Viettel đặt mục tiêu sẽ thương mại hóa dịch vụ 5G vào cuối năm 2020 - Ảnh: V.T.
Với việc Bộ TT-TT chính thức công bố quy hoạch dải băng tần, lộ trình phát triển 5G tại Việt Nam đã có một bước tiến quan trọng, tạo điều kiện cho các nhà mạng bước sang giai đoạn có thể thương mại hóa dịch vụ 5G, đưa Việt Nam vào nhóm những quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai 5G.
Sớm phủ sóng 5G
Sau khi thử nghiệm tại một số địa phương, ngày 6-7-2020, Viettel đã triển khai thử nghiệm trạm 5G trên mạng lưới thực tại trụ sở Bộ TT-TT để phát sóng cung cấp dịch vụ mạng 5G. Theo đại diện của tập đoàn này, kết quả thử nghiệm cho thấy "hệ thống đạt tốc độ tải xuống trên 500Mbps, hoạt động ổn định, có hệ thống giám sát tự động và hỗ trợ nhiều loại điện thoại 5G khác nhau như Oppo, ZTE, Vinsmart, OnePlus...".
Cũng theo vị này, Viettel sẽ triển khai thương mại hóa 5G Microcell vào tháng 10-2020, chậm hơn so với kế hoạch ban đầu (tháng 6-2020) do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Và đến tháng 6-2021, tập đoàn này sẽ thương mại hóa 5G Microcell trên toàn mạng lưới. Theo đó, Viettel sẽ xây dựng các sản phẩm dân sự, quân sự trên "hệ sinh thái công nghệ 5G" phát triển và sản xuất tại VN.
Tương tự, ngay sau khi được cấp phép thử nghiệm công nghệ 5G vào tháng 4-2019, MobiFone cũng đã làm việc với các nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu trên thế giới để tiến hành công tác thử nghiệm kỹ thuật tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Hải Phòng. "Kết quả đạt được rất khả quan với tốc độ dữ liệu tải xuống đạt xấp xỉ 2Gbps", đại diện của đơn vị này cho biết.
Tháng 3-2020, MobiFone đã công bố thử nghiệm thành công mạng 5G tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng, sẵn sàng triển khai công nghệ 5G và các ứng dụng đi kèm tại thị trường trong nước. Sau khi được gia hạn giấy phép thử nghiệm đến tháng 5-2021, tập đoàn này đã triển khai thử nghiệm công nghệ 5G (giai đoạn 2) trên mạng MobiFone, hiện đại hóa mạng lưới, kết nối, tích hợp và cung cấp dịch vụ thử nghiệm tới khách hàng, đồng thời cho biết sẵn sàng thương mại hóa dịch vụ 5G khi được cấp phép chính thức, dự kiến vào đầu năm 2021.
Trong tháng 4-2020, VNPT cũng công bố thử nghiệm thành công mạng VinaPhone 5G tại 2 thành phố là Hà Nội và TP.HCM. Kết quả thử nghiệm mạng VinaPhone 5G đạt hơn 2,2Gbps, nhanh gấp 10 lần so với mạng 4G và có độ trễ lý tưởng gần như bằng 0. Đây là những số liệu tích cực, tiệm cận với chuẩn 5G của thế giới và là kết quả thử nghiệm 5G tốt nhất từng công bố trong các nhà mạng tại VN. Với việc tích hợp mạng 5G thử nghiệm thành công vào cấu trúc mạng hiện hữu, VNPT cho biết đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật, công nghệ và cấu trúc mạng lưới cho việc triển khai mạng 5G thương mại.
Đồ họa: TUẤN ANH
Việt Nam làm chủ công nghệ 5G
Sáng 17-1-2020, tại trụ sở Tổng công ty công nghiệp công nghệ cao Viettel (Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội), Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh đã thực hiện cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên hạ tầng tại phòng lab bằng thiết bị do Viettel nghiên cứu làm chủ cả phần cứng và phần mềm.
Như vậy, chỉ 8 tháng sau khi thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên bằng công nghệ của nước ngoài, Việt Nam đã có một bước tiến mới trong việc làm chủ công nghệ mạng 5G. Dù tốc độ tải xuống còn hạn chế nhưng đây là một dấu mốc ghi nhận việc nhà mạng Việt Nam tham gia cuộc đua với các ông lớn công nghệ trong nghiên cứu sản xuất thiết bị mạng 5G, cùng với 5 công ty đã sản xuất thành công các thiết bị mạng cho 5G trên thế giới gồm: Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, đại diện Viettel cho hay tập đoàn này đặt mục tiêu "làm chủ công nghệ 5G và thuộc tốp các công ty hàng đầu thế giới về thiết bị hạ tầng mạng 5G". "Thiết bị trạm 5G do Viettel sản xuất sẽ đáp ứng các yêu cầu triển khai cho tất cả các nhà mạng của Việt Nam và yêu cầu xuất khẩu thông qua việc đạt các tiêu chuẩn cho 5G do các tổ chức viễn thông hàng đầu thế giới như 3GPP, GSMA ban hành", vị này nói.
Cũng theo vị này, Tổng công ty công nghiệp công nghệ cao Viettel đang tập trung nghiên cứu công nghệ lõi và đẩy nhanh quá trình thử nghiệm, thu thập thông tin phản hồi của khách hàng để điều chỉnh và tối ưu sản phẩm nhanh nhất có thể. Trên thực tế, đội ngũ kỹ sư của Viettel đã phát triển hệ thống thiết bị gNodeB 5G trong 6 tháng sau quá trình tự nghiên cứu phát triển trạm thu phát sóng BTS cho 4G-eNodeB và nghiên cứu tiền khả thi 5G.
Trước đó, tháng 12-2019, Viettel đã ra mắt thiết bị trạm thu phát gốc vô tuyến 5G-gNodeB, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật mà Hiệp hội Viễn thông quốc tế 3GPP đã chuẩn hóa và công bố.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc tự thiết kế và sản xuất thiết bị 5G sẽ giúp Viettel chủ động trong việc triển khai 5G cho mạng di động của mình và các dịch vụ gia tăng đi kèm, nhằm tạo ra những trải nghiệm 5G tốt nhất cho khách hàng.
Trong khi đó, từ cuối năm 2019, MobiFone cũng bắt đầu phối hợp với Vinsmart và Viettel để cùng nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm thiết bị 5G "Make in Vietnam" trên mạng lưới. Đơn vị này cũng đang phối hợp với các đối tác tập trung xây dựng các hệ sinh thái các dịch vụ ứng dụng công nghệ 5G và sẽ bắt đầu triển khai cung cấp dịch vụ cho khách hàng ngay từ đầu năm 2021.
Cơ hội cho người dùng Việt Nam
Ông Tào Đức Thắng - phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel - cho biết sau khi thử nghiệm thành công kết nối chính thức lần đầu tiên trên mạng di động 5G tại VN, Viettel sẽ tiếp tục mở rộng thử nghiệm mạng di động 5G tại Hà Nội và TP.HCM, trước khi triển khai thương mại hóa dịch vụ 5G vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, thay vì triển khai đồng thời trên diện rộng như công nghệ 4G trước đây, Viettel dự kiến sẽ tập trung triển khai mạng 5G ở những địa bàn có lưu lượng sử dụng cao, chủ yếu là các thành phố lớn, trước khi mở rộng ra các địa bàn khác.
Các chuyên gia cũng cho rằng không chỉ giá dịch vụ 5G chắc chắn sẽ rất cao so với 4G, giá thiết bị đầu cuối sử dụng dịch vụ 5G cũng còn đắt nên chưa thể triển khai đại trà, phát triển ở quy mô khách hàng rộng được. "Để thúc đẩy các dịch vụ thông minh dựa trên nền tảng 5G, Việt Nam cần xây dựng một hệ sinh thái, đa kết nối qua đó giúp khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ, giải quyết nhu cầu của người dùng trong công việc cũng như giải trí hằng ngày" - đại diện nhà mạng MobiFone nhìn nhận.
Tuy nhiên, để 5G được thương mại hóa và trở thành dịch vụ dành cho số đông, không thể thiếu được vai trò của những thiết bị đầu cuối. Chỉ sau một thời gian ngắn đưa nhà máy vào hoạt động, đầu tháng 7-2020, tại triển lãm công nghệ "Make in Vietnam" do Bộ TT-TT tổ chức ở Hà Nội, Công ty CP nghiên cứu và sản xuất VinSmart đã công bố phát triển thành công và chính thức ra mắt mẫu điện thoại thông minh Vsmart Aris 5G.
Đây là chiếc điện thoại 5G đầu tiên do Việt Nam sản xuất, được thử nghiệm trên mạng 5G do các nhà mạng Việt Nam đang phát sóng thử nghiệm. Với chiếc điện thoại này, VinSmart trở thành công ty Việt Nam đầu tiên sản xuất thành công thiết bị đầu cuối hỗ trợ công nghệ 5G, mở ra cơ hội tiếp cận sớm các sản phẩm sử dụng được mạng 5G cho người dùng VN.
Ông Nguyễn Phi Tuyến - giám đốc Trung tâm đo lường, Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) - cho biết sau nhiều lần thử nghiệm cho thấy tốc độ 5G trên điện thoại thông minh Vsmart Aris 5G sử dụng băng tần Sub6 cao gấp gần 8 lần 4G và hứa hẹn sẽ tiếp tục cải thiện khi VinSmart ứng dụng băng tần mmWave trong thời gian tới.
Ông Vũ Hoàng Liên (chủ tịch Hiệp hội Internet VN):
Mạng 5G sẽ "phủ sóng" nhanh
Mạng 5G với những ưu điểm nổi trội như tần số cao, băng thông rộng, tốc độ cao, độ trễ thấp... chắc chắn sẽ giúp người sử dụng, các dịch vụ sử dụng 5G nhanh hơn, rút ngắn thời gian. Và trong viễn thông, Internet, việc có tốc độ nhanh hơn, rút ngắn thời gian là sẽ làm giảm chi phí cơ hội, tăng hiệu quả cũng như sức cạnh tranh cho dịch vụ.
Hơn nữa, tốc độ của 5G cũng sẽ tạo điều kiện cho những dịch vụ mà với tốc độ mạng của 4G không thể triển khai được, như các dịch vụ sử dụng video, sử dụng thực tế ảo, các dịch vụ y tế và giáo dục trực tuyến, ôtô không người lái, điều khiển tự động từ xa... Đặc biệt, với thời gian và số lượng kết nối đồng thời gấp nhiều lần 4G, cho phép hàng triệu thiết bị kết nối đồng thời, 5G sẽ là công cụ để phát triển các dịch vụ và ứng dụng IoT, ứng dụng trong tự động hóa, công nghệ robot...
Theo tôi, nhu cầu 5G ở Việt Nam đã sẵn sàng, phát triển được sớm 5G là quá tốt. Tôi tin tưởng việc phát triển 5G ở Việt Nam sẽ thành công bởi đã trải qua quá trình phát triển có nhiều bước tiến mới về công nghệ, được nhiều người sử dụng đón nhận.
T.Hà ghi
Việt Nam có nền tảng tốt để phát triển mạng 5G
Theo dữ liệu của Tập đoàn Qualcomm, công nghệ 5G sẽ tạo ra giá trị kinh tế 1.000 tỉ USD trong hai năm tới và nhanh chóng đạt đến 13.200 tỉ USD vào năm 2035. Đã có hơn 60 nhà mạng triển khai thương mại công nghệ 5G, hơn 380 nhà mạng khác đang bắt đầu đầu tư vào 5G. Đến nay đã có hơn 375 thiết bị 5G được thương mại hóa và đang trong quá trình phát triển trên toàn cầu, các hãng thiết bị cũng đều ra sản phẩm hỗ trợ băng tần 5G.
Tại sự kiện Tech Summit 2020 tháng 7-2020, ông Denis Brunetti - tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào - nhận định 5G sẽ làm thay đổi tất cả các ngành nghề. Theo đó, các ngành sản xuất, nông nghiệp, thậm chí y tế sẽ thay da đổi thịt với sự xuất hiện của các robot và hệ thống 5G truyền tải thông tin. Ông Brunetti tin rằng Việt Nam đang sở hữu những yếu tố cần để phát triển khoa học công nghệ, trong đó bao gồm một nền kinh tế và chính trị ổn định.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài, ký nhiều hiệp định tự do thương mại nhất thế giới. Những yếu tố trên, cộng với mức độ phủ sóng điện thoại và mạng viễn thông ngày một cao, chính là phần nền để các công nghệ đổi mới sáng tạo, bao gồm cả 5G phát triển. "Chúng tôi tin vào viễn cảnh năm 2045, Việt Nam trở thành một nền kinh tế phát triển. Ericsson đang bắt tay cùng những doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Việt Nam để hiện thực hóa tầm nhìn này" - ông Brunetti chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận