13/07/2013 09:03 GMT+7

Màn kịch đấu thầu

 LÊ KIÊN
 LÊ KIÊN

TT - Chắc hẳn nhiều người sẽ không cảm thấy lạ khi nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vạch mặt màn kịch trong việc tổ chức đấu thầu, thực hiện các dự án có vốn ngân sách nhà nước khi ông chỉ rõ tình trạng thông thầu, cố tình dây dưa, chờ đội giá, đẩy giá công trình… và khẳng định: “Tham nhũng, tiêu cực là ở đây”.

Không lạ, bởi có thể ai cũng biết tình trạng này phổ biến đến mức nào, làm ngân khố quốc gia mất mát cả ngàn tỉ đồng ra sao. Không lạ, nhưng mà “rất đau” - Chủ tịch Quốc hội nói - vì “nhìn thấy đó mà không bắt được”!

Ông Hùng bức xúc đặt câu hỏi: “Các đồng chí tìm xem có dự án, công trình nào mà không đội giá? Họ cứ bỏ thầu thấp để trúng thầu, sau đó kéo dài thời gian triển khai dự án để điều chỉnh, đội giá lên vùn vụt. Nhưng việc đó lại đúng luật, không bắt được. Vậy là luật đúng hay luật dở?”. Không dừng lại ở đó, Chủ tịch Quốc hội còn hỏi Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông rằng “có đúng không?” và lập tức tự trả lời: “Các đồng chí biết hết các mánh lới ấy rồi, vậy thì điều chỉnh vào luật đi”!

Các màn kịch trong đấu thầu thường lặp đi lặp lại là “đi đêm”, chạy thầu, thông thầu, bỏ giá thấp để trúng thầu bằng được. Sau đó khi triển khai dự án thì xin điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, dây dưa trong thi công, rồi lấy lý do điều chỉnh tỉ giá, lạm phát... để đề nghị nâng tổng mức đầu tư. Chủ tịch Quốc hội nói: “Đố các đồng chí tìm xem có công trình giao thông nào mà không đội giá?”. Thực tế cho thấy nhiều công trình đội giá hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng, thậm chí có dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư so với ban đầu hàng chục ngàn tỉ đồng. Vừa rồi, chỉ với một động thái yêu cầu các chủ đầu tư rà soát thiết kế, đề xuất giải pháp kỹ thuật thích hợp thì với ba tuyến cao tốc là Bến Lức - Long Thành, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Hà Nội - Hải Phòng, Bộ Giao thông vận tải đã giúp tiết kiệm được gần 15.000 tỉ đồng vốn đầu tư...

“Tôi không đồng ý điều chỉnh giá. Giá trúng thầu ban đầu phải là giá cuối cùng” - Chủ tịch Quốc hội nói như ra lệnh cho cơ quan soạn thảo Luật đấu thầu (sửa đổi). Thứ trưởng Cao Viết Sinh phân bua muốn đấu thầu trọn gói, một giá thì tình hình kinh tế vĩ mô phải ổn định, lạm phát phải thấp, tỉ giá ít biến động... nhưng Chủ tịch Quốc hội không chịu: “Ông phải tính hết vào. Dự án một trăm tỉ đồng, khi đấu thầu thì ông cho rủi ro lên một trăm mười tỉ đi. Lạm phát cũng tính được chứ. Còn nếu dự án triển khai chậm do lỗi của ông nào thì ông đó phải chịu, ví dụ ông giải phóng mặt bằng chậm thì ông phải bỏ tiền ra đền”.

Hi vọng những phân tích, kiến giải, yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội sẽ đi vào dự luật đấu thầu (sửa đổi) bằng những điều khoản chặt chẽ, mạch lạc để chấm dứt các màn kịch trong bóng tối đầy tội lỗi ấy. Nhưng hoạt động đấu thầu chỉ có thể thật sự công khai, minh bạch, khách quan khi nào chấm dứt được tình trạng đấu thầu chỉ có 2 bên hoặc 2,5 bên (chủ đầu tư và nhà thầu, hoặc chủ đầu tư cộng tư vấn thuộc chủ đầu tư một bên và nhà thầu một bên). “Trong khi xu hướng quốc tế là đấu thầu kiểu ba, bốn bên hoặc nhiều bên, tách bỏ hoàn toàn việc tương tác trực tiếp chủ đầu tư - nhà thầu trong đấu thầu, chuyển đấu thầu về những cơ quan độc lập như trung tâm dịch vụ đấu thầu, sàn giao dịch đấu thầu. Nếu Luật đấu thầu của chúng ta vẫn chỉ quẩn quanh phục vụ đấu thầu 2 bên, 2,5 bên như dự thảo luật thì không thể xử lý dứt điểm, căn cơ được những tiêu cực như thông thầu, quân xanh - quân đỏ, lobby, “đi đêm”...” - một đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cảnh báo.

 LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên