19/11/2024 09:37 GMT+7

Mạo danh 'shark' để lừa đảo

Shark Tank Việt Nam mùa 7 đã khởi động và đi đến hồi kết, đây cũng là cơ hội để nhiều đối tượng mạo danh, lừa đảo bằng hình thức "đầu tư cùng các shark" mọc lên như nấm sau mưa.

Mạo danh 'shark' để lừa đảo - Ảnh 1.

Các fanpage mạo danh shark Hưng, shark Linh kêu gọi đầu tư, lừa đảo và trục lợi từ những nhà đầu tư tay mơ - Ảnh: TRÚC QUYÊN

Các đối tượng lừa đảo qua mạng nhắm vào các con mồi có nhu cầu đầu tư tài chính nhưng còn "lơ tơ mơ", thông qua việc mạo danh những người nổi tiếng trong lĩnh vực đầu tư như: shark Hưng, shark Linh… trong chương trình Shark Tank Việt Nam (Thương vụ bạc tỉ) để dẫn dụ người dùng chuyển tiền, trục lợi.

Mạo danh các "shark" để dụ đầu tư

Chỉ cần gõ cụm từ khóa "đầu tư" hoặc "đầu tư cùng shark…" trên Facebook thì ngay lập tức kết quả trả về hàng trăm fanpage lẫn hội nhóm với hình ảnh đại diện là ông Phạm Thanh Hưng (shark Hưng), bà Thái Vân Linh (shark Linh)…

Đây là những gương mặt quen thuộc làng đầu tư tài chính, nổi tiếng chương trình Thương vụ bạc tỉ, hay còn gọi Shark Tank Việt Nam.

Thử nhắn tin fanpage có tên "Shark Linh - Đầu tư và phát triển 2024" bằng tin nhắn gợi ý "Chi phí tham gia dự án này là bao nhiêu", ngay lập tức người trực page trả lời "vốn tham gia trải nghiệm duy nhất chỉ 300k thôi bạn nhé" nhưng với điều kiện "nhà đầu tư" phải có tài khoản ngân hàng ở Việt Nam.

Người này giới thiệu đây là sàn đầu tư quỹ mở trực tuyến có tên là KIS Việt Nam, hoạt động dựa trên tỉ lệ biến động mua vào hoặc bán ra của các đồng kim loại (!?).

"Khi tham gia chỉ với số vốn 300.000 đồng, chuyên gia bên mình sẽ hỗ trợ bạn tăng lợi nhuận lên trên 1.000.000 đồng và rút ngay về tài khoản ngân hàng 600.000 đồng", người này quảng cáo.

Để tạo niềm tin với con mồi mới, người này giới thiệu shark Thái Vân Linh là người đại diện hình ảnh quảng cáo và cũng là cổ đông lớn hợp tác với sàn đầu tư này. Kèm theo là các hình ảnh về các loại giấy tờ như "quyết định tổ chức hoạt động đầu tư chứng khoán" có dấu mộc đỏ của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, "giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp" của Sở Kế hoạch và Đầu tư…

Tiếp tục click vào quảng cáo đầu tư của fanpage có tên "Hợp tác cùng nhau 4.0 - Shark Hưng", ngay tập tức có tin nhắn chào mời đầu tư trên sàn giao dịch trực tuyến N.Y.S.E., người này giới thiệu sàn giao dịch này thuộc Sở giao dịch chứng khoán New York tại Mỹ (!?), hiện đang mở rộng và phát triển tại thị trường Việt Nam.

"Bên em có chuyên gia là shark Hưng sẽ trực tiếp hướng dẫn đầu tư, bằng cách dựa vào dữ liệu và biến động thị trường giá vàng toàn cầu để đưa ra những lệnh chính xác nhất, shark Hưng cũng là cổ đông bên công ty em", người này dẫn dụ.

Nhà đầu tư "tay mơ" dễ sa bẫy, mất tiền

Mạo danh 'shark' để lừa đảo - Ảnh 2.

Những kẻ lừa đảo quảng cáo shark Hưng, sharkLinh là “cổ đông, chuyên gia” trực tiếp tư vấnđầu tư và trưng ra cả các giấy tờ giả mạo...

Qua tìm hiểu của Tuổi Trẻ, thông qua việc cắt ghép hình ảnh của ông Phạm Thanh Hưng, bà Thái Vân Linh trong chương trình Shark Tank Việt Nam, các đối tượng lừa đảo "dựng" thành các video clip quảng cáo gói đầu tư tài chính, chứng khoán, kiếm tiền online và phát tán trên không gian mạng như YouTube, Facebook.

Thủ đoạn chủ yếu là dẫn dụ con mồi tạo lập các tài khoản trên các website thông qua đường link mà các đối tượng này cung cấp, tiến hành giao dịch chứng khoán trên các ứng dụng đầu tư ảo và yêu cầu các cá nhân chuyển tiền đầu tư vào tài khoản của đối tượng giả mạo để nhận hoa hồng.

Sau khi các "nhà đầu tư" chuyển tiền vào tài khoản thì toàn bộ số tiền của con mồi dễ dàng bị các đối tượng này chiếm đoạt.

Tháng 6-2024, chị N.T.P. (TP.HCM) đã bị lừa đảo trực tuyến tổng số tiền lên đến 80 triệu đồng, tiền trên được chuyển 3 lần đến số tài khoản của Công TNHH Award Enter VN tại một ngân hàng trong nước.

"Đối tượng lừa đảo tiếp cận tôi qua Facebook, giới thiệu việc làm tại nhà, cụ thể là thực hiện nhiệm vụ like các bài đăng và bình chọn cho các shark để nhận tiền lương mỗi ngày.

Sau đó, người này yêu cầu tôi chuyển tiền đến số tài khoản của công ty để quy đổi điểm và nhận lại tiền gốc cùng hoa hồng", chị P. kể.

Cũng theo chị P., khi nhận được tiền, các đối tượng này sẽ cung cấp bản cam kết hoàn vốn giả mạo có kèm con dấu, đồng thời giao nhiệm vụ tiếp theo. Để tạo sự tin tưởng và dẫn dụ "con mồi" đến cái bẫy lớn hơn thì những lần đầu, chị P. được nhận lại đầy đủ tiền gốc và hoa hồng như "công ty" này đã cam kết.

"Lần cuối cùng tôi đã chuyển cho họ số tiền lên đến 80 triệu đồng nhưng không nhận được tiền gốc và hoa hồng như những lần trước đó nữa, tá hỏa tôi mới biết mình bị lừa", chị P. nói.

Rất khó truy vết, vì những đối tượng lừa đảo sử dụng tài khoản mạng xã hội ẩn danh, phần lớn hoạt động có tổ chức nhưng chỉ liên lạc, móc nối qua không gian mạng, không tiếp xúc trực tiếp.

Những đối tượng này sử dụng nhiều thủ đoạn giả mạo logo, con dấu của nhiều tổ chức đài truyền hình, chương trình, các tổ chức tài chính, đặc biệt là hình thức chuyển tiền qua ngân hàng… để tăng uy tín, đưa ra mức lãi suất, hoa hồng rất cao lên đến 10%/ngày để câu dẫn con mồi.

Thậm chí, những trang lừa đảo này còn ngang nhiên để thông tin website và số điện thoại chính thức của chương trình Shark Tank Việt Nam, một số trang cá nhân mạo danh các shark còn dẫn link đến tài khoản chính thức của người mình đang mạo danh nhằm tạo niềm tin để con mồi là các nhà đầu tư "tay mơ" xuống tiền.

Shark Hưng cảnh báo lừa đảo

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Thanh Hưng (shark Hưng) cho biết nhiều nạn nhân đã bị lừa mất tiền rồi mới tìm đến fanpage chính thức (có tick xanh) và trang cá nhân hoặc cả số điện thoại di động của ông Hưng để đòi lại tiền, thậm chí dùng những từ ngữ gay gắt khi trao đổi.

"Tôi cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại của bạn bè, đối tác hỏi về các chương trình huy động vốn đó, với cả hai mục đích hỏi để tham gia, và cũng có ý nghi ngờ hoặc cảnh báo tôi về hành vi huy động vốn trái phép.

Vì họ cũng bị lừa và cho rằng tôi đang tham gia vào các hoạt động này. Từ đó, các đối tác đang hợp tác với tôi cũng e ngại bị ảnh hưởng nên hạn chế hợp tác, gây tổn thất lớn cho chương trình cũng như cá nhân các shark", ông Hưng nói.

Ông Phạm Thanh Hưng khẳng định ông không sở hữu bất kỳ một trang fanpage nào trên mạng xã hội (Facebook, TikTok…), website, ứng dụng di động hay ủy quyền hợp tác với bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào trong hoạt động huy động vốn đầu tư sinh lời cao mà người nhận tiền là tài khoản cá nhân.

"Các hoạt động giao dịch chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu của tôi đều thực hiện thông qua sàn giao dịch chứng khoán chính thức của Việt Nam, cụ thể là sàn HOSE và HNX. Đồng thời các nạn nhân đã/đang bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần thu thập bằng chứng chuyển tiền, bằng chứng giao dịch để tố giác tội phạm tới cơ quan công an", ông Hưng cảnh báo.

"Report" được 1 kênh thì 10 kênh giả mạo khác mọc lên

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lê Hạnh - giám đốc sản xuất chương trình Shark Tank Việt Nam - cho biết từ đầu năm 2022, đơn vị này đã phát hiện hàng trăm trang Facebook giả mạo chương trình này và các shark Hưng, shark Linh để kêu gọi đầu tư tài chính, sau đó chiếm đoạt tiền.

"Có lúc chúng tôi thống kê được gần 100 tài khoản mạng xã hội mạo danh các shark, trong đó xấp xỉ 60 tài khoản giả mạo shark Hưng. Ngay khi phát hiện các tài khoản giả mạo, chúng tôi đã tiến hành các biện pháp báo cáo (report) với nền tảng, tuy nhiên biện pháp này không xử lý kịp tốc độ phát triển của các tài khoản giả mạo, báo cáo đóng được 1 kênh thì lập tức mọc lên 10 kênh giả mạo", bà Hạnh nói.

Cũng theo vị này, hầu hết nạn nhân không tìm hiểu, không xác minh cho đến khi phát hiện bản thân bị lừa đảo và mất tiền.

Mạo danh 'shark' để lừa đảo - Ảnh 3.Công an TP.HCM cảnh báo thủ đoạn mạo danh cơ quan tư pháp lừa tiền chạy án

Các đối tượng mạo danh cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân để liên hệ người nhà chuyển tiền 'chạy án' cho các bị can trong vụ án hình sự.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên