TTCT - Để bảo vệ muôn loài khỏi nguy cơ tuyệt chủng, trước tiên giới khoa học cần biết chính xác họ đang bảo vệ cái gì. Nguy cơ lớn nhất là nhiều loài đã hoặc chắc chắn sẽ tuyệt chủng trên toàn cầu trước khi chúng được mô tả chính thức. Cochlospermum adjanyae, một trong số hơn 70 loài thực vật mới được phát hiện năm 2023. Loài này được đặt tên theo nhà thực vật học người Angola Adjany Costa. Ảnh: RBG Kew Vườn bách thảo Hoàng gia Kew (RBG Kew) liên tục tìm kiếm các loài thực vật và nấm mới để bảo vệ chúng thông qua hai cách: tích hợp vào mạng lưới Vùng thực vật quan trọng (Important Plant Areas) trên toàn cầu và bảo tồn hạt giống thông qua hợp tác Ngân hàng Hạt giống thiên niên kỷ (Millennium Seed Bank Partnership). Các nhà khoa học hy vọng bằng cách ra ngoài thực địa để thu thập, nghiên cứu và mô tả các loài chưa được biết đến, họ có thể cung cấp thông tin để xây dựng các chính sách bảo tồn tốt hơn. Nói cách khác, để bảo vệ chúng, trước tiên cần biết chính xác chúng là gì."Ngay lúc này, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải làm mọi thứ trong khả năng của mình để ra ngoài thực địa cùng với các đối tác, xác định những loài thực vật và nấm nào chưa có mô tả khoa học. Nếu không làm vậy, chúng ta có nguy cơ mất đi những loài này mà không hề biết rằng chúng từng tồn tại" - tiến sĩ Martin Cheek, trưởng nhóm nghiên cứu cao cấp thuộc Nhóm châu Phi của RBG Kew, nói trong thông cáo ngày 11-1. Tiến sĩ Cheek cũng lưu ý rằng ngay cả khi khám phá ra những điều mới mẻ tuyệt vời cũng phải nhớ rằng "thiên nhiên đang bị đe dọa và [khoa học] có khả năng làm điều gì đó để thay đổi".Mang phân loại học (taxonomy) trở lại để cứu muôn loài là lời kêu gọi phổ biến gần đây trong giới khoa học. "Nếu muốn cứu lấy phần còn lại của sự đa dạng sinh học trên Trái đất, chúng ta cần phải tái đầu tư vào môn khoa học này. Cách chúng ta phân định các loài sẽ quyết định việc chúng ta chọn cứu những gì" - Robert Langellier, nhà văn và nhà thực vật học thực địa ở Vermont (Mỹ), viết cho The New York Times hồi tháng 7.Vì sao cần biết mặt đặt tên cây cỏ mới? Năm 2009, nhà thực vật học Naomi Fraga chứng kiến một loài hoa chưa có tên dần tuyệt chủng ngay trước mắt khi thung lũng sa mạc nơi nó sinh trưởng (Carson, Nevada) bị san bằng để nhường chỗ cho các siêu thị Walmart và khu dân cư. Để bảo vệ loài thực vật này hợp pháp, cô phải đặt cho nó một cái tên. Loài hoa vàng nhỏ bé từng vô danh này sau đó được gọi là Carson Valley monkeyflower (hoa mặt khỉ thung lũng Caron, hay Erythranthe carsonensis). Việc đặt tên này là cơ sở để các nhà bảo tồn hồi đầu năm nay gửi thỉnh nguyện thư cho Cơ quan Cá và động vật hoang dã Mỹ, yêu cầu bảo vệ nó theo Đạo luật các loài có nguy cơ tuyệt chủng.Theo Langellier, phân loại học truyền thống - vốn gắn với những nhà thực vật học dấn thân khám phá những vùng đất và thuộc địa mới hồi thế kỷ 19 - đã dần bị lãng quên và lép vế về mặt thu hút tài trợ so với di truyền học phân tử. "Với những tiến bộ trong việc giải mã trình tự gene, giờ đây chúng ta có thể xác định các thành phần cơ bản của sự sống nhưng vẫn cần khả năng diễn giải dữ liệu di truyền một cách dễ hiểu và có ích cho con người. Đó chính là vai trò của phân loại học" - ông viết.Một ví dụ cụ thể: Flora of North America - dự án với mục tiêu ghi danh và mô tả mọi loài thực vật ở Mỹ và Canada trong 30 tập sách - đã bắt đầu từ những năm 1980 nhưng vẫn chưa hoàn thành do các tác giả gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn tài trợ ổn định. Chưa kể khi tập cuối cùng ra mắt vào năm 2026, toàn bộ dự án sẽ phải được sửa đổi ngay lập tức vì nhiều thông tin đã lỗi thời. Chẳng hạn, tập đầu tiên về các loài dương xỉ, phát hành năm 1993, đã hoàn toàn lạc hậu khi có nhiều loài mới được phát hiện và cả các loài ngoại lai xâm nhập."Hãy tưởng tượng việc cố gắng hiểu một chiếc Toyota Camry đời 2024 với cuốn hướng dẫn từ năm 1993. Đó chính là thực trạng mà các nhà thực vật học và bảo tồn đang phải đối mặt khi cố gắng duy trì đa dạng sinh học" - Langellier ví von.Tetracoccus dioicus, một loài trong tập 12, xuất bản năm 2016 của Flora of North AmericaFlora of North America là nạn nhân của sự thay đổi ưu tiên khoa học của Mỹ. Từ những năm 1980 và 1990, Quỹ Khoa học quốc gia - nguồn tài trợ chính cho thực vật học ở Mỹ - ngày càng tập trung vào các nghiên cứu dựa trên giả thuyết và thí nghiệm thay vì thực địa. Các phòng lưu trữ mẫu vật, nơi hầu hết công việc phân loại học được thực hiện, cũng đang mất dần hỗ trợ. Đại học Duke đã cắt giảm quỹ cho bộ sưu tập mẫu vật thực vật của trường - một trong những bộ sưu tập lớn nhất Mỹ, với lý do chi phí duy trì quá cao."Mặc dù phòng lưu trữ của trường tôi (Đại học Vermont) vẫn được tài trợ tốt nhưng dường như công việc cơ bản của việc nhận dạng thực vật đang bị bỏ quên khi nguồn quỹ và sinh viên đổ về các lĩnh vực sinh học hào nhoáng hơn. Ngày càng ít sinh viên thực vật học biết cách nhận diện các loài cây trong rừng của chính họ" - Langellier viết. Ông gọi tất cả những chỉ dấu về sự suy tàn của phân loại học nói trên là bi kịch và hệ quả của nó là rất nghiêm trọng.Ước tính vẫn còn hàng chục ngàn loài chưa được khoa học ghi danh; 3/4 số loài mới phát hiện đã đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Nếu không có các nhà phân loại học để mô tả những loài này, chúng ta gần như không có cơ hội cứu chúng hay môi trường sống của chúng.Phát hiện loài mới còn có nhiều tác động ý nghĩa khác. Các chính phủ và tổ chức bảo tồn thường có xu hướng hành động mạnh mẽ hơn khi các loài sinh vật đặc biệt được phát hiện. Trong số những loài chưa được đặt tên, biết đâu có loài mang các đặc tính chữa bệnh hoặc các giá trị dinh dưỡng có thể thay đổi tương lai của y học hoặc ngành dinh dưỡng.Mà chưa cần nói tới những thứ như chữa ung thư hay cách mạng hóa hệ thống thực phẩm, theo nhà thực vật và phân loại học Art Gilman, tất cả đơn giản chỉ là nếu không duy trì phân loại học, "chúng ta sẽ mất đi cơ hội hiểu biết về chính thế giới của mình". Tags: Đa dạng sinh họcThiên nhiênMôi trường sốngKhoa họcBảo tồn
Trực tiếp: Tình hình giao thông cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 24/01/2025 Mời quý bạn đọc xem tình hình giao thông tại cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 (25 tháng Chạp). Nhiều gia đình bắt đầu về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc ăn Tết 2025, lượng xe di chuyển trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết.
Vì sao tuyển Việt Nam không còn mặn mà với sân Mỹ Đình? NGUYÊN KHÔI 24/01/2025 Thật khó tưởng tượng sân vận động quốc gia lại không phải là lựa chọn số 1 của đội tuyển Việt Nam. Nhưng điều đó lại đang đúng với sân Mỹ Đình (Hà Nội).
Giải mã nguyên nhân kẹt xe ở trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây CHÂU TUẤN 24/01/2025 Mỗi ngày có tới 700 xe 'quên nạp tiền' để qua trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, khiến tình trạng kẹt xe phức tạp hơn.
Vụ shipper Đà Nẵng bị đánh chết: Nhiều luật sư và nhà hảo tâm muốn hỗ trợ THÁI BÁ DŨNG 24/01/2025 Những ngày qua, nhiều luật sư và nhà hảo tâm khắp cả nước đã liên hệ để hỗ trợ gia đình nạn nhân shipper Trần Thành.