Trạm xăng dầu K22 tại địa chỉ 502 Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) đã không còn xăng để bán do đại lý chưa cấp hàng (ảnh chụp chiều 22-2) - Ảnh: T.T.D.
Ở góc nhìn khác, màn kịch "hết xăng" giả tạo còn do nhiều người dân xoay xở tìm cách mua xăng tích trữ. Có thể họ lo không mua được xăng, cũng có thể họ nghĩ mua sớm có giá rẻ hơn. Nguy cơ cháy nổ cùng những hậu quả thảm khốc đáng lo hơn chuyện tạm thời thiếu xăng!
Vấn đề nóng được chúng tôi quan tâm nhất trong mấy ngày qua không phải ở số ca nhiễm COVID-19 có dấu hiệu tăng trở lại, mà xoay quanh câu chuyện khan hiếm xăng.
Từ cây xăng "ba ngón" hay "hết xăng, còn dầu" đến tâm lý và thói quen "ăn xổi ở thì" càng có dịp xuất hiện.
Tối chủ nhật vừa rồi, người nhà tôi ra cây xăng gần nhà (ở TP.HCM), định nạp "năng lượng" cho xe máy. Cây xăng đóng cửa bằng những tấm lưới B40 lạnh lùng, không hề có một dòng chữ nào thông báo lý do. Nhiều khách hàng chưng hửng ra về trước lối hành xử vô cảm này. Càng bực bội còn bởi không biết bao giờ cửa hàng mới hoạt động trở lại.
Khách hàng bị đối xử bất công trong một thời điểm cầu vượt quá cung. Cây xăng cũng không sợ bị khách tẩy chay khi trên quãng đường rất xa xung quanh không có cây xăng nào khác. Lợi nhuận luôn phải có trong thương mại, song nó có phải là tất cả? Nhiều cây xăng bán nhỏ giọt hoặc lẳng lặng đóng cửa chờ sau giờ điều chỉnh giá để bán xăng giá cao hơn.
Sáng đầu tuần, tôi ghé vào cây xăng trên đường Lê Văn Việt (Thủ Đức). Tại đây vẫn bán thoải mái không hạn chế, ôtô mua 500.000 đồng, anh đi xe tay ga liền kề trước tôi đổ 90.000 đồng vẫn được nhân viên vui vẻ đáp ứng.
Hầu hết cây xăng của các công ty lớn đều không có cảnh đóng cửa nghỉ bán. Hết xăng, đóng cửa chỉ có ở những nơi lừa dối khách hàng, khiến "thượng đế" rơi vào cảnh phải chờ ban phát, cầu cạnh. Nếu tạm thời thiếu xăng, cây xăng cần thông báo rõ cho khách biết lý do, đó là cách vui lòng khách đến vừa lòng khách đi.
Bắt chẹt, đưa khách hàng vào thế bí bách cũng là biểu hiện của lối làm ăn "bóc ngắn cắn dài". Không phải vô cớ khiến anh shipper Bùi Văn Thương (47 tuổi) bức xúc: "Tôi ghé vào cây xăng ở khu vực giáp ranh giữa Bình Dương và TP.HCM. Người bán không cần quan tâm đến yêu cầu mua 100.000 đồng của tôi, cứ bình thản bấm số 40.000 đồng. Tôi năn nỉ mua thêm chẳng khác gì "xin" mà vẫn không thể thay đổi".
Những nhân viên giao hàng chuyên nghiệp như anh mỗi ngày phải chạy hàng trăm cây số, sẽ phải bao nhiêu lần đổ xăng nếu chỉ được mua với mức "mặc định"?
Trước đó, khi người dân nhiều tỉnh, thành khác rơi vào tình trạng khó mua xăng, lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM đã nói: "Thành phố sẽ không bị thiếu xăng". Kết quả kiểm tra tại nhiều cửa hàng khi ấy cho thấy xăng vẫn còn trong bồn chứa, chưa xảy ra tình trạng thiếu xăng. Cái thiếu ở đây chính là thiếu động thái kiên quyết, thiếu thuốc "đặc trị" nạn đầu cơ, tích trữ, trục lợi trên nhu cầu và nỗi khó khăn của người dân, khi mới hớn hở được đi làm sau cả năm trời căng thẳng chống dịch.
Chính quyền vào cuộc, xử lý nghiêm minh, đến nơi đến chốn chủ cây xăng thiếu lương tâm và trách nhiệm với người tiêu dùng, mới mong câu chuyện xấu xí này không lặp lại. Cây xăng dùng chiêu bài "ngoài hết trong còn" suy cho cùng cũng không khác mấy so với hành vi buôn gian bán lận. Sau khi xăng tăng giá, nhiều cây xăng lại mở cửa bán bình thường. Vậy họ có thiếu xăng thật không?
Ai đó trục lợi trên sự khổ sở "dắt xe lòng vòng"? Ai "té nước theo mưa" để tăng giá vé xe khách, xe tải và nhiều mặt hàng khác tăng theo. Cơ chế giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu cần được "nâng cấp" hơn mới ngăn chặn được các kiểu trục lợi từ giá xăng.
Đi mua xăng kiểu... hên xui
Xăng khan hiếm đến mức nào? Cây xăng đóng cửa do hết xăng, có thật vậy không? Những điều này chủ cây xăng, các công ty xăng dầu mới biết. Và giải pháp nào để người dân có thể yên tâm sẽ có đủ xăng cho xe máy và đủ nhiên liệu cho việc tưới cây trong mùa khô sắp tới? Đó là việc bà con ở quê từ miền núi đến đồng bằng rất quan tâm.
Tình cảnh người người dắt xe đi lòng vòng kiếm chỗ mua xăng trong thành phố chưa khổ bằng tình cảnh dân vùng núi đi hàng chục cây số đường đèo dốc đến nơi không mua được xăng hoặc chỉ mua được vài mươi ngàn. Người ở quê lâu nay vẫn hay đem can mua xăng (nếu không tiện đường ra cây xăng lớn). Thêm lý do nữa là cây xăng ở quê hầu hết của tư nhân, mùa này họ bán hay không bán cũng... tùy hên xui.
MINH ĐỨC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận