28/06/2022 09:44 GMT+7

Mạnh tay chi 'hoa hồng' là thủ phạm tạo nên 'chặt chém' ở các điểm du lịch?

TRỊNH THỊ HẢI YẾN
TRỊNH THỊ HẢI YẾN

TTO - Ở các điểm du lịch, không chỉ hướng dẫn viên mà các tài xế taxi, xe ôm... hám lợi cũng hào hứng với việc dẫn mối để ăn tiền "hoa hồng". Và như thế du khách thành "con mồi" ngon để những tiệm buôn bán đặc sản tha hồ "chặt chém".

Mạnh tay chi hoa hồng là thủ phạm tạo nên chặt chém ở các điểm du lịch? - Ảnh 1.

Nạn "chặt chém" du khách là mảng tối đáng báo động của du lịch Việt Nam - BIẾM HỌA: tư liệu TTO

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online giới thiệu bài viết dưới đây của bạn đọc Trịnh Thị Hải Yến tham dự diễn đàn Làm sao trị dứt điểm nạn "chặt chém"?

Với du khách thường chọn hình thức du lịch tự túc, việc gặp phải tình trạng trên khi mua hàng hoặc ăn uống tại các quán ăn, nhà hàng là điều thường tình.

Nhưng với những người thường xuyên đi tour, sử dụng dịch vụ trọn gói từ các công ty du lịch, việc bị "chặt chém", mua phải hàng đắt hơn giá thường, do phải chi trả thêm hoa hồng cho hướng dẫn viên và tài xế, cũng không hề hiếm.

Chia sẻ như thế để thấy rằng, nạn "chặt chém" đã trở thành câu chuyện không hồi kết, đôi khi bắt nguồn từ chính những người đang hoạt động trong ngành, gây cản trở rất lớn đến sự phát triển của du lịch Việt Nam.

Anh bạn tôi, đang là hướng dẫn viên của một công ty du lịch, chia sẻ rằng bản thân anh biết có một số lò mứt tại Đà Lạt cho "hoa hồng" các hướng dẫn viên và tài xế từ 300.000 - 600.000 đồng để đưa khách vào. Để thu lại số tiền này, họ phải nâng giá lên 100-200% khi du khách mua một món hàng nào đó.

Dù việc cho hoa hồng là bình thường tại một số nước có ngành du lịch phát triển như Thái Lan, Trung Quốc… nhưng hầu như chỉ dao động khoảng 10% trên số tiền bán được hoặc đơn thuần là tặng chai rượu cho người điều hành du lịch, chứ không phải là kiểu đưa tiền trước rồi bày đủ chiêu trò "chặt chém", tận thu tiền của khách như ở Việt Nam.

Cũng bởi tâm lý khách đi du lịch không chỉ ăn uống, nghỉ ngơi mà trước khi rời khỏi địa danh ấy, họ thường có nhu cầu mua quà để biếu người thân, gia đình. Do không quen thuộc địa hình nên họ chỉ biết nhờ cậy vào người điều hành tour hoặc cánh tài xế hướng dẫn chi tiết.

Nắm bắt được tâm lý của du khách, nhiều người điều hành tour và tài xế đã biến du khách thành những "con mồi" ngon để những tiệm buôn bán đặc sản tha hồ "chặt chém".

Thậm chí, một số chủ tiệm còn sẵn lòng chi trả thật mạnh tay cho người đưa khách đến mua hàng của họ. Và đương nhiên, giá cả cũng phải được "đẩy" lên cao hẳn so với những tiệm khác.

Bố mẹ tôi trong một lần đi du lịch Nha Trang vào ba năm trước đã gặp phải vấn nạn "chặt chém" từ chính nhân viên điều hành tour. Cũng bởi, trước ngày về, bố mẹ tôi muốn mua một chút quà hải sản khô để biếu người thân thì được nhân viên điều hành tour đưa đến một tiệm bán hải sản trên đường Bạch Đằng, TP Nha Trang.

Theo bố mẹ tôi kể lại thì ông bà đã mua 1kg tôm khô với giá 950.000 đồng, do tin tưởng người điều hành tour và lời quảng cáo của chủ cửa hàng.

Nhưng khi tình cờ ghé vào uống nước tại một quán vỉa hè, qua lời trò chuyện với bà chủ, vốn là dân địa phương, bố mẹ tôi mới biết giá đắt nhất cho 1kg tôm khô được bán ở chợ Đầm cũng chỉ ở mức 500.000 đồng. Bà chủ còn cho biết thêm rằng nhiều cửa hàng ở Nha Trang có chính sách chi hoa hồng đến 20% cho bất kỳ ai đưa khách đến.

Do đó, không chỉ hướng dẫn viên mà các bác tài xế taxi, xe ôm… cũng hào hứng với việc "dẫn mối" để ăn tiền lời hoa hồng. Dù biết đã bị "lừa" nhưng do cả nể nên bố mẹ tôi chỉ im lặng, chứ không phản ảnh hoặc đôi co gì với anh chàng điều hành chuyến tour ấy.

Và xét cho cùng thì trong cơ chế thị trường, mỗi người có một chiến lược kinh doanh khác nhau. Việc mua và bán đôi khi xuất phát từ thỏa thuận giữa người mua và bán. Do đó, khi xảy ra vụ việc, người mua dù bị "chặt chém" cũng đành im lặng, chứ chẳng thể nhờ sự can thiệp công bằng từ pháp luật.

Do đó, khi đi du lịch đến một vùng đất mới, trông thấy các cửa hàng bán giá quá cao, người mua nên cân nhắc, tìm hiểu thông tin về giá cả để tránh bị "chặt chém".

Thiết nghĩ, tình trạng "chặt chém", bắt chẹt, lừa gạt… du khách chỉ có thể giảm thiểu khi các cơ quan chức năng quản lý về văn hóa, thị trường, trật tự an toàn xã hội và chính quyền các địa phương cùng phối hợp với ngành du lịch một cách triệt để.

Đó không chỉ là vấn đề bảo vệ, tạo cảm giác thoải mái cho du khách mà còn là ý thức khai thác, phát triển lợi ích cho ngành du lịch của từng địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung.

Còn trước mắt, các công ty lữ hành nên ra sức bảo vệ du khách trong khả năng của mình, với những quy định chặt chẽ hơn, nhằm hạn chế tình trạng các hướng dẫn viên, tài xế đi đúng lộ trình tour đã cam kết, đừng vì mê hoa hồng mà bất chấp đưa khách đến những nơi bán giá "chặt chém".

Với những người cố tình đưa khách đi lệch khỏi chương trình sẽ bị phạt thật nặng hoặc nghiêm khắc hơn là đuổi việc.

Cũng bởi, nếu không xây dựng những tiêu chuẩn và yêu cầu chặt chẽ cho đội ngũ điều hành tour, tài xế, để nhiều vụ việc "chặt chém" xảy ra thường xuyên với khách hàng thì chính công ty du lịch là nơi phải gánh chịu hậu quả đầu tiên, vì khách "một đi không trở lại", dẫn đến nhiều tổn thất trong kinh doanh.

Làm sao trị dứt điểm nạn "chặt chém" du khách có xu hướng ngày một lan rộng ra như hiện nay ở một số điểm du lịch?

Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: [email protected][email protected]. Cảm ơn bạn!

'Chặt chém' du khách là mảng tối đáng báo động của du lịch Việt Nam

TTO - Theo bạn đọc Từ Đạm Tuyền, nếu không kịp thời khắc phục việc "chặt chém" du khách, hành động này về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch, làm xấu đi bộ mặt văn minh của đất nước.

TRỊNH THỊ HẢI YẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên