07/05/2019 15:36 GMT+7

Mang thai giả

Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam

Mang thai giả xảy ra khi phụ nữ không mang thai nhưng lại nghĩ mình đang có thai, ở họ xuất hiện một số dấu hiệu giống như mang thai.

Mang thai giả - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: ultimatehealing.com.au

Mang thai giả thỉnh thoảng lại xảy ra và được coi là một hiện tượng tâm lý ở những phụ nữ đang mong chờ quá mức việc mang thai và sinh con. Thậm chí một vài người đàn ông cũng có thể mang thai giả hay còn gọi là mang thai cảm tính.

Mang thai và sinh con luôn là điều tuyệt diệu đáng mong đợi với hầu hết các ông bố bà mẹ. Do vậy, đôi khi người phụ nữ tin rằng mình có bầu khi dựa vào một số dấu hiệu giống như việc mang thai. Tuy nhiên những dấu hiệu đó không phải do họ mang thai thực sự mà do những nguyên nhân hoàn toàn khác.

Mang thai giả xảy ra khi phụ nữ không mang thai nhưng lại nghĩ mình đang có thai. Ở họ xuất hiện một số dấu hiệu giống như mang thai, chỉ có điều trong bụng họ vắng mặt bào thai thực sự. Theo thống kê, tại Mỹ, cứ 22.000 ca sinh nở lại xuất hiện 1 đến 6 trường hợp như vậy. Thậm chí, một vài ông chồng cũng có thể mang thai giả hay còn gọi là mang thai cảm tính, nghĩa là những người đàn ông này cũng sẽ xuất hiện những triệu chứng y hệt như người vợ, như tăng cân, buồn nôn và đau lưng,...

Điều này thật kỳ lạ, và bạn sẽ tự hỏi chuyện gì đang xảy ra?

Mang thai giả do đâu mà có?

Chỉ mới đây, các bác sĩ mới bắt đầu hiểu được nguồn cơn của hầu hết trường hợp mang thai giả là do các vấn đề về tâm lý. Tuy những nguyên nhân chính xác vẫn chưa được tìm ra nhưng các bác sĩ nghi ngờ tâm lý đã "đánh lừa" cơ thể phụ nữ, làm cho họ nghĩ rằng mình đang mang thai.

Khi phụ nữ thấy rất muốn có thai và sinh con, do vô sinh, sảy thai nhiều lần, sắp mãn kinh hay mong muốn kết hôn, cơ thể sẽ xuất hiện các dấu hiệu mang thai, như: Bụng, ngực to lên, buồn nôn, chậm kinh, mất kinh và thậm chí là cảm giác thai nhi đang di chuyển trong bụng. Sau đó não bộ của người phụ nữ đó phân tích "nhầm", cho rằng những dấu hiệu đó là do mang thai, từ đó tiết ra các loại hormone liên quan đến quá trình mang thai và sinh nở là estrogen và prolactin, dẫn tới những dấu hiệu có vẻ như mang thai thực sự.

Như vậy, rõ ràng là mang thai giả xuất phát từ một hiện tượng tâm lý (sự mong chờ quá mức) dẫn đến sự sai lầm trong hoạt động của não bộ để dẫn đến các biểu hiện thực thể - dấu hiệu giống như các phụ nữ mang thai.

Các nhà nghiên cứu cho rằng do nghèo đói, thiếu hiểu biết, lạm dụng tình dục trẻ em hoặc các vấn đề về mối quan hệ của cặp đôi và gia đình (như mong muốn có con, kết hôn,...) mà hội chứng mang thai giả có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khẳng định rằng mắc chứng mang thai giả không giống với việc giả vờ có thai để trục lợi (về tài chính chẳng hạn) hoặc ảo tưởng khi mang thai (xảy ra với bệnh nhân tâm thần phân liệt).

Các dấu hiệu của hội chứng mang thai giả

Dấu hiệu của mang thai giả tương tự như mang thai thật và nhiều khi khó để phân biệt. Những triệu chứng như mất kinh, nghén, ngực lớn và tăng cân đều có thể xảy ra. Một số chuyên gia y tế cũng có thể chẩn đoán nhầm nếu chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng kể trên, một vài nghiên cứu trước đây thấy rằng khoảng 18% phụ nữ mang thai giả đã từng có 1 lần được chẩn đoán là có thai bởi chính bác sĩ chuyên khoa.

Phụ nữ mắc chứng mang thai giả có một hoặc nhiều dấu hiệu giống với phụ nữ mang thai thật, bao gồm:

- Chu kỳ kinh nguyệt gián đoạn, gặp ở 50 – 90% mang thai giả.

- Bụng to dần lên kiểu giống như mang thai (60 – 90%) là triệu chứng thường gặp nhất và cũng chính là dấu hiệu chẩn đoán mang thai giả.

- Ngực căng và đau, núm vú thay đổi và có thể tiết sữa.

- Cảm thấy thai nhi di chuyển, đạp, máy trong bụng xuất hiện khá nhiều (50 – 75%).

- Buồn nôn và ói mửa như đang nghén.

- Tăng cân.

- 1% trường hợp có dấu hiệu chuyển dạ giả: Đau bụng từng cơn như chuyển dạ thật. Chuyển dạ giả xảy ra vào thời điểm người mang thai giả nghĩ là thai đủ tháng.

Những triệu chứng nói trên có thể kéo dài vài tuần, chín tháng hoặc hàng năm trời. Một vài bệnh nhân còn tới bệnh viện do có cảm giác chuyển dạ, đau đẻ và sắp sinh con.

Kiểm tra mang thai giả

Bác sĩ sẽ đưa ra các kết luận dựa trên các triệu chứng, kết quả khám phụ khoa và siêu âm ổ bụng.

Trong trường hợp mang thai giả, siêu âm chắc chắn sẽ không thấy thai nhi và tất nhiên sẽ không có nhịp tim. Tuy nhiên, đôi khi bác sĩ sẽ thấy những thay đổi sinh lý xảy ra giống như trong thai kỳ, ví dụ như tử cung to hơn và cổ tử cung mềm hơn. Các xét nghiệm nước tiểu về mang thai chắc chắn luôn âm tính trong những trường hợp này, trừ một số hiếm các loại ung thư tiết ra hormone giống với hormone thai kỳ.

Một số tình trạng bệnh có thể khiến người phụ nữ có các biểu hiện giống với các dấu hiệu mang thai, bao gồm: Mang thai ngoài tử cung, béo phì và ung thư. Khi nghi ngờ những tình trạng bệnh này, bác sĩ sẽ tiếp tục khám, làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh của bạn từ đó có những điều trị phù hợp.

Chữa chứng mang thai giả như thế nào?

Hầu hết những người phụ nữ mang thai giả sẽ rất thất vọng nếu biết mình không mang thai, trong khi vẫn tin mình có thai trong hàng tháng trời. Một vài trường hợp, có thể dẫn đến trầm cảm hoặc hoang mang quá mức. Do đây là một hiện tượng tâm lý nên việc điều trị của bác sĩ cũng hoàn toàn là các giải pháp tâm lý. Bác sĩ nên nhẹ nhàng thông báo kết quả thật, hỗ trợ họ về mặt tâm lý hoặc sử dụng các liệu pháp điều trị tâm lý giúp bệnh nhân mắc chứng mang thai giả hồi phục sau "tin dữ" cũng như chuẩn bị cho mình sức khỏe để mang thai thật sự sau đó.

Bên cạnh đó, hãy huy động sự trợ giúp của chồng, người thân, gia đình và bạn bè để người phụ nữ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Trong trường hợp mang thai giả là do bệnh lý gây nên, bác sĩ sẽ chẩn đoán và điều trị chứng bệnh gốc gây nên hiện tượng mang thai giả.


Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên