Tiêm vắc xin ngừa COVID ở Nhật hồi tháng 5 - Ảnh: Reuters
Những phát ngôn sai sự thật và thông tin sai lệch về vắc xin ngừa COVID-19 trên mạng xã hội đang làm suy yếu lòng tin của giới trẻ Nhật Bản, ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản nhằm hoàn thành chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn vào tháng 11 và đạt miễn dịch cộng đồng.
Những lầm tưởng như "tiêm chủng gây vô sinh" và "vắc xin ngừa COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA làm thay đổi ADN của bạn" đã được lan truyền rộng rãi trên Internet, trong khi các bài đăng phản đối tiêm chủng cũng xuất hiện "như nấm sau mưa" trên các trang mạng xã hội Facebook và Twitter.
Hiệp hội Các bác sĩ sản phụ khoa Nhật Bản cũng như Hiệp hội Các bệnh truyền nhiễm trong sản phụ khoa Nhật Bản đã nhấn mạnh rằng đối với phụ nữ mang thai, việc tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 mang lại nhiều lợi ích hơn là nguy cơ. Bộ Y tế Nhật Bản cũng khẳng định tới nay chưa có báo cáo nào về ảnh hưởng của vắc xin COVID-19 đến chức năng sinh sản.
Về phần mình, Bộ trưởng phụ trách chiến dịch tiêm chủng của Nhật Bản Taro Kono tháng trước đã đăng trên blog cá nhân khẳng định: "Hoàn toàn không có bằng chứng khoa học nào cho thấy vắc xin ngừa COVID-19 sẽ gây vô sinh".
Ông Kono cảnh báo "trò lừa bịp vắc xin" đã và đang lan rộng khắp thế giới và Nhật Bản không phải là ngoại lệ, đồng thời kêu gọi công chúng cảnh giác với những thông tin sai lệch.
Trang blog của ông Kono do một nhóm khoảng 30 bác sĩ và chuyên gia giám sát. Những người này cũng đồng thời là thành viên sáng lập của dự án "COV-Navi" với mục đích cung cấp thông tin toàn diện về hiệu quả và tác dụng phụ của vắc xin ngừa COVID-19.
Bác sĩ Tomoya Kurokawa thuộc Bệnh viện Đại học Chiba, quản lý dự án COV-Navi, cho biết trong những tuần qua, nhóm của ông đã nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến thông tin sai lệch về vắc xin. Khi chiến dịch tiêm chủng được triển khai tại các công sở và trường đại học vào cuối tháng 6, nhiều người đã lên mạng để tìm kiếm thông tin và tiếp xúc với tin giả gây hoang mang.
Cũng theo bác sĩ Kurokawa, nhiều người trẻ tuổi do dự với việc tiêm chủng vì họ cho rằng ít khả năng bị ốm nặng khi mắc COVID-19, do đó không cần thiết phải tiêm chủng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy căn bệnh này có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài cho mọi người ở mọi lứa tuổi.
Theo một cuộc khảo sát do Trường Kyushu Bunka Gakuen - vận hành các trường tư thục và trường đại học ở tỉnh Nagasaki, tây nam Nhật Bản - thực hiện hồi tháng 6, tổng cộng 388 người (tương đương 45,9%) trong số 846 học sinh trung học được hỏi cho biết sẽ tiêm chủng "nếu đó là quy định bắt buộc". Trong khi đó, 110 học sinh, tương đương 13%, cho biết không muốn tiêm chủng.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy 137 học sinh, tương đương 16,2%, sẵn sàng tiêm chủng, trong khi có 34 em, tương đương 4,1%, khẳng định sẽ "không bao giờ" tiêm chủng. Nổi bật trong số các lý do không muốn tiêm chủng là sợ tác dụng phụ (59,1%), và "nghi ngờ hiệu quả của vắc xin (13,4%).
Người phát ngôn của Trường Kyushu Bunka Gakuen cho rằng dường như những thông tin trái chiều từ Internet và những người xung quanh đang làm tăng tâm lý bất an của học sinh về việc tiêm chủng.
Thống đốc thủ đô Tokyo Yuriko Koike cũng đặc biệt bày tỏ quan ngại về thực trạng này. Phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ vào tuần trước, Thống đốc Koike chỉ ra rằng "việc phổ biến kiến thức đúng đắn về vắc xin" cho giới trẻ là yếu tố cần thiết để đẩy nhanh chương trình tiêm chủng.
Nhật Bản gần đây đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, mở rộng đối tượng tiêm sang những người trẻ tuổi sau khi ưu tiên tiêm chủng cho các nhân viên y tế và người từ 65 tuổi trở lên.
Trong một cuộc khảo sát khác do Viện Nghiên cứu kinh tế, thương mại và công nghiệp (RIETI) thực hiện với khoảng 11.800 người tham gia, 80,6% người được hỏi từ 65 tuổi trở lên cho biết họ có kế hoạch tiêm chủng, trong khi khoảng 17,5% những người từ 18 đến 29 tuổi lại khẳng định không có ý định này.
Cuộc khảo sát, được thực hiện theo 3 giai đoạn từ tháng 10-2020, với đợt gần nhất kết thúc vào tháng 5 vừa qua, cho thấy các nhóm người trẻ tuổi có xu hướng không mặn mà với tiêm chủng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận