Các học sinh tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Tây Ninh sử dụng sách từ thư viện lưu động - Ảnh: T.NHÂN
Sách vở là phương tiện đến với thế giới xung quanh của con người, nhất là với những người . Để một quyển sách đến tay bạn đọc khiếm thị, không ít người hằng ngày vẫn thầm lặng gom góp "ánh sáng yêu thương" vào từng dấu chấm chữ nổi, từng giọng đọc audio.
Đặc biệt, nhiều người khiếm thị lại chính là những người đem ánh sáng tri thức đến với những cảnh ngộ như mình.
Khiếm thị 90% vẫn làm sách
Tại phòng sản xuất tài liệu cho người khiếm thị, thuộc Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, anh Trương Phước Khải (37 tuổi, Hậu Giang) - khiếm thị 90% - hằng ngày vượt qua đoạn đường hàng chục cây số từ nhà đến nơi làm việc để theo đuổi niềm đam mê làm sách.
Thuở nhỏ do mắc phải căn bệnh quái ác khiến mắt tổn thương nặng, 15 tuổi Khải mới được học chữ nổi (Braille) ở quê rồi lên TP.HCM học hòa nhập.
Sau khi tốt nghiệp ngành giáo dục học Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), Khải vào cộng tác tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, đảm nhận công việc làm sách minh họa nổi - gần giống như truyện tranh - và hỗ trợ xử lý sách nói.
Anh Khải xử lý sách nói trên máy tính nhờ sự hỗ trợ của phần mềm chuyên dùng cho người khiếm thị - Ảnh: TRỌNG NHÂN
"Trước đây, việc học của tôi khá khó khăn vì không phải tài liệu nào cũng có bản cho người khiếm thị. Mười mấy năm học, tôi thường nhờ các bạn đọc bài rồi ghi âm lại, sau đó về nhà nghe lại. Tôi chọn nghề làm sách vì muốn giúp đỡ các em khiếm thị sau này có tài liệu tốt hơn" - anh Khải chia sẻ.
Người sáng mắt làm sách đã khó, người khiếm thị nặng như anh Khải làm sách càng khó hơn. Khi mới vào nghề, anh phải tập làm quen với chiếc máy đánh chữ nổi 6 phím thay cho thói quen viết tay.
Lúc đầu anh đánh rất chậm, mò mẫm từng chữ cái và thường sai sót nhưng nhờ miệt mài làm việc, giờ đây anh Khải có thể gõ máy chữ nổi trên bìa nhựa cứng với tốc độ nhanh, khoảng 15 phút/trang.
Để biên tập sách nói, anh Khải cũng phải tập tành sử dụng máy vi tính. Nhờ phần mềm giọng nói dành cho người khiếm thị và nỗ lực của bản thân, anh đã có thể chỉnh sửa, ghép nhạc, hoàn thiện các trích đoạn do những tình nguyện viên đọc một cách chuyên nghiệp và nhanh chóng.
"Khó khăn nhất với tôi chính là tôi phải dành công sức làm việc hơn rất nhiều so với người bình thường để bù lại khiếm khuyết" - anh Khải cho biết.
Chung một tấm lòng
Anh Nguyễn Cao Hoàng (33 tuổi, Đồng Nai) là một người khiếm thị khác đang làm việc tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM.
Dù một mắt mù hoàn toàn, một mắt chỉ còn nhìn rõ 40%, anh Hoàng vẫn nỗ lực học tập và tốt nghiệp ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) chuyên ngành công nghệ thông tin rồi vào làm cho thư viện.
Do giỏi công nghệ nên anh Hoàng phụ trách việc chuyển tài liệu sách chữ sáng thành các ký tự chữ nổi trên máy tính, sau đó sửa sai rồi cho in ra trên giấy thường.
"Việc máy móc không khó nhưng khó khăn do thị lực yếu nên nhiều lúc phải dùng kính lúp để nhìn chữ cho rõ. Vả lại, máy in chữ nổi hoạt động rất ồn ào, người khiếm thị như tôi làm việc sẽ khó chịu lắm" - anh Hoàng nói.
Không chỉ làm việc trong phòng khiếm thị, anh Hoàng thường xuyên cùng chuyến xe thư viện lưu động của thư viện đến những vùng miền xa gần, đem sách đến phục vụ học sinh khiếm thị.
Anh Hoàng nhớ lại mỗi chuyến đi đều có những kỷ niệm đáng nhớ, chẳng hạn có khi phải ở lại đêm muỗi cắn khắp người, có khi nơi đến khó khăn mình phải hỗ trợ cả cơm ăn...
Tuy nhiên, ghi sâu trong tâm trí anh lại chính là nụ cười của các em nhỏ mỗi khi có đoàn xe lưu động đến thăm. "Các em nhớ tên từng người trong đoàn. Mỗi lần trở lại địa phương phục vụ các em, khi không thấy cô chú nào là các em lại cầm tay hỏi thăm. Ấm áp lắm!" - anh Hoàng chia sẻ.
Còn bà Nguyễn Thị Thu Hà (61 tuổi, TP.HCM) sau khi về hưu được một người bạn giới thiệu đến với Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM làm cộng tác viên thu âm sách nói.
Trong nhiều thể loại mà bà đã đọc như truyện thiếu nhi, sách hạt giống tâm hồn, sách khoa học... bà dành tâm huyết nhất cho những quyển sách giáo dục giới tính cho trẻ em gái.
"Các em gái khiếm thị khi đến tuổi dậy thì nếu không có ai hướng dẫn các em những kiến thức về giới tính thì rất tội, tôi rất muốn qua những quyển sách của mình có thể cho bọn trẻ thêm chút kiến thức" - bà Hà nói.
Thư viện lưu động dành cho người khiếm thị
Chị Hồng Thị Kim Vy, phụ trách phòng khiếm thị (Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM), cho biết năm 2007 thư viện cho ra mắt dịch vụ thư viện lưu động dành cho người khiếm thị đầu tiên tại Việt Nam.
Mỗi chuyến xe lưu động bao gồm một chiếc xe bán tải với 4 trạm máy tính kết nối Internet, các phần mềm ứng dụng, 1 máy in chữ nổi, 1 máy phóng (CCTV), 18 máy đọc sách nói (Victor Reader), 10 máy đọc sách nói bỏ túi (Victor Reader Stream), 1 máy nhiệt làm phồng giấy (Heater machine), tài liệu thay thế bao gồm: sách chữ nổi, hình minh họa nổi, sách minh họa nổi cho trẻ em, sách nói kỹ thuật số. Dự án do Force Foundation (Hà Lan) và Standard Bank (Nam Phi) tài trợ với tổng chi phí 66.000 USD.
Hằng năm, thư viện lưu động tổ chức nhiều chuyến đi đến các trường học, mái ấm khiếm thị trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận như Tây Ninh, Lâm Đồng, Bến Tre, Trà Vinh... để phục vụ các học sinh ít cơ hội tiếp xúc với nhiều sách vở.
Có mặt tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Tây Ninh (Hòa Thành, Tây Ninh), chúng tôi ghi nhận không khí ấm cúng, nhiều tiếng cười tại khu vực tổ chức thư viện lưu động.
Hơn 20 em nhỏ tụ tập trong một căn phòng thư viện của trung tâm, cùng nhau mò mẫm những quyển sách nổi, hoặc chăm chú nghe những quyển sách nói, hay hào hứng sử dụng máy vi tính lần đầu.
Nhân Thu Trang (12 tuổi, quê Cà Mau) - bị mù hoàn toàn - cho biết em rất thích đọc sách, mỗi tuần em đều trông đợi đến chiều thứ sáu để thầy cô đọc sách cho nghe.
Khi Thu Trang 5 tuổi, cha mẹ bỏ em lại một trường khiếm thị ở Cà Mau rồi không quay trở lại. Sau đó, Trang được đưa đi học ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Tây Ninh.
"Em thích nhất nghe những quyển sách về chiến tranh. Mỗi khi sách đọc đến những đoạn về gia đình là em lại nhớ má" - Trang nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận