Ban thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã thống nhất giao UBND tỉnh này rà soát, yêu cầu các chủ homestay trái phép trên núi Cấm phải tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu.
Trước đó, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang thông tin đã cưỡng chế xong 16 căn biệt thự và sẽ cưỡng chế toàn bộ 79 căn biệt thự xây dựng trái phép tại Phú Quốc. Đây được xem là động thái quyết liệt của chính quyền hai tỉnh nhằm lập lại kỷ cương trong xây dựng vốn đang bị "nhờn" lâu nay.
Theo dõi diễn biến của vụ việc xây dựng trái phép 79 biệt thự ở Phú Quốc hay vụ 10 homestay ở núi Cấm đều na ná nhau là dân xây dựng công khai, chính quyền cơ sở khi phát hiện có lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính nhưng sau đó ngó lơ hoặc không áp dụng chế tài đi kèm buộc khắc phục hiện trạng ban đầu.
Còn vụ việc 79 căn biệt thự xây trái phép ở Phú Quốc được phát hiện từ hơn một năm trước. Khi được hỏi lý do xây dựng, chủ nhân các biệt thự trên tỉnh bơ nói rằng mình mua đất bằng giấy tay của người quen, xung quanh người ta cũng xây dựng nhiều nhà, điện đèn cũng có sẵn.
Cả mấy tháng xây dựng không thấy ai hỏi han gì và ở Phú Quốc việc xây dựng trái phép nhiều, sau đó cũng được tồn tại nên nghĩ xây nhà để ở rồi Nhà nước cũng sẽ bỏ quy hoạch. Còn chủ nhân của các homestay núi Cấm thì nói chủ trương của chính quyền không nhất quán, họ xây dựng từ năm 2019, khi xây dựng cán bộ kiểm lâm có đến kiểm tra và nói chỗ này không xâm phạm đất rừng, chính quyền xã sau đó lập biên bản xử phạt xong cũng không nhắc nhở gì thêm nên cứ thế mở cửa đón khách.
Trả lời báo chí sau khi "lòi" ra các vụ việc vi phạm trên, lãnh đạo các địa phương dù thừa nhận có tình trạng xâm hại đất Nhà nước, đất rừng nhưng mặt khác lại nại lý do lực lượng mỏng nên không phát hiện; việc xây dựng diễn ra trong thời điểm dịch bệnh COVID-19...
Thế nhưng, dẫn lý do để biện minh cho việc để 79 căn biệt thự hoành tráng, hàng chục homestay ngang nhiên tồn tại trên núi Cấm trong một thời gian dài thì chưa thấy hết trách nhiệm, khó thuyết phục người dân vì công trình thi công công khai giữa thanh thiên bạch nhật, rầm rộ đóng cọc bê tông trên núi. Chưa kể, muốn hoàn thành công trình không chỉ trong một ngày một đêm mà xong.
Và không chỉ có việc địa phương buông lỏng quản lý để nạn xây dựng trái phép lộng hành, mà đáng lo hơn, đang có tình trạng áp dụng không nghiêm quy định pháp luật, làm "nhờn" luật.
Vì vậy, để nạn xây dựng trái phép không còn chỗ tồn tại, không cách nào khác là phải thực thi pháp luật nghiêm minh, mạnh tay xử lý cưỡng chế buộc chủ nhân công trình phải tháo dỡ phục hồi hiện trạng ban đầu để răn đe.
Tiếp đến phải xử lý nghiêm những ai bao che, ngó lơ rồi ầu ơ để những công trình trái phép tồn tại. Cần sự chủ động nâng cao vai trò quản lý nhà nước, sự chuyển động của bộ máy chính quyền cơ sở để phát hiện, ngăn chặn ngay những mầm mống, những mẻ bê tông sai phạm đầu tiên và chặn kiểu "làm sai, chịu nộp tiền phạt rồi tồn tại" phổ biến lâu nay. Xử lý mạnh tay là cần thiết, nhưng cơ chế ngăn ngừa, giám sát, phát hiện còn quan trọng hơn, làm sao để không thể và không dám vi phạm.
Đặc biệt, cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy hoạch, phát hiện sai thì xử lý quyết liệt vụ nào dứt điểm vụ đó, không xuề xòa chờ lập đoàn kiểm tra mới xử lý thì quá muộn màng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận