28/05/2017 08:30 GMT+7

Mầm xanh mới - tình yêu đất liền gửi đảo Phan Vinh

LÊ ĐỨC DỤC - MINH LUẬN - KHƯƠNG XUÂN
LÊ ĐỨC DỤC - MINH LUẬN - KHƯƠNG XUÂN

TTO - Hơn 100 cây tra, cây đa đã được trồng trên đảo Phan Vinh (thuộc quần đảo Trường Sa) sáng 27-5 trong chương trình “Trường Sa xanh” do Quân chủng hải quân, báo Tuổi Trẻ và Bệnh viện Quân y 175 tổ chức.

Các chiến sĩ đảo Phan Vinh mang vào đảo những cây con do đoàn công tác của Quân chủng hải quân, báo Tuổi Trẻ và Bệnh viện Quân y 175 đưa từ đất liền ra - Ảnh: Hữu Khoa
Các chiến sĩ đảo Phan Vinh mang vào đảo những cây con do đoàn công tác của Quân chủng hải quân, báo Tuổi Trẻ và Bệnh viện Quân y 175 đưa từ đất liền ra - Ảnh: Hữu Khoa

Những mầm xanh mới trồng là tình yêu mà đất liền gửi đến đảo Phan Vinh yêu dấu. Số cây này được đóng góp bởi bạn đọc báo Tuổi Trẻ trên mọi miền Tổ quốc với mong muốn biến Phan Vinh thành hòn đảo xanh mát, thấm đẫm tình yêu từ đất liền.

Cùng với lễ trồng cây tại đảo Phan Vinh, báo Tuổi Trẻ đã tổ chức lễ trao đất thiêng cho Trường Sa. Hồn đất quê nhà đã được trao và hòa lẫn đất Trường Sa. Nó sẽ là nơi để cây tra, cây đa, bàng vuông bám rễ vươn lên xanh tốt.

Mầm xanh hôm nay gieo trồng nơi đảo Phan Vinh rồi đây sẽ thành cây rợp bóng mát, thành rừng xanh tươi. Cách đây hai ngày, chúng ta khánh thành Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa, công trình như một biểu tượng về sự sống Trường Sa. Sức sống Trường Sa củng cố thêm tương lai Trường Sa đầy nhựa sống - Nhà báo Đà Trang

Hồn đất quê nhà

Giữa đảo Phan Vinh - hòn đảo mang tên người anh hùng của đoàn tàu không số năm xưa - chỉ có những loại cây như cây tra, phi lao, bàng vuông, muống biển mới có thể đứng vững trước sóng gió bão giật, vị mặn chát của nước biển.

Kiên cường và ý chí như những người chiến sĩ ngày đêm bám biển, hơn 100 cây tra, cây đa đã được vận chuyển từ đất liền ra đảo.

Ngày 27-5, nhà báo Dương Đức Đà Trang - phó tổng thư ký tòa soạn, trưởng đoàn công tác báo Tuổi Trẻ - đã trao những thùng đất thiêng cho thượng tá Ngô Đình Xuyên - đảo trưởng đảo Phan Vinh.

Những giọt nước mắt lăn dài trên má nhiều thành viên đoàn công tác bởi giây phút xúc động khi nhìn thấy những nắm đất quê nhà hòa lẫn với đất nơi đảo xa muôn trùng sóng gió.

Nhà báo Đà Trang chia sẻ: “Chúng ta có mặt ở đây để cùng nhau thực hiện một nghi thức có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Không đơn thuần chỉ là một lễ trồng cây như bao lễ trồng cây khác. Hôm nay, ngày 27-5, Quân chủng hải quân, báo Tuổi Trẻ và những người bạn đồng hành cùng đoàn công tác số 15 chính thức trao gửi hồn đất quê nhà tới Trường Sa.

Một chương trình mà báo Tuổi Trẻ đã phát động và thực hiện rộng khắp dải đất hình chữ S hướng tới hải trình. Đất thiêng này là đất tổ vua Hùng, từ Lũng Cú địa đầu Tổ quốc, từ Điện Biên Phủ oai hùng, từ lăng Bác anh linh, nay đất mẹ quê nhà hòa đất hải đảo tiền phương.

Hồn cốt quê nhà hòa vào hồn cốt Trường Sa để góp phần xanh hóa quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Phó giáo sư Lê Thị Thu Thủy - phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội - không ngăn được những giọt nước mắt khi cầm nắm đất để trồng cây tra tại đảo Phan Vinh.

Bà Thủy cho biết bà có thể dễ dàng đến nhiều nơi trên thế giới nhưng đến Trường Sa thì không đơn giản. Với bà, nếu để đánh đổi, bà có thể đánh đổi mọi chuyến đi để một lần đặt chân đến Trường Sa.

“Trồng cây trên đảo Trường Sa thể hiện sự gắn kết giữa đất liền với hải đảo xa xôi. Điều đó còn muốn nói rằng đất mẹ luôn ở bên các chiến sĩ Trường Sa. Đây là lần đầu tiên tôi được đặt chân đến đảo Phan Vinh, đến Trường Sa, khi may mắn là khách mời của báo Tuổi Trẻ trong hành trình này.

Tôi thật sự xúc động khi đứng đây, trồng những cây xanh bằng những nắm đất lấy từ nơi linh thiêng của Tổ quốc” - bà chia sẻ.

Những cây con được đoàn công tác báo Tuổi Trẻ trồng trên đảo Phan Vinh, rồi đây cây xanh sẽ tỏa bóng tốt tươi trên hòn đảo tiền tiêu này - Ảnh: Minh Luận
Những cây con được đoàn công tác báo Tuổi Trẻ trồng trên đảo Phan Vinh, rồi đây cây xanh sẽ tỏa bóng tốt tươi trên hòn đảo tiền tiêu này - Ảnh: Minh Luận

 

Sinh sôi nảy nở

Thượng tá Phạm Văn Thường - chính trị viên đảo Phan Vinh - cho hay từ một hòn đảo chỉ trắng xóa màu cát và san hô, mấy năm nay đã có hàng ngàn cây xanh được vận chuyển từ đất liền ra đảo để phủ xanh hòn đảo xinh đẹp này.

Thượng tá Thường nói sau hơn hai năm đã có 1.300 cây xanh được trồng mới trên đảo Phan Vinh, vì thế đến nay ra đảo ai cũng có thể cảm nhận được màu xanh mát nơi đây. Cây được trồng vào hai thời điểm, đầu năm và đầu mùa mưa tầm tháng 5, tháng 6 hằng năm.

Những cây được trồng chủ yếu là cây tra, bàng vuông, phi lao. Cây tra không những là cây cho bóng mát mà quả của nó còn rất ngon nên chiến sĩ thường gọi là cây nho biển. Quả tra có thể ngâm làm sirô, uống chẳng khác gì nước nho.

Những chỗ không trồng được cây cao phải trồng cây muống biển để tạo màu xanh. Đã có ba bao tải cây muống biển được vận chuyển từ đảo Trường Sa Lớn đến Phan Vinh để nhân giống. Đến nay, sau ba năm, tại đảo Phan Vinh đã có hơn 1.000m2 đất được cây muống biển phủ mát.

Tận tỉnh Bến Tre xa xôi cũng chuyển ra đảo Phan Vinh cây dừa con để trồng trên đảo. “Những cây tra, cây đa được báo Tuổi Trẻ mang từ đất liền ra đảo lần này có ý nghĩa, tinh thần to lớn bởi được trồng bằng hồn đất quê hương, góp thêm vào sự tươi tốt của Phan Vinh” - thượng tá Thường nói.

Đi dọc đảo Phan Vinh xinh đẹp, đâu đâu cũng thấy một màu xanh mát mà cây tra, cây bàng vuông tỏa bóng. Thấp hơn nữa là rau muống, rau cải, bầu bí... do chiến sĩ trên đảo tăng gia sản xuất để đảm bảo lương thực hằng ngày.

Giữa mảnh đất mà toàn san hô trắng xóa, những quả bầu, bí dài nửa mét thả lủng lẳng khắp lối đi mới thấy sự sống nơi đây sao mà sinh sôi nảy nở đến vậy.

Chiến sĩ Đặng Tấn Đơn, quê ở Phú Yên, cho biết anh ra đảo đã 10 tháng nhưng chưa khi nào thấy buồn bởi trong tim luôn tràn đầy niềm tự hào và tình yêu Tổ quốc.

Đơn chia sẻ: “Khi nhập ngũ, tôi đã xung phong xin đi Trường Sa vì nghĩ rằng nếu được góp một phần công sức nhỏ bé để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc thì đó là điều tuyệt vời nhất mà tôi có thể làm được. Dù Trường Sa rất xa xôi nhưng nơi đây vẫn có hơi ấm đất liền bên cạnh”.

Cùng ngày 27-5, đoàn công tác báo Tuổi Trẻ đã chuyển nhiều phần quà của bạn đọc báo Tuổi Trẻ đến chiến sĩ hai đảo Phan Vinh và Tốc Tan.

Từ ngày 22 đến 31-5, nhân chuyến thăm và khánh thành Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa, thực hiện hành trình “Hồn đất quê nhà gửi Trường Sa”, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Quân chủng hải quân, Bệnh viện Quân y 175 đã chuyển hơn 500 cây tra, cây bàng vuông, cây dừa... nhằm góp phần phủ xanh các đảo Trường Sa Lớn, Đá Tây A, Phan Vinh với tổng kinh phí khoảng 80 triệu đồng.

Chương trình “Trường Sa xanh” do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Bộ tư lệnh Quân chủng hải quân thực hiện từ năm 2013 đến nay đã trồng hàng ngàn cây xanh trên nhiều đảo ở huyện Trường Sa với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng. Toàn bộ kinh phí thực hiện chương trình do bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp.

Thư từ Điện Biên đến Tốc Tan A

13h chiều 27-5, đoàn công tác ghé thăm đảo Tốc Tan A. Khi các chiến sĩ đang chuẩn bị áo phao, xuồng CQ chở đoàn từ tàu HQ996 vào đảo thì trời đổ mưa to, sóng lớn. Hơn 100 thành viên phải ở lại tàu trong tiếc nuối, những người lên xuồng CQ đạp sóng vào đảo trong cơn mưa nặng hạt.

Trao đổi với đoàn công tác, thiếu tá Hồ Anh Tuấn - chỉ huy trưởng đảo Tốc Tan A - cho biết điểm đảo này hiện gặp khá nhiều khó khăn và thiếu thốn. Hiện đảo rất thiếu nước ngọt, rau tươi. Đặc biệt, điều kiện đi thăm, tuần tra gặp nhiều khó khăn do thời tiết khắc nghiệt. Việc đi lại giữa các điểm hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết, sóng gió.

Thế nhưng nhiều năm qua, mặc dù điều kiện khó khăn như thế nhưng Tốc Tan A đã làm tốt nhiệm vụ, đồng thời chia sẻ và giúp đỡ tích cực cho ngư dân như cung cấp nước ngọt, cấp thuốc, chữa bệnh và thực phẩm khi cần.

Báo Tuổi Trẻ và đại diện đoàn công tác đã gửi tặng các phần quà là đóng góp của bạn đọc Tuổi Trẻ cho các chiến sĩ trên đảo.

Chỉ huy đảo Hồ Anh Tuấn và các chiến sĩ không khỏi xúc động khi ông Vừ A Bằng - bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) - đã trao tận tay bức thư thăm hỏi, động viên và ba bài thơ gửi gắm tình cảm từ hậu phương của cụ Phạm Đức Cư (87 tuổi, là cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954) gửi tặng chiến sĩ Trường Sa.

Ông Bằng rưng rưng nói: “Khi hay tin tôi sẽ đi Trường Sa, dù tuổi cao sức yếu nhưng cụ vẫn đến gặp và nhờ tôi mang ra đây trao tận tay các đồng chí đang làm nhiệm vụ trên đảo”.

Sau khi đọc thư, chỉ huy đảo Hồ Anh Tuấn đã gọi điện vào gặp cụ Cư, cảm ơn tình cảm sâu đậm của cụ Cư dành cho lính đảo. Sự xúc động nghẹn ngào nghe rõ trong sóng điện thoại nối bờ và đảo xa.

LÊ ĐỨC DỤC - MINH LUẬN - KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên