Phóng to |
Lúc rảnh, Phạm Thị Hương, Nguyễn Thị Phượng (thứ nhất và ba, từ trái qua) cùng Trần Văn Trí (hàng sau) phụ cô chăm các em nhỏ tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình - Ảnh: Q.L. |
Trong hàng trăm tấm gương nỗ lực vượt khó và tiêu biểu cho mỗi lĩnh vực được vinh danh lần này, có những bạn nhỏ vẫn âm thầm chiến đấu mỗi ngày để vượt qua những con dốc của đời mình.
Khi cuộc đời không may
Nghe mấy cô kể lại thì từ hồi bé tí Nguyễn Thị Phượng (hiện học lớp 9) đã được đưa vào Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình (Q.Thủ Đức) cùng anh trai kế. Cha mẹ đều mắc bệnh và đang sống trong trại phong Bến Sắn (Bình Dương). Tuổi thơ của Phượng không có khái niệm được mẹ ẵm bồng, được cha đưa đi học. Mãi đến năm 6 tuổi, Phượng mới lần đầu được gặp cha mẹ mà không biết đó là ai. Đến khi nghe anh trai lớn gọi là “bố, má”, Phượng lắp bắp gọi theo. Cùng hoàn cảnh, cha mẹ bệnh không thể lao động, hiện sống tại Trung tâm bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa (Bình Dương) nên mấy anh em Trần Văn Trí (lớp 5) hiện cũng được gửi vào nuôi tại Tam Bình.
Dù gì Phượng, Trí còn may mắn, chứ cô bé cùng trung tâm Phạm Thị Hương chẳng còn tí ký ức nào về gia đình. 4 tuổi, cô bé không thể nhớ nổi mình đã đi từ đâu, chỉ biết cứ lang thang ngoài đường như thế cho đến khi không còn biết đường về nhà. Rồi người ta đưa vào nơi dành cho trẻ lang thang đường phố, ở đấy hai năm Hương được chuyển về Tam Bình, được đi học hiện đến lớp 4.
Lần đầu tiên Đại hội cháu ngoan Bác Hồ cấp thành tuyên dương học sinh điển hình mắc HIV. Ba học sinh của Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (Q.Thủ Đức) được nhận danh hiệu lần này không chỉ học giỏi mà còn nỗ lực phi thường chiến đấu với bệnh tật. “Có lần con đang đứng nói chuyện với bạn cùng lớp, một bạn khác đến kéo người bạn này đi và kêu đừng nói chuyện với nhỏ đó vì nó bị sida. Vậy là sau đó nhiều bạn trong lớp cũng không thèm chơi với con luôn” - cô bé T.T. (lớp 4) hồn nhiên kể như thể đó là điều rất đỗi bình thường trong cuộc sống hằng ngày.
Trong khi đó, hai em sống cùng trung tâm với T. là P.K. và X.L. (lớp 5) cho biết ngoài cô chủ nhiệm thì chỉ có bạn lớp trưởng biết hai bạn mắc bệnh. X.L. không biết cha mình là ai, chỉ nhớ rằng sau khi mẹ mất, L. được đưa vào trung tâm, khi ấy cậu bé mới bước vào tuổi lên 3. Còn P.K. nhớ rõ căn bệnh ấy đã cướp mất cha hồi cậu học mẫu giáo, đến năm lớp 1 thì mẹ cũng ra đi và K. bắt đầu sống trong trung tâm từ năm 7 tuổi đến nay.
Giản dị mơ ước tuổi thơ
Trong những ngôi nhà chung ấy, các bạn đã có thêm rất nhiều anh chị em, lại có thêm nhiều người mẹ và được đến trường mỗi ngày. Những ước mơ vẫn cứ lớn dần theo năm tháng và ai cũng là học sinh giỏi toàn diện. Bé Hương muốn trở thành bác sĩ chữa bệnh cho các em nhỏ sống trong trung tâm như mình, Trí lại mơ trở thành thầy giáo dạy toán vì bạn thích và học giỏi môn này nhất. X.L. lại mang giấc mơ rất đỗi bình dị như chính mảnh đất quê nghèo nơi cậu được sinh ra: học xong về quê cày ruộng vì cày ruộng rất vui!
Cũng có những bạn chẳng biết mình đang mơ gì bởi cuộc sống phía trước vẫn còn là một lối đi quanh co và dài quá. “Lâu lâu mẹ cũng lên thăm nhưng mẹ con gặp nhau chút xíu rồi mẹ phải về vì đường xa. Sống trong trung tâm rất vui nhưng sống giữa gia đình có hạnh phúc riêng” - Phượng nói vậy, thay cho câu trả lời về mơ ước tương lai của mình.
Không ai ở Trung tâm Linh Xuân một lần nào đề cập đến tương lai căn bệnh thế kỷ các bạn đang mắc phải, nhiều bạn còn nhỏ quá cũng chưa đủ nhận biết về nó nhưng X.L. tin chắc nịch: “Nếu con ăn uống điều độ, uống thuốc đúng giờ thì sẽ sống khỏe mà”. Từ khi bị nhiễm bệnh đến nay, L. vẫn chưa phải dùng đến bất cứ viên thuốc ARV nào vì sức đề kháng tốt, lại còn đang béo phì mức độ nhẹ.
“Nhiều khi nhìn thấy bạn được ba, mẹ đón về sau giờ học, con ước mình cũng được như vậy” - bé Hương bộc bạch. Đó không còn là ước mơ mà trở thành nỗi khát khao cháy bỏng của những cảnh đời mồ côi, bệnh tật hiểm nghèo ấy.
Giấc mơ khoa học của cậu bé nghèo Cái tên Nguyễn Minh Châu - Trường tiểu học Trương Định (Q.12) - đã không còn xa lạ với các hội thi sáng tạo khoa học dành cho lứa tuổi nhi đồng của TP. Ngay từ lớp 2, Châu đã tự mày mò làm cái này, cái kia để thỏa đam mê sáng tạo. Đều đặn từ lớp 3 đến nay đã là lớp 5, mỗi năm Châu đều có ít nhất hai, ba sản phẩm đem tranh tài ở hội thi sáng tạo. “Em nghĩ cùng lúc nhiều ý tưởng, rồi chọn thực hiện ý tưởng nào thấy có thể ứng dụng vào cuộc sống nhiều nhất” - Châu khoe. Thấy người đi đường hay vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, Châu nghĩ ra mô hình thanh chắn an toàn giao thông có thể nhận diện vật cản và thời gian hạ xuống đủ an toàn cho người đi đường. Nhìn thấy trạm chờ xe buýt không có nơi đi vệ sinh, Châu lại nghĩ đến tận dụng diện tích tối thiểu của trạm chờ để có thể làm nhà vệ sinh cho hành khách. Hay chiếc bàn học thân thiện, ống heo tiết kiệm để giúp bạn bè cùng lứa tuổi không chỉ tiết kiệm mà còn học cách chia sẻ với cộng đồng... Có thể những sáng chế, ý tưởng của cậu bé tuổi mới lên 10 còn rất trẻ con nhưng dần nuôi lớn giấc mơ khoa học của Châu. “Con muốn làm nhà toán học, nhà khoa học giỏi sau này” - Châu nói về ước mơ của mình. Và trong căn phòng trọ chừng 10m² thuê tại một con hẻm nhỏ trên đường Phan Văn Hớn (Q.12) cho gia đình ba thành viên, có một cậu bé đang lớn lên từng ngày với giấc mơ khoa học giữa bao bộn bề lo toan của những tháng ngày làm thuê đủ nghề của cha mẹ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận