• Rắn độc cắn, dấu để lại nhìn biết liền?
- Rắn có lành/dữ. Rắn độc truyền độc qua răng nanh hàm trên, hai cái lỗ để lại trên da là “chữ ký nháy” của chúng. Với rắn cắn, xác định nhân thân rất có ích; nhưng riêng khâu sơ cứu, loay hoay vì chuyện này có cơ làm mất thời gian quý báu. Nạn nhân sống sót bằng kiến thức sơ cứu, chứ ít khi nhờ hiểu biết bách khoa về loài rắn.
• Mang được con rắn theo vào viện, coi như 50% sống?
- Át chủ bài điều trị rắn cắn tại viện là huyết thanh kháng độc. Mỗi huyết thanh chỉ xử được 1 hay 2, 3 loại rắn. Bệnh nào thuốc ấy là hay nhất! Thế nên, lý tưởng là áp giải được hung thủ theo cùng đến viện. Nói vậy, không có nghĩa mất dấu F0 thì chào thua; bệnh nhân vẫn phải sống nhờ các liệu pháp chống độc, chống sốc như thường lệ.
• Càng hoảng hốt, càng dễ “tiêu“ với rắn độc?
- Khó mà giữ bình tĩnh trong một vụ rắn cắn, nhưng hoảng hốt sẽ làm hẹp cửa sinh của nạn nhân. Thất kinh kích động nhịp tim, nhịp thở, tay chân, tất cả hợp lực đẩy nhanh độc tố về tim. Cả với người sơ cứu, mất bình tĩnh là đầu đề hành động sai, hại thêm người bị hại.
• Sơ cứu là sống còn, nhưng dựa vào đâu để đỡ rối?
- Mục tiêu sơ cứu rắn cắn tập trung mấy việc, với mức cấp thiết theo thứ tự:
1- Làm loãng và làm chậm độc tố lan xa.
2- Xử lý triệu chứng nguy hiểm nếu có.
3- Không làm gì phức tạp thêm tình hình.
• Làm chậm chân tử thần
- Làm loãng độc tố xoay quanh việc rửa vết thương bằng xà phòng, nước muối sinh lý. Chỉ thế, không manh động gì thêm với nặn, hút, rạch... Làm chậm độc tố, trông cậy vào động tác băng ép - bất động. Đồ nghề băng thun, băng vải tự chế từ khăn choàng, quần áo sạch, có chi dùng nấy. Băng ép nhưng vừa đủ, nếu không, ngắt ngang luôn dòng mạch thì khốn, bắt thử còn mạch là được. Cố định thêm bằng nẹp như sơ cứu gãy xương càng hay.
• Còn garo, vì sao thất sủng?
- Garo một thời là nòng cốt của sơ cứu rắn cắn. Nay bị loại hẳn, bởi đây là biện pháp quá tay, làm nghẽn động mạch, mà nếu lơ tơ mơ có cơ gây hoại tử, đoạn chi. Nghiệp quật cả khi vào đến viện, bác sĩ tháo garo, độc tố ào ào như sôi tuôn về tim, não; chưa kịp tiêm mũi nào, đã liệt hô hấp, tử vong...
• Nạn nhân thường không qua khỏi vì ngạt thở?
- Rắn cắn, đoạt mạng chủ yếu qua rối loạn đông máu, độc thần kinh, tim, đặc biệt liệt cơ, dẫn đến suy hô hấp, tử vong. Khó thở, liệt hô hấp cần hô hấp nhân tạo tại chỗ, ngay và luôn! Độc tố cần thời gian phát tác, nếu khẩn trương, sẽ tránh phải hà hơi thổi ngạt tại chỗ, trừ khi xui rủi bị phập ngay chóc mạch máu lớn, vùng gần tim, gần đầu...
• Chuyển người vào viện cũng là chuyện sống chết...
- Đưa người bị hại vào viện là việc hệ trọng không kém. Nạn nhân phải được đảm bảo bất động, băng ép, đặt vùng bị cắn thấp hơn tim, là tay chân có thể để thả lỏng. Chuyển bệnh bằng xe máy, ba gác, ghe tam bản, chết đuối vớ cọng rơm, nhưng xóc nảy nhiều có cơ sinh biến trên đường.
• Chạy đua thời gian là tiên quyết?
- Chạy đua thời gian là nguyên tắc bao trùm. Ở đây là cuộc đua cự ly ngắn từ vết cắn đến tim, não. Nguyên tắc, bị rắn cắn, lành dữ không biết, mặc nhiên phải được chữa trị, lưu viện như rắn độc, ít nhất 12 giờ đầu.
• Làm gì thì làm, đừng... hại thêm khổ chủ?
- Điều 3, sau cùng là “không làm phức tạp thêm tình hình”, diễn thẳng là “không... làm hại thêm nạn nhân”! Xếp sau nhưng lắm khi... sếp sòng, nhiều nạn nhân lên bờ xuống ruộng vì khoản “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha” này.
Ví dụ kiểu thương nhau hóa mười phụ nhau này nhiều vô kể. Đứng đầu là garo, rồi các khoản chích, rạch, hút, cắt, lể, nặn máu, chườm lạnh, đắp lá, thuốc gia truyền, mẹo nhỏ mẹo to... Không ít vụ, bác sĩ phải chia ca, nhóm thì lo cấp cứu ngừng tim, ngừng hô hấp, nhóm thì trần thân giải quyết tổn thương mạch máu, thần kinh, nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết từ cắt, lể, nặn, hút, bài thuốc thầy nước mặn... Nhiều nạn nhân thoát quẻ đại hung rắn cắn, nhưng chưa được về nhà mà chuyển sang nằm khoa khác cả tháng trời là do vụ “được thương” nói trên...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận