11/11/2015 08:27 GMT+7

Mang đạn trong người, luật Việt Nam xử lý ra sao?

SƠN BÌNH
SƠN BÌNH

TTO - Vụ nữ doanh nhân My Nguyen bị Philippines bắt giữ tại sân bay vì mang viên đạn trong túi xách đặt ra câu hỏi quy định của luật pháp nước ta ra sao trong tình huống tương tự?

Sân bay quốc tế Ninoy - nơi chị My Nguyen bị bắt giữ - Ảnh: Philstar

Dư luận đang quan tâm thông tin Văn phòng An ninh giao thông Philippines (OTS) xác định đã bắt giữ chị  (30 tuổi, nữ doanh nhân Việt Nam) tại sân bay quốc tế Ninoy (Philippines) do máy quét của OTS phát hiện trong túi xách của My Nguyen có chứa một viên đạn.

Khi bị thẩm vấn ở văn phòng công tố thành phố Pasay, My Nguyen khai nhận viên đạn này là của cô. Cô cho biết một khách quen thường xuyên mua sắm tại cửa hàng thời trang của cô đã tặng cô viên đạn này làm “bùa hộ mệnh”.

Theo thông tin đăng trên các báo của Philippines, hiện My Nguyen có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì vi phạm luật kiểm soát súng đạn của chính quyền nước này.

Còn ở Việt Nam, nếu mang theo viên đạn khi lên máy bay có bị xem là vi phạm pháp luật hay không, mức độ như thế nào?

Chưa gây hậu quả nghiêm trọng, chỉ bị phạt hành chính

Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Trương Xuân Tám, ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, cho biết ở một số nước pháp luật quy định nghiêm ngặt như trường hợp có thể xử lý hình sự nữ doanh nhân My Nguyen ở sân bay Philippines.

Còn theo pháp luật Việt Nam, nếu mang viên đạn theo bên người khi bị cơ quan chức năng kiểm tra thì tùy viên đạn thật hay giả, viên đạn còn nguyên hay chỉ là vỏ đạn thì sẽ có nhiều mức  độ xử lý tương ứng. 

Nếu chỉ là vỏ đạn không gây nổ, không có khả năng gây nguy hiểm thì sẽ không bị xem là vi phạm. Hay có người treo vỏ đạn lủng lẳng như trang sức cũng chỉ gây chút phản cảm chứ không bị xem là vi phạm pháp luật.

Còn nếu là viên đạn thật thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc hình sự tùy mức độ khác nhau.

Theo quy định, nếu viên đạn còn nguyên thì cũng chưa được gọi là vũ khí quân dụng nhưng được gọi là vật liệu nổ bởi còn thuốc, có thể gây nổ nguy hiểm.

Điều 234 Bộ luật hình sự nêu rõ những vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Theo đó, mức độ gây hậu quả nghiêm trọng (thiệt hại về người, tài sản lớn) mới bị xử lý hình sự. Mặt khác khi chế tạo, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ thì lại rơi vào điều 232 Bộ luật hình sự, cũng bị xử lý tùy theo mức độ nghiêm trọng.

Nếu là viên đạn còn nguyên nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Theo đó, tùy mức độ vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm mà người vi phạm sẽ bị phạt từ 10-40 triệu đồng.

Nhiều tình huống có thể bị xử lý nghiêm

Đạn bị xem là vật liệu nổ nguy hiểm - Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ

Cũng theo luật sư Tám, những gì liên quan đến quân đội, đến vũ khí hoặc có dáng dấp của vũ khí thì không phải sản xuất ra nhằm mục đích dùng như món đồ trang sức. Vì thế mọi người lưu ý không sử dụng hay mang theo, nhất là khi đi qua những nơi đông người, nhạy cảm an ninh như sân vận động, máy bay, tàu thủy… bởi nó tiềm ẩn nguy cơ gây náo loạn, đe dọa đến những người xung quanh. 

Không nên xem viên đạn là đồ trang sức hay quà tặng bởi nó không thuộc mục đích của nhà sản xuất. Không chỉ viên đạn, ngay cả các loại súng đồ chơi trẻ em tuy không nguy hiểm nhưng khi ban đêm mang ra đường mà dọa người khác vẫn có thể bị xem xét xử lý về tội đe dọa giết người tùy mức độ nghiêm trọng.

Có thể chấp nhận được trong tình huống vỏ đạn chỉ đặt trên bàn làm việc, treo trong nhà để trang trí.

Nhưng viên đạn còn nguyên thì không ai chấp nhận được bởi nguy hiểm cho nhiều người khi có thể bị kích nổ bởi nhiều tác nhân như gặp nhiệt độ cao, đánh rơi, va chạm mạnh…

Mang đạn vào khu sân bay, có thể bị phạt 20-30 triệu

Theo điều 9 nghị định số 81/2010 của Chính phủ về an ninh hàng không dân dụng (từ ngày 27-11-2015 sẽ thay thế bằng nghị định số 92/2015 khi nghị định 92/2015 có hiệu lực) thì hành khách không được mang theo người hoặc để trong hành lý xách tay những vật phẩm nguy hiểm khi đi tàu bay.

Theo nghị định 147/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng thì hành khách mang theo đạn (có thể xem là đưa chất nổ, vật liệu nổ) vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay hay lên tàu bay là một hành vi vi phạm hành chính, có thể bị xử phạt từ 20-30 triệu đồng.

SƠN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên