Ngày 16-2, ông Phạm Tấn Đạo - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng - cho biết tình hình xâm nhập mặn hiện nay tương đương mùa khô năm 2022. Tuy nhiên theo ông Đạo, vào đầu tháng 2, do lưu lượng dòng chảy trên hệ thống sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long nhỏ nên nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vào các tháng mùa khô sắp tới là rất cao.
Hiện ngành nông nghiệp Sóc Trăng yêu cầu đơn vị quản lý khai thác bố trí lực lượng túc trực tại các cống xung yếu để tiến hành quan trắc độ mặn, vận hành hệ thống kịp thời khi có yêu cầu, khuyến khích nông dân sử dụng nước tiết kiệm, dịch chuyển lịch thời vụ để né mặn; khuyến cáo việc tích nước nông hộ, chuẩn bị các phương tiện lấy nước phục vụ sản xuất khi có điều kiện.
"Sóc Trăng đang theo dõi chặt chẽ các nguồn nước trên các sông, kênh rạch để điều tiết hợp lý các hệ thống công trình cung cấp nước sử dụng trong sản xuất và sinh hoạt", ông Đạo cho biết.
Còn tại Bạc Liêu, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều vừa có chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô đang diễn ra. UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng hạn hán, xâm nhập mặn năm nay dự báo tương đương mùa khô năm 2022 - 2023 và khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa ảnh hưởng tới sản xuất muối và nuôi trồng thủy sản của người dân.
Từ đó, chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phải tập trung cao độ cho công tác điều tiết nước; đồng thời yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường hằng tháng phải lấy mẫu nước mặt tại 8 điểm trên địa bàn tỉnh (đại diện cho từng vùng mặn, ngọt, lợ) để phân tích các chỉ tiêu, thông báo kết quả quan trắc này để phục vụ việc sản xuất của người dân...
Còn tại Kiên Giang, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, mặn đã lấn sâu vào các con kênh, sông nội đồng nên tỉnh đã chủ động đóng cống, đắp đập để bảo vệ mùa màng của người dân. Ở huyện An Biên, người dân sống thuận thiên với mô hình tôm - lúa thì cũng tranh thủ nổ máy bơm nước mặn vào ruộng để thả tôm.
Anh Nguyễn Văn Trãi, ở ấp Mương Chùa (xã Tây Yên A, huyện An Biên), cho biết ngày 15-2, tranh thủ con nước lớn, anh Trãi đo nồng độ mặn ở kênh Rọc Lá đạt 10 - 11‰. Với nồng độ mặn này, anh Trãi và người dân ở địa phương đã tranh thủ dùng máy bơm nước vào ruộng để bắt đầu thả nuôi tôm sú.
Ông Nguyễn Huỳnh Trung - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang - cho biết sáng 15-2, nồng độ mặn ở trạm sông Cái Lớn bắt đầu tăng và đo được 12‰; kênh Chắc Băng (huyện Vĩnh Thuận) là 13,8‰ và sông Ngã Ba Đình là 4,4‰... Dự báo từ ngày 16 đến 20-2 ở sông Cái Lớn nồng độ mặn có thể lên cao đạt khoảng 15‰.
Để chủ động phòng chống xâm nhập mặn, ngoài theo dõi diễn biến thời tiết, Chi cục Thủy lợi tỉnh phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi miền Nam vận hành cống Cái Lớn - Cái Bé, Xẻo Rô; vận hành hệ thống cống ven biển Hòn Đất - Kiên Lương.
Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với địa phương chủ động cải tạo các cống sử dụng cửa van vận hành tự động theo thủy triều thành cửa van vận hành chủ động để chủ động kiểm soát nguồn nước, ngăn mặn, trữ ngọt, đảm bảo an toàn cho việc gieo trồng và thu hoạch vụ lúa đông xuân 2022 - 2023 của người dân địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận