Chính phủ Trung Quốc đã làm mọi cách để khuyến khích mọi người sinh thêm con như giảm thuế và trợ cấp nhà ở; giảm chi phí giáo dục và tăng thời gian nghỉ phép của cha mẹ hay cản trở việc phá thai và ly hôn. Chính quyền nước này còn cho rằng sinh hai con là nghĩa vụ mang tinh thần ái quốc của những cặp vợ chồng.
Tuy nhiên, thật đáng buồn khi những biện pháp này tỏ ra không mấy hiệu quả. Tỉ lệ sinh của Trung Quốc vẫn thấp dai dẳng và số lượng nam giới áp đảo nữ giới. Điều này đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học có thể cản trở tăng trưởng kinh tế trong những thập niên tới.
Mới đây, một giáo sư kinh tế tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải đã đưa ra một giải pháp làm dấy lên nhiều tranh cãi. Đó là cho phép phụ nữ lấy nhiều chồng và như vậy, họ sẽ sinh nhiều con.
“Tôi sẽ không đề xuất chế độ đa phu nếu tỉ lệ giới tính không bị mất cân bằng nghiêm trọng”, giáo sư Yew-Kwang Ng (người Malaysia) đã viết trên một trang web kinh doanh của Trung Quốc vào tháng này. Tựa đề bài viết đặt ra câu hỏi: “Liệu đa phu có thực sự là một ý tưởng ngớ ngẩn?”.
“Tôi không chủ trương chế độ đa phu, tôi chỉ đề xuất rằng chúng ta nên xem xét lựa chọn khi đối mặt với sự mất cân bằng giới tính”, ông cho biết.
Chính sách 1 con của Trung Quốc kéo dài 36 năm đã tỏ ra khá hiệu quả. Ngày nay ở quốc gia này, nơi có 1,4 tỉ người, thì có 100 triệu người dưới 40 tuổi là con một. Tuy nhiên, vì truyền thống trọng nam, điều này liên quan mật thiết đến việc phá thai con gái, đã khiến cho số nam giới nhiều hơn nữ giới là 34 triệu người.
Dân số Trung Quốc được dự báo sẽ đạt đỉnh 1,45 tỉ ngay sau năm 2027. Sau đó sẽ bắt đầu một sự suy giảm kéo dài. Khoảng 1/3 dân số sẽ ở độ tuổi trên 65 vào năm 2050.
Năm 2015, Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu bãi bỏ chính sách 1 con, nhưng gần như không có nhiều tác động. Phụ nữ ngày càng muốn sự nghiệp của riêng mình và nhiều người muốn dốc lòng chăm sóc 1 đứa trẻ để chúng có cuộc sống tốt, hơn là chia đôi nguồn lực cho 2 đứa con.
“Nếu 2 người đàn ông sẵn sàng kết hôn cùng 1 người vợ và người phụ nữ cũng sẵn lòng làm vậy thì lý do nào khiến xã hội ngăn cản họ chia sẻ 1 người vợ?”, giáo sư Yew-Kwang Ng đặt câu hỏi và trích dẫn chế độ đa thê như một phong tục phổ biến trong thời cổ đại, và là thông lệ vẫn còn tiếp diễn ở một số nhánh Hồi giáo.
“Tôi không phủ nhận những lợi ích của chế độ 1 vợ 1 chồng ở đây, chẳng hạn như mối quan hệ độc nhất và lâu dài đó có thể ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển và giáo dục của trẻ em”, ông Ng viết. “Tuy nhiên, với tỉ lệ giới tính chênh lệch ở Trung Quốc, cần phải xem xét việc hợp pháp hóa chế độ đa thê”.
Thêm vào đó, điều này sẽ hiệu quả hơn nếu phụ nữ không gặp khó khăn gì trong việc đáp ứng nhu cầu thể xác của nhiều người chồng.
“Điều đó thật bình thường khi gái mại dâm có thể phục vụ 10 khách hàng mỗi ngày”, ông Ng viết. “Làm bữa ăn cho 3 người chồng thì cũng chẳng mất nhiều thời gian hơn so với 2 người chồng là bao”.
Bài viết của ông Ng lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc và nhiều phụ nữ trên Weibo đã thể hiện sự gay gắt.
“Điều đó làm tôi buồn nôn”, một người phụ nữ có nickname là Keely viết, và tự hỏi rằng tại sao Ng không đặt mình vào vị trí của người phụ nữ?
“Tôi bị sốc bởi những gì ông ấy nói. Bây giờ là 2020 đúng không?”, một người tên là Fuduoduo hỏi.
“Hãy để tôi giải nghĩa những gì ông ta nói: Ông này muốn hợp pháp hóa nô lệ tình dục”, một người khác nói.
Ng đang tiếp tục củng cố cho lập luận của mình. Ông viết rằng chuyên mục tiếp theo của ông là việc hợp pháp hóa các nhà thổ sẽ là biện pháp nhằm khắc phục sự mất cân bằng giới tính.
Hợp pháp hóa hoạt động mại dâm và xây dựng thêm nhiều nhà thổ sẽ cho phép đàn ông có thể thỏa mãn “nhu cầu cấp bách” của họ trong bối cảnh “thiếu nữ” nghiêm trọng ở quốc gia này, ông viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận