12/11/2018 09:24 GMT+7

Mạnh tay với nạn trấn lột

NGỌC ĐÔNG - HỒNG VÂN ghi
NGỌC ĐÔNG - HỒNG VÂN ghi

TTO - Chia sẻ với Tuổi Trẻ, các khách mời của “Trong mắt người nước ngoài” đều cho rằng nạn trấn lột du khách hầu như ở đâu cũng có, đồng thời bày tỏ suy nghĩ cần có hành động quyết liệt xử lý vấn nạn này.


Mạnh tay với nạn trấn lột - Ảnh 1.

Người bán gí bánh vào tay du khách rồi ép họ trả tiền - Ảnh: QUANG THẾ

Ông JOHN LIM (người Singapore): Hình phạt đủ cứng rắn

Tôi nghĩ nạn lừa đảo và trấn lột ở đâu cũng có, khác nhau ở chỗ mức độ phổ biến của các vấn nạn này tại các nước như thế nào. Có nơi chính quyền kiểm soát chuyện này rất chặt chẽ, nhưng cũng có những nơi việc quản lý còn lỏng lẻo.

Nước tôi cũng chẳng ngoại lệ, có những tài xế taxi lừa du khách bằng cách chở họ đi vòng vèo hoặc đưa ra những mức giá không hợp lý. Năm 2014, từng có một trường hợp "đình đám" là vụ một người Việt Nam bị lừa khi mua iPhone 6 ở trung tâm thương mại Sim Lim tại Singapore. Vụ việc đã được báo cáo lên Hiệp hội người tiêu dùng Singapore, kết hợp với những vụ vi phạm khác, cuối cùng những người vi phạm đã phải ở tù.

Để ngăn chặn những vụ phạm pháp, cơ quan chức năng phải nghiêm khắc giải quyết sự việc và có những hành động mạnh mẽ để đưa những đối tượng phạm tội ra trước công lý. Hình phạt nên đủ cứng rắn để có thể truyền đi thông điệp cảnh báo cho những người khác.

Ông Darren Spackman (người Úc):  Trải nghiệm "mắc cười"

3

Ông Darren Spackman

Mỗi năm tôi đều sang Việt Nam hai lần và mỗi lần ở lại một tháng. Tôi từng thấy những người lừa đảo nhắm vào du khách khi đi du lịch ở Phú Quốc và tại hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). 

Một lần, tôi đang đi bộ với đôi giày mới thì một người đàn ông giật giày khỏi chân tôi và muốn trét keo vào đế giày. Anh ta theo rất dai dẳng, nên tôi cười và nói anh ta có thể giữ luôn đôi giày. Vậy là tôi đi chân không, sau đó lại mua một đôi giày mới. Nhưng chỉ vài phút sau lại có người khác đi theo bảo tôi tháo giày ra cho anh ta sửa, tôi nói cảm ơn rồi tiếp tục đi mà không... nhịn được cười.

Với những du khách không cảnh giác, có thể họ sẽ thấy phiền lòng trước những mánh lới này. Nhưng tôi hiểu chuyện này hầu như nước nào cũng có. Là người có khá nhiều kinh nghiệm du lịch, tôi thấy bình thường. Tuy nhiên tôi vẫn cho rằng cần luôn cảnh giác - đó là giải pháp tốt nhất cho bạn khi đến bất kỳ đất nước nào.

Tôi nghĩ để chấm dứt tình trạng này, cách tốt nhất và duy nhất là cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra và có giải pháp triệt để. Ngoài ra, cộng đồng có thể giúp ích bằng cách lên tiếng và khiến cơ quan chức năng chú ý đến vấn nạn này.

Ông Popo Porith (người Pháp, đầu bếp): Nghiêm khắc xử lý

2

Ông Popo Porith

Tôi có người bạn từng bị giật mất ví tiền khi đi du lịch ở Sài Gòn. Nhưng nếu tôi kể bạn nghe về nạn móc túi, "tuốt nhẫn", trộm điện thoại, cướp xe hơi ở xứ Pháp, có thể bạn sẽ không muốn đến Pháp.

Paris đã trở thành một nơi nguy hiểm cho du khách vì những băng đảng chuyên móc túi hay trộm túi. Họ hoạt động theo nhóm, rất chuyên nghiệp và có thể lên đến hàng "nghệ thuật". Họ ăn mặc bảnh bao như doanh nhân, nếu là nam thậm chí còn rất đẹp trai. 

Có thể là họ tình cờ va vào bạn trên đường, trong lúc họ rối rít xin lỗi và bạn bị mất tập trung thì có thể bạn vừa phải tạm biệt một thứ gì đáng giá, ví tiền hay điện thoại. Có khi cả nhóm tìm cách đánh lạc hướng nhiều người trong đoàn khách du lịch để tiếp cận con mồi chính. Đặc biệt, họ rất hay nhắm vào du khách châu Á vì thói quen đeo nhiều vàng vòng 24K đắt tiền.

Cảnh sát Pháp luôn hỗ trợ nạn nhân, nhưng do số trình báo quá nhiều nên tôi không rõ họ có thể lấy lại hết tài sản cho du khách không. Về giải pháp, tôi hi vọng Việt Nam và Pháp tăng cường các biện pháp răn đe mạnh mẽ với các đối tượng này. Tôi thấy ở Pháp, những tội phạm như thế còn nhiều là do luật pháp quá nhẹ tay với họ.

Để bảo vệ sự an toàn cho người dân và du khách, tôi nghĩ nên tăng cường sự hiện diện của những người có trách nhiệm bảo vệ luật pháp ở những khu vực xảy ra tệ nạn. Đồng thời, nhà chức trách cũng phải điều tra và xử lý nghiêm minh các vụ việc đã diễn ra.

Ông Roger Baddeley (người Úc): Có giải pháp khác cho người phạm tội

1

Ông Roger Baddeley

Tôi sống ở Việt Nam khá lâu - 7 năm và cũng biết nhiều người khi bị trấn lột, cướp giật không trình báo với cơ quan chức năng vì ngán ngại các thủ tục khai báo hoặc không tin vào khả năng có thể nhận lại tiền hay tài sản đã mất.

Cá nhân tôi cho rằng không dung túng với tội phạm, như cách các nước châu Á, như Singapore đang làm hữu hiệu. Các điều luật nghiêm khắc, hình phạt nặng, phải lao động công ích hoặc án tù dài, phạt roi là những gì Singapore dùng để đe dọa và xử lý người có ý định hoặc đã phạm tội.

Với những biện pháp như vậy, bất cứ ai có ý định phạm pháp sẽ suy nghĩ thật cẩn thận về hậu quả. Việt Nam có thể tìm kiếm những biện pháp mạnh mẽ, nghiêm khắc phù hợp với văn hóa, phong tục và được đa số nhân dân ủng hộ để quản lý nhiều vi phạm khác trong xã hội, trong đó có nạn cướp giật. Ít nhất là để người dân có thể dùng điện thoại, xách giỏ đi bộ ở khu trung tâm mà không lo lắng.

Có một điều là nhiều người lâm vào đường trộm cắp thường do nghèo khó - dĩ nhiên, nghèo không phải cái cớ để đi trộm cắp. Vì thế, bên cạnh biện pháp mang tính pháp lý để răn re, chính quyền cần có những chính sách hỗ trợ song hành như giáo dục và dạy nghề để tạo cơ hội cho những người từng phạm tội có thể làm những nghề lương thiện.

Ông JO JEERACHART (người Thái Lan):

Kiểm soát tốt hơn nhờ mạng xã hội

Thái Lan cũng có nhiều trường hợp mà khách du lịch bị ép sử dụng dịch vụ họ không muốn xong bị thu tiền, chúng tôi gọi đó là trấn lột. Nhưng chuyện này đã xảy ra cách đây khoảng 20 năm và nay không còn phổ biến. Có lẽ nhờ luật pháp chặt chẽ hơn và các nhà chức trách tích cực đi dò xét, kiểm tra các cơ sở du lịch.

Người Thái rất hay sử dụng mạng xã hội và nó đã trở thành công cụ kiểm soát người dân của chúng tôi. Khi gặp phải những tình huống tương tự, sẽ có người đăng tải để tố cáo hành động xấu xí ấy. Nhờ đó cảnh sát và các bộ phận khác, đặc biệt là những phòng ban bảo vệ người tiêu dùng sẽ vào cuộc.

Quan trọng hơn, người dân biết về hình thức trấn lột đó để tự bảo vệ mình. Mặc dù vậy, việc sử dụng mạng xã hội cũng bất lợi khi dễ dàng "vu oan" một số nơi cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, mạng xã hội phổ biến nên có thể làm xấu đi hình ảnh con người và đất nước chúng tôi trong mắt người nước ngoài.

Giải pháp tức thời luôn là luật pháp và các mức phạt khủng. Những mức phạt cao nhất định sẽ làm giảm thiểu tình trạng này. Ở Thái Lan, chúng tôi có riêng đội cảnh sát về du lịch chỉ để giải quyết những vấn đề tương tự.

HÀ MY ghi

Đang điều tra, xử lý vụ "Trấn lột du khách tại hồ Hoàn Kiếm"

Tại phiên họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ chiều tối 3-11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ đã có chỉ đạo sau khi báo Tuổi Trẻ Online đăng tải loạt phóng sự điều tra trấn lột du khách ở bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết tinh thần của Chính phủ khi nhận được thông tin đã chỉ đạo Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, các địa phương bảo đảm cho du khách được an toàn tuyệt đối, thời gian tới các địa phương phải tăng cường quản lý tốt hơn.

Trước đó, sau khi Tuổi Trẻ đăng bài đầu tiên trong loạt bài "Trấn lột du khách ngay bờ hồ Hoàn Kiếm", Công an Q.Hoàn Kiếm đã triệu tập 9 đối tượng trong nhóm trấn lột, đến nay vụ việc vẫn trong quá trình điều tra, xử lý.

Trong một tháng thu thập thông tin cho loạt bài, phóng viên Tuổi Trẻ đã tiếp xúc rất nhiều người nước ngoài bị trấn lột, như chị Aideen, 36 tuổi, đến từ Ireland, đã bật khóc khi bị nhóm trấn lột ép trả 400.000 đồng cho một lần lau dép. Chị kể khi ở Thái Lan hai tháng, chị không gặp bất cứ chuyện gì nhưng mới tới Hà Nội một ngày đã bị trấn lột.

"Tôi tự hỏi liệu có cách ứng phó nào không, như lực lượng cảnh sát thường xuyên có mặt ở đó chẳng hạn. Tôi mong muốn vấn nạn này không tái diễn nữa..." - chị Aideen đặt vấn đề.

QUANG THẾ

Chính phủ chỉ đạo sau loạt bài

TTO - Tại phiên họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ chiều tối 3-11, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ đã có chỉ đạo sau khi báo Tuổi Trẻ Online đăng tải loạt phóng sự điều tra trấn lột du khách.

NGỌC ĐÔNG - HỒNG VÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên