured VN giữ vai trò đại lý bảo hiểm, Công ty bảo hiểm Chubb VN là đơn vị bảo hiểm, còn Grab là bên mua bảo hiểm.
Hãng xe cho biết đã đến bệnh viện hỏi thăm sức khỏe, trình báo sự việc tới cơ quan chức năng, tích cực thực hiện các thủ tục bồi thường theo chính sách bảo hiểm tai nạn cá nhân của dịch vụ Grab.
Dù vậy, hãng xe cũng thông tin rằng phía đơn vị bảo hiểm vẫn đang chờ nhận chứng từ liên quan từ hành khách mới hoàn tất hồ sơ yêu cầu bồi thường và chi trả đúng quy định.
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia bảo hiểm cho rằng Grab không thể "phủi tay" bởi tiền của khách hàng chảy vào ứng dụng hãng xe, rồi mới đưa một phần về công ty bảo hiểm.
Khi tai nạn xảy ra, hãng xe Grab, cụ thể hơn là đại lý bảo hiểm - GrabInsured VN, phải có trách nhiệm cùng khách hàng thu thập dữ liệu để nộp cho Chubb VN, chủ động đi đòi quyền lợi bồi thường cho khách hàng.
Vị này cũng cho biết theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, khách hàng phải là người chủ động mua bảo hiểm dựa theo nhu cầu của mình. Nếu mua giùm cho người từ 18 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của họ.
"Có nhu cầu mua bảo hiểm hay không phải do khách tự tạo ra. Việc các ứng dụng xe công nghệ tự bật chế độ mặc định có thể dẫn đến tình trạng khách không biết mình đã mua bảo hiểm, không khiếu nại khi tai nạn xảy ra", vị này nói.
Cũng theo vị này, trong mô tả trên website của Grab, với sản phẩm "Ride Cover" kể trên, một trong những điều kiện để được bảo hiểm là hành khách có tuổi từ 18 - 65. Như vậy, nhiều hành khách nằm ngoài khung tuổi này vẫn phải tốn tiền mua bảo hiểm, do hãng cài mặc định mua bảo hiểm.
Điều đáng nói là dù mất tiền nhưng khi rủi ro xảy ra, những khách hàng này không được bảo vệ.
"Mức phí bảo hiểm tai nạn cá nhân đang áp dụng trên các ứng dụng xe công nghệ rất thấp, chỉ vài ngàn đồng. Tưởng chừng nhỏ, nhưng thực tế rất lớn vì số cuốc xe của các hãng mỗi ngày rất nhiều", vị này nói.
Tài xế xe công nghệ cần được bảo hiểm
Ông Peter Tay, giám đốc chuyển đổi số của Income Insurance Limited (Singapore), cho rằng do các tài xế được xem là các "đối tác" nên không có hợp đồng lao động cũng như không được bảo vệ bởi luật lao động.
Trong khi đó, đây là nghề đem lại thu nhập chính cho hầu hết các tài xế xe công nghệ. Đây là một "khoảng trống" bảo hiểm bởi các tài xế xe công nghệ là nhóm người dễ bị tổn thương, cần được bảo vệ nhất.
Theo ông Trần Nguyên Đán (thành viên Hội Luật gia VN), tài xế ở các hãng như Phương Trang, Vinasun… được tuyển dụng dựa trên các tiêu chí của doanh nghiệp, được ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội.
Trong khi đó, các nền tảng công nghệ chỉ xem các tài xế là đối tác, không phát sinh trách nhiệm quản lý người lao động, nên tiềm ẩn rủi ro cho cả tài xế lẫn khách hàng. Chẳng hạn, nếu khách bị tài xế cướp giật hoặc trường hợp tài xế bị tai nạn, hãng cũng chỉ là "đối tác" nên không có trách nhiệm liên đới.
Vì vậy, theo ông Đán, hãng xe công nghệ cần ký kết hợp đồng ngắn và dài hạn tùy trường hợp, để áp dụng bảo hiểm xã hội cho tài xế, nâng cao việc chịu trách nhiệm với khách hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận