05/10/2018 10:25 GMT+7

Mang trứng vịt lộn vào Singapore: để ăn thì được

LÊ NAM - XUÂN MINH - ÁI NHÂN
LÊ NAM - XUÂN MINH - ÁI NHÂN

TTO - Một phụ nữ Việt Nam 63 tuổi vừa bị cơ quan chức năng Singapore xử phạt 7.000 đôla Singapore (gần 120 triệu đồng Việt Nam), vì đưa 490 trứng vịt lộn vào nước này. Thực hư ra sao?

Mang trứng vịt lộn vào Singapore: để ăn thì được - Ảnh 1.

Thùng đựng trứng vịt lộn bị thu giữ ở Singapore - Ảnh: AVA

Theo báo Straits Times của Singapore, bà Le Thi Ung khai mua số trứng trên ngoài chợ ở Việt Nam để mang sang Singapore. Trứng được xếp trong hai thùng xốp, nặng tổng cộng 78,4kg, gửi theo hành lý xuất ngoại của bà.

Khi đến sân bay Changi vào tháng 9 vừa qua, bà Ung bị kiểm tra hành lý và vụ việc sau đó được chuyển sang Cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm và thú y Singapore (AVA) vì vi phạm luật cấm nhập khẩu thịt, cá từ những nguồn không được cho phép. 

Theo AVA, hiện đảo quốc này chưa cho phép đầu mối nào nhập khẩu trứng vịt lộn. Những ai cố tình vi phạm có thể bị phạt đến 50.000 SGD và phạt tù đến 2 năm.

Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ tại Singapore, trứng vịt lộn luộc bán khá phổ biến trong cộng đồng người Việt ở đây, với giá khoảng 17-20 SGD/10 quả kèm rau răm, muối tiêu... 

Trên các diễn đàn, mạng xã hội ở Singapore vẫn có người rao "hôm nay nhà em có trứng vịt lộn, nhờ mọi người ủng hộ", thậm chí còn có bán trứng cút lộn, trứng vịt vữa... Thông thường trứng luộc chín được người bán giao ở các trạm xe điện ngầm, muốn giao tận nhà thì giá cao hơn chút.

Theo những người Việt đang bán hàng trên Facebook tại Singapore và người làm ở các quán bán đồ ăn Việt, bà Ung bị bắt do mang quá nhiều trứng và có mục đích bán lại kiếm lời nên bị phát hiện và phạt nặng. 

"Thường tôi chỉ gửi 1-2 chục trứng mang theo chuyến bay mà thôi, nếu chẳng may bị phát hiện thì tiêu hủy và cũng nói với đại diện cơ quan quản lý tại Singapore là mua cho nhà 6 người dùng" - cô Lan, một phụ nữ bán đồ ăn Việt trên mạng Facebook, tiết lộ. 

Theo cô Lan, trứng vịt lộn bán ở Singapore lâu nay chủ yếu mang từ Malaysia sang bằng đường bộ mỗi ngày với số lượng không quá nhiều nên không bị bắt, và trong trường hợp cơ quan quản lý bắt giữ vài chục trứng thì tiêu hủy luôn tại biên giới.

Quy định của AVA rất gắt gao đối với các mặt hàng ngoại nhập, trong đó có các loại trứng và thịt, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và vật nuôi tại Singapore. Cơ quan này được phép ngăn chặn các loại thực phẩm nhập không rõ nguồn gốc có thể gây lây lan nhiều dịch bệnh, trong đó có cúm gia cầm. 

Các sản phẩm thịt, trứng được phép nhập vào Singapore với điều kiện quốc gia và công ty đó phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của Singapore.

Theo quy định của AVA, du khách được mang theo các loại thực phẩm tươi sống như gia súc, gia cầm, hải sản ở mức tối đa 5kg (cua tôm đông lạnh tối đa 2kg), các loại trứng (gà, vịt...), rau củ quả chỉ được mang một ít để dùng, đồ khô tối đa 5kg, tổ yến tối đa 1kg, mật ong tối đa 5 lít (chia nhỏ ra mỗi chai 1 lít), không được đưa vào các loại động vật nuôi (pet): chim, mèo, cá, chuột lang..., động vật hoang dã: rắn, kỳ đà, nhện...

Phải chấp hành quy định quốc gia sở tại khi nhập cảnh

PGS.TS Trần Việt Dũng - trưởng khoa luật quốc tế, ĐH Luật TP.HCM - cho hay pháp luật Việt Nam cũng như của tất cả các quốc gia trên thế giới đều có quy định kiểm soát về hàng hóa, sản phẩm nhập khẩu vào quốc gia mình.

Về cơ bản, hàng hóa, sản phẩm nhập khẩu vào quốc gia nào cũng phải có giấy chứng nhận xuất xứ và giấy tờ chứng nhận về chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh, dịch tễ. Tùy từng loại hàng hóa và mục đích nhập khẩu mà các quốc gia có các quy định nghiêm ngặt hơn. Trứng vịt lộn nếu đã luộc chín thì được xem là thực phẩm nhưng trứng sống có thể nở ra vịt thì đó là nguy cơ đe dọa đến an toàn cho động thực vật, giống vật nuôi đối với nước sở tại nên họ đã xử phạt.

Thực tiễn nhiều lần đến Singapore ông Dũng nhận thấy nếu hành khách mang theo đồ ăn, thức uống chín thì họ cũng không quá khắt khe trừ khi bị nặng mùi. Ngoài ra, người dân nên tìm hiểu và chấp hành quy định về các loại thực phẩm, sản phẩm được mang theo khi nhập cảnh vào bất cứ quốc gia nào để tránh việc bị xử phạt.

Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư TP Hà Nội, dẫn ví dụ Nhật Bản đã quy định cấm tất cả người nước ngoài vào Nhật (kể cả người Nhật ra nước ngoài) mà mang theo thực phẩm không đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của Nhật. Nếu vi phạm, số tiền phạt có thể lên đến 1 triệu yen (tương đương 200 triệu đồng Việt Nam). Ngoài ra người vi phạm có thể bị phạt tù đến 3 năm.

Trên tinh thần đó, Bộ Giao thông vận tải VN ra thông báo, khuyến cáo đối với các hãng hàng không, sân bay, người dân được biết khi sang Nhật Bản công tác, làm việc, học tập, du lịch...

Có thể bị phạt tù khi mang thực phẩm, rau củ đến Nhật Bản

TTO - Từ ngày 1-10-2018, hành khách muốn mang thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, như rau củ quả... vào Nhật Bản phải nộp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do chính phủ nước xuất khẩu cấp, nếu không có thể bị phạt tù.

LÊ NAM - XUÂN MINH - ÁI NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên