07/12/2013 07:44 GMT+7

Mandela - Từ "kẻ gây rối" tới "người vĩ đại"

Theo TTXVN
Theo TTXVN

TT - Nelson Mandela - biểu tượng vĩ đại của phong trào chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và hòa giải thế kỷ 20, biểu tượng quốc tế về phẩm giá và sự kiên nhẫn - đã qua đời hôm 5-12 ở tuổi 95.

rhLoQkW9.jpgPhóng to
yB5BzHAZ.jpgPhóng to
Ông Nelson Mandela được thế giới ngưỡng mộ vì luôn thúc đẩy hòa giải, hòa hợp - Ảnh: Reuters

Vị tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi đã trải qua 27 năm bị cầm tù trước khi có được tự do ở tuổi 71. Ông là người dẫn dắt đất nước này vượt qua chế độ phân biệt chủng tộc hà khắc và tránh để đất nước rơi vào cuộc nội chiến đẫm máu kinh hoàng.

Là nguyên thủ, cựu võ sĩ đấm bốc, luật sư và người tù, ông ngồi ăn với công tố viên từng bỏ tù mình, ông hát quốc ca của chế độ apartheid tại lễ nhậm chức và bay quãng đường dài tới để uống trà với bà góa phụ vị thủ tướng từng bỏ tù ông. Chính nhờ tinh thần rộng lượng này mà Mandela trở thành biểu tượng thế giới về sự hi sinh và hòa giải ở thế giới luôn đầy rẫy xung đột và chia rẽ. Khi được hỏi làm thế nào để không rơi vào tình trạng căm ghét sau bao nhiêu tra tấn, tù đày, ông nói: “Thù ghét che mờ tâm trí. Nó ảnh hưởng tới chiến lược của ta. Lãnh đạo thì không thể thù ghét được”.

Những cái tên cuộc đời

Mandela được người ta gọi với nhiều tên. Tổng cộng trong cuộc đời ông đã có sáu tên gọi và mỗi cái tên gắn liền với một giai đoạn đáng nhớ trong cuộc đời ông. Những cái tên này còn thể hiện sự yêu mến và kính trọng của người dân Nam Phi đối với vị lãnh đạo kiệt xuất này.

Khi sinh ra năm 1918, ông được cha đặt tên là Rolihlahla Mandela. Trong tiếng Xhosa, một trong những ngôn ngữ chính của Nam Phi, “Rolihlahla” có nghĩa “bẻ một cành cây”. Nói một cách thông thường hơn, nó có nghĩa “kẻ gây rối”.

Ngày nay, người ta biết nhiều đến ông với cái tên Nelson Mandela. Theo thông tin trên trang web của Quỹ Nelson Mandela, tên Nelson được cô giáo Mdingane đặt cho ông vào ngày đầu tiên ông đến trường tiểu học ở làng Qunu. Tuy nhiên, không ai rõ vì sao cô giáo lại chọn cái tên đó cho ông. Vào những năm 1920, người ta có thói quen đặt tên tiếng Anh cho trẻ em châu Phi để những quan chức thuộc địa người Anh dễ phát âm.

Còn tại Nam Phi, Mandela thường được gọi bằng tên Madiba. Đây là tên của tù trưởng bộ lạc Thembu, người đã thống lĩnh vùng Transkei ở phía đông nam Nam Phi vào thế kỷ 19. Cách gọi Madiba thể hiện sự kính trọng và mến mộ ông Mandela.

Mandela còn được coi là người khai sinh ra nền dân chủ ở Nam Phi. Vì vậy ông cũng được nhiều người gọi với cái tên đơn giản là “Tata”, trong tiếng Xhosa có nghĩa là “người cha”.

“Khulu” là một cái tên khác theo ngôn ngữ Xhosa mà ông được gọi. “Khulu” là từ đọc tắt của “uBawomkhulu”, có nghĩa là “người ông”. Từ này còn có nghĩa là “vĩ đại, tối cao, hùng vĩ”.

Kiên cường và vị tha

Ông bắt đầu tham gia chính trị năm 1942, đến năm 1944 ông tham gia Đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) và giúp thành lập Liên đoàn thanh niên ANC.

Việt Nam gửi điện chia buồn tới Cộng hòa Nam Phi

TT - Được tin ngài Nelson Mandela - nguyên chủ tịch Đảng Đại hội dân tộc Phi, nguyên tổng thống Cộng hòa Nam Phi - đã từ trần ngày 5-12, hôm qua Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi điện chia buồn đến Chủ tịch Đảng Đại hội dân tộc Phi, Tổng thống nước Cộng hòa Nam Phi Jacob Zuma.

Điện chia buồn có đoạn viết: “Nelson Mandela là người con ưu tú, người chiến sĩ kiên cường, lãnh tụ kiệt xuất của nhân dân Nam Phi, người đã dành cả cuộc đời mình và đã có những cống hiến hết sức to lớn cho cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Phi và nhân dân thế giới chống áp bức, bất công và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, vì tự do, công lý, bình đẳng và tiến bộ xã hội.

Chúng tôi xin gửi tới Đảng Đại hội dân tộc Phi, Nhà nước và nhân dân Nam Phi cũng như gia quyến cựu tổng thống Nelson Mandela lời chia buồn sâu sắc nhất. Chúng tôi tin tưởng rằng nhân dân Nam Phi sẽ biến đau thương thành sức mạnh đoàn kết, đưa Nam Phi vượt qua mọi thử thách và tiếp tục đạt nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp phát triển đất nước”.

Năm 1961, ông tổ chức ba cuộc đình công toàn quốc cho công nhân. Ông bị bắt năm 1962 vì tổ chức các cuộc đình công này và bị tuyên án 5 năm tù. Năm 1963, ông lại bị đưa ra tòa. Sau đó, ông và 10 lãnh đạo ANC bị tuyên án tù chung thân vì các tội chính trị.

Mandela vào tù ở đảo Robben năm ông 44 tuổi và ông được thả khi đã 71 tuổi. Đảo Robben nằm ngay giữa vùng nước nhiều cá mập cách Cape Town khoảng 7 hải lý. Trong nhiều thế kỷ, đây từng là pháo đài, bệnh viện thần kinh, trại phong và cuối cùng là nhà tù. Với Mandela và những tù nhân khác, chuyến đi với những tên lính bày trò bằng cách tè từ trên cao xuống các tù nhân phía dưới. Với Mandela và nhiều người khác, đảo Robben là trường đại học mà trong các cuộc tranh luận của họ bàn đủ thứ từ các học thuyết cho đến đủ thứ khác. Ở đây, Mandela cũng học ngôn ngữ của người da trắng, rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, thuyết phục và thương thuyết. Không chỉ các nhóm tù nhân mà ngay kể cả quản tù da trắng cũng bị ông thu phục.

Với sức ép từ cộng đồng quốc tế và cả trong nước, Chính phủ Nam Phi đã đàm phán nhiều lần với Mandela trong nhiều năm nhưng bất thành. Đến khi ông Botha bị đột quỵ và ông Frederik Willem de Klerk lên thay, ông Mandela mới được trả tự do vào ngày 11-2-1990. Tổng thống De Klerk cũng hủy bỏ lệnh cấm ANC hoạt động, bãi bỏ các giới hạn đối với các nhóm chính trị.

Năm 1993, Nelson Mandela và Tổng thống Frederik Willem de Klerk cùng nhận giải Nobel hòa bình cho những thành quả họ đã làm nhằm hướng tới việc xóa bỏ chủ nghĩa apartheid. Cuối cùng một thỏa thuận đã được đưa ra: Nam Phi tổ chức cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên vào ngày 27-4-1994.

Nelson Mandela trở thành tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi vào ngày 10-5-1994 ở tuổi 77. Còn Frederik Willem de Klerk trở thành phó tổng thống. Ở cuộc tổng tuyển cử năm 1999, ông lui về nghỉ hưu nhưng vẫn bận rộn với các hoạt động xã hội.

Theo CBC, trong một đoạn phỏng vấn hồi những năm 1990 mới được công bố gần đây, Mandela từng phát biểu: “Bây giờ tôi đang hợp tác với những người đã ném tôi vào ngục tù, xử vợ tôi, truy lùng những đứa con của tôi từ trường này sang trường khác. Tôi đang làm việc với họ. Và tôi là một trong số những người muốn nói rằng hãy để chúng tôi quên đi quá khứ và nghĩ về hiện tại”.

Theo TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên