26/03/2019 15:09 GMT+7

Mảnh đạn nằm trong người bệnh nhân 40 năm tạo ổ áp xe khổng lồ

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Các bác sĩ Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM vừa mổ cấp cứu lấy mảnh đạn nằm suốt 40 năm trong cơ thể ông V.Đ.K, 69 tuổi, ngụ tại Nghệ An.

Mảnh đạn nằm trong người bệnh nhân 40 năm tạo ổ áp xe khổng lồ - Ảnh 1.

Êkip phẫu thuật lấy mảnh đạn ra cho bệnh nhân - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ngày 26-3, Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM cho biết các bác sĩ của bệnh viện vừa điều trị thành công cho ông K. có mảnh đạn nằm trong ổ bụng 40 năm tạo nên ổ áp xe khổng lồ.

Năm 28 tuổi, ông K. đã bị trúng đạn vào vùng hông phải trong một cuộc chiến khốc liệt.

Cuối năm 2018, vùng hông của ông K. bị sưng tấy, đau dữ dội kèm sốt cao và không đáp ứng với các loại thuốc mà ông đang điều trị. 

Ông được người nhà đưa đến Bệnh viện Đại học Y dược điều trị. 

Qua thăm khám, chụp cắt lớp điện toán vùng bụng, các bác sĩ phát hiện có một ổ áp xe to tại vùng cơ thắt lưng chậu phải, ổ áp xe đã lan ra sau lưng. 

Sâu bên trong ổ áp xe có ghi nhận hình ảnh nghi ngờ của mảnh kim loại, tương ứng với mảnh đạn đang nằm trong người ông K..

Kết quả xét nghiệm máu cho thấy tình trạng bạch cầu máu của ông tăng cao, dấu hiệu nhiễm trùng nặng. 

Với chẩn đoán áp xe lớn cơ thắt lưng chậu bên phải nghi do mảnh đạn, các bác sĩ khoa ngoại tiêu hóa của bệnh viện đã chỉ định mổ cấp cứu cho ông K..

Theo ThS BS. Lê Châu Hoàng Quốc Chương, khoa ngoại tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y dược, trước khi mổ các bác sĩ đánh giá khó lấy được viên đạn ra vì viên đạn sau 40 năm đã "chui" vào rất sâu trong cơ thắt lưng chậu bên phải, nhưng nếu chỉ xử lý ổ áp xe mà không lấy mảnh đạn thì ổ nhiễm trùng sẽ tái phát. 

Do vậy, các bác sĩ đã lấy mảnh đạn có kích thước 1x1cm, nhiều cạnh sắc ra khỏi ổ bụng bệnh nhân.

Mảnh đạn nằm trong người bệnh nhân 40 năm tạo ổ áp xe khổng lồ - Ảnh 2.

Viên đạn được lấy ra - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Chỉ sau 2 ngày phẫu thuật, tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân đã giảm rõ rệt. Bệnh nhân đã đã hết sốt, hết đau hông lưng, ổ áp xe nhỏ dần và biến mất.

TS.BS Ung Văn Việt, Kkoa ngoại tiêu hóa của bệnh viện, khuyến cáo nếu nghi ngờ trong người có dị vật, cần đến cơ sở y tế khám bệnh để được xác định chẩn đoán kịp thời.

Dị vật khi vào trong mô mềm không ở yên mà có thể di chuyển (do vận động, do co cơ…) nên lần phát hiện đầu tiên sẽ có cơ hội lấy ra thành công cao nhất. Dị vật trong cơ thể có thể "im lặng" trong thời gian dài, nhưng sẽ bộc phát nhiễm trùng bất kỳ lúc nào.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Đại học Y dược