Cứ vào thời điểm tháng 5, tháng 6, người Việt lại cảm thấy hào hứng khi được thưởng thức thứ quả một năm chỉ có một mùa đó là quả mận. Trái cây có trong mùa hè rất phong phú, nhiều hương vị khác nhau nhưng hiếm có loại quả nào được lòng người như trái mận. Ngoài ghi điểm vì mùi vị chua chua, ngọt ngọt dễ ăn, quả mận còn được yêu mến vì rất nhiều lợi ích tuyệt vời đã được cả đông y lẫn tây y công nhận.
Theo nghiên cứu khoa học, quả mận giàu chất xơ, ít calo, ít đường, chứa nhiều axit amin như asparagin, glutamine, glycine, serin, alanin, đường, acid hữu cơ, vitamin C... chính vì vậy, chúng rất tốt cho xương khớp, giúp cải thiện trí nhớ, hỗ trợ tiêu hóa, bảo vệ tim mạch và cải thiện thị lực.
Còn trong Đông y, quả mận vị ngọt, chua, tính ấm, đi vào hai kinh can và thận có tác dụng thanh can, điều nhiệt, giải độc, hoạt huyết, sinh tân, chỉ khát, lợi thủy, chữa đái đường, bụng tích nước, bệnh gan, thủy thũng.
Bàn giải về trái mận, lương y Bùi Hồng Minh (Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) cho hay: "Trái mận rất phổ biến trong mùa hè, là món ăn vặt hàng ngày rất ngon. Ngoài ra, bộ phận lá, rễ hay thậm chí quả mận cũng có thể dùng để điều chế thành những bài thuốc, món ăn hỗ trợ điều trị một số bệnh vặt. Tuy nhiên, khi thực hiện cần tuân thủ theo liều lượng của bác sĩ Đông y".
Một số món ăn/bài thuốc trị bệnh từ quả mận:
- Hạ sốt, trị ho: Dùng 8-12g lá mận phơi khô, đem sắc uống.
- Hỗ trợ điều trị tiểu đường: 5 lạng mận tươi còn hơi xanh, sửa sạch, bỏ hạt, ép lấy nước uống. Mỗi ngày uống 3 lần, sau khi ăn no sẽ giúp giảm đường huyết.
- Trị vết đốt côn trùng: Dùng hạt mận giã nát đắp vào vết thương bị côn trùng cắn, để 5 phút sau đó đem rửa sạch vết thương.
- Trẻ em bị mụn nhọt: Sử dụng rễ mận được nghiền thành bột, rắc vào mụn nhọt.
- Đau nhức răng: Dùng 30g rễ mận sắc với 100ml nước, đem ngậm trong 5 phút mỗi sáng sẽ giúp cải thiện tình trạng nhức răng.
- Cải thiện tiêu hóa: Dùng 10g hạt mận, 10g đào nhân, 10g hạnh nhân đem sắc cùg 700ml nước. Sắc còn 250ml thì chia làm 2 lần, uống trong ngày.
- Trị nám da: Hạt mận nghiền thành bột mịn, trộn cùng lòng trắng trứng. Đem đắp mỗi ngày 1-2 lần, sau 1 tuần sẽ có hiệu quả.
Mận rất ngon nhưng coi chừng ôm họa khi ăn nhiều
- Gây nóng trong: Theo Đông y, mận tính ấm, vì vậy nếu ăn nhiều có thể gây ra các hiện tượng nóng trong, nhiệt miệng, mụn nhọt... Đặc biệt, bà bầu càng nên tránh ăn nhiều mận vì dễ bị nóng, phát ban, không tốt cho sức khỏe của mình và thai nhi.
- Hại dạ dày: Mận là loại quả có vị chua, chứa hàm lượng axit cao vì thế nếu ăn nhiều có thể ảnh hưởng đến dạ dày, có thể gây viêm loét dạ dày. Vì thế đối tượng đang mắc bệnh dạ dày được khuyến cáo không nên ăn nhiều mận vì sẽ làm bệnh tình thêm trầm trọng. Trẻ em ăn nhiều mận cũng không tốt vì có thể ảnh hưởng đến men răng.
- Hại thận: Quả mận chứa nhiều oxalate, chính vì thế nếu ăn nhiều có thể cản trở quá trình hấp thụ canxi của cơ thể, dẫn đến hiện tượng kết tủa trong thận, đây là nguyên nhân chính gây sỏi thận và sỏi bàng quang.
- Giảm tác dụng của thuốc: Dù chứa nhiều dinh dưỡng, xong các chuyên gia Đông y nhận định quả mận có thể ảnh hưởng đến tác dụng của một số loại thuốc khi ăn nhiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận