21/01/2021 14:11 GMT+7

Mâm Tết nhà tôi: Thèm bữa cơm khổ qua dồn thịt 'made by mẹ'

CẨM TÚ BEE
CẨM TÚ BEE

TTO - Nhật Bản. Một ngày mùa đông. Chợt thèm tô canh khổ qua ấm nóng. Ở Nhật chỉ có mùa hè giá khổ qua mới trở nên "dễ chịu" một chút, tầm 30.000 đồng/trái. Cuộc sống bận rộn và hối hả, một bát canh khổ qua nhồi thịt càng trở nên quý giá hơn.

Mâm Tết nhà tôi: Thèm bữa cơm khổ qua dồn thịt made by mẹ - Ảnh 1.

Khổ qua có vị đắng. Đắng từ trong hình dung. Là trái nhưng không phải trái cây. Thuộc dòng rau củ nhưng lại chẳng ai có can đảm gọi loại này là rau khổ qua hay củ khổ qua cả. Đến lạ chưa! Ngày nhỏ, tôi cũng chẳng "ưa" loại trái này. 

Đấy, vậy mà đúng thật là "ghét của nào trời trao của đó". Là vào khoảng thời gian tôi bắt đầu vào đại học, cũng là khoảng thời gian đầu tiên sống xa nhà. Một ngày cuối tuần bố đón tôi về nhà từ ký túc xá, cửa nhà vừa mở là tôi "sà" vào mâm cơm nóng hổi ngay. Cũng là lần đầu tiên bị cái đói quay quắt quay mình vòng vòng đến "cao hứng" chạm vào món canh khổ qua nhồi thịt. 

"Ơ? Ngon nhỉ! Lại còn không đắng nữa" - là cảm giác của tôi lúc ấy. 

Và từ đó trở đi, canh khổ qua nhồi thịt biến thành món khoái khẩu của tôi. Nhưng kèm theo điều kiện, phải do chính tay mẹ tôi nấu. 

Mẹ tôi, cũng chẳng hiểu tại sao cứ gọi món này là "ổ hoa" thay vì "khổ qua". Ngày nhỏ khi nghe mẹ gọi như thế, cũng không lấy làm thắc mắc. Vì ở hình dạng lát cắt, khoanh khổ qua tròn ủm kia thấy cũng giống hình bông hoa thiệt. 

Sau này tôi mới biết phải gọi là "khổ qua" chứ không phải "ổ hoa", hoặc gọi khổ qua với tên gọi khác là mướp đắng. Song, vì mẹ nấu ngon nên thôi, mẹ thích gọi gì thì tôi cũng chiều mẹ. Cả nhà cũng chiều mẹ. Chỉ mình mẹ giữ nguyên vẹn món "ổ hoa" mà có lẽ không phải người trong gia đình tôi, nghe vô sẽ thấy ngờ ngợ.

Nồi canh "ổ hoa" "made by mẹ" thoạt nhìn cũng không khác bình thường là mấy. Nhưng chỉ tôi mới biết độ mềm giòn của lớp vỏ và mùi thơm nức mũi của lớp nhân bên trong đặc biệt như thế nào. Bởi lớp nhân đó không được dậy lên lớp mùi nguyên thủy của thịt! 

Tôi không thích mùi nguyên thủy của thực phẩm. Với cá là mùi tanh. Và với thịt là mùi thịt sống. Dù là loại thịt nào đi chăng nữa, nếu chế biến không kỹ sẽ để lại mùi này. Và đó là thứ có thể khiến tôi lập tức bỏ dở bữa cơm đang ăn. 

Em gái tôi thường phụng phịu "Sao mẹ chiều chị vậy?". Đứa con gái khó tính khó nết từ thuở thiếu thời này, chỉ có bố mẹ là chiều nổi.

Mâm Tết nhà tôi: Thèm bữa cơm khổ qua dồn thịt made by mẹ - Ảnh 2.

Ngoài ăn sống, ép lấy nước, nấu canh, khổ qua còn có thể xào làm món ăn trị bệnh

Từ bữa cơm cuối tuần thời đại học của tôi, "ổ hoa" được thăng cấp thành món chính của ngày mùng 1 Tết. Tết mà. Ăn khổ qua cho những cái "khổ" nó "qua" đi, để đón sung túc tới. Tết, bên cạnh khổ qua có thêm nồi thịt kho trứng "made by mẹ" nữa. 

Thớ thịt kho thơm nồng và thanh ngọt bởi được hầm với nước dừa tươi. Trứng gà cũng phải chiên sơ cho lớp vỏ giòn "sực sực", cắn vào béo béo. Là trứng gà chứ không phải trứng vịt. Cũng vì có người không chịu được mùi nguyên thủy của loại trứng này. 

Một chút kim chi cải thảo su hào chua chua cay cay. Một đĩa "topping" với đầy đủ củ kiệu, củ hành, dưa món. Một nồi cơm trắng với loại gạo hơi "sang" một chút so với thông thường. Rồi cả nhà sẽ cùng nhau ăn bữa cơm "ổ hoa" đầu tiên của năm trong lúc người lớn còn vướng bận một chút lo âu về cuộc sống, về cơm áo gạo tiền của năm mới đang tới, còn những đứa trẻ thì tò mò không biết sẽ nhận được một phong bao lì xì "nặng" bao nhiêu. 

Tất cả đều tất bật trong những suy nghĩ của riêng mình nhưng vẫn lắng nghe nhau. Tôi vẫn ung dung thốt lên một câu cảm thán khai Tết: canh "ổ hoa" ngon thiệt. Nói xong lại bị mẹ vỗ cho một cái vào đâu đấy vì cả gan dám ghẹo cả "mẫu hậu".

Nhật Bản vào giữa đông, nhiệt độ bắt đầu duy trì ở 0 độ đến 1 độ. Nhưng ở Việt Nam của tôi, Tết lại sắp đến. 

Còn nhớ giờ này năm ngoái, tôi còn đang ở Nhật, háo hức mua sắm gói ghém để về nhà ăn Tết, cho cả nhà bất ngờ. Xong, vừa quay lại với công việc ở Nhật thì đại dịch hoành hành, đến giờ vẫn còn là vấn đề chưa hết nhức nhối. 

Là Tết này không được về rồi. Tết này không được ăn cơm "ổ hoa" rồi. Thêm vào đó, Nhật Bản nhiều năm nay cũng đã hòa mình vào dòng chảy chung đón Tết dương lịch cùng với các nước phương Tây chứ không còn đón Tết âm lịch như các nước phương Đông khác. 

Nghĩ tới việc không được đón Tết cổ truyền, cũng cảm thấy buồn không chỉ một tẹo. Vì tính ra thì đây có lẽ là lần đầu tiên tôi phải đón Tết xa nhà. 

Mâm Tết nhà tôi: Thèm bữa cơm khổ qua dồn thịt made by mẹ - Ảnh 3.

Khổ qua dồn thịt, sau vị đắng là ngọt lành

Mới than vài câu "sương sương", thì mẹ ngắt lời, bảo rằng thời đại phát triển rồi, đâu còn như xưa nữa. Ăn Tết online đi con! Tôi lúc đấy mới chợt như bừng tỉnh. 

Năm ngoái, cô em họ đang du học ở Anh quốc của bọn tôi không về ăn Tết được, ngày mùng 1 Tết cũng vượt qua được sự cản trở giờ giấc trái khoáy mà "ăn Tết" với mọi người. Dù màn hình chỉ là sự phản chiếu của công nghệ nhưng cảm xúc vẫn tuyệt đối rất thật. 

Bắt đầu với những câu chúc thân thuộc, những tiếng cười. Rồi tiếp tục với những giọt nước mắt nhung nhớ ở cả hai bên. Và kết thúc rôm rả bằng những câu chuyện thuật lại ký ức Tết của những năm trước như không bao giờ dứt. 

Hay như mới đây, tôi về Osaka dự đám cưới của người anh họ bên nội. Đúng ra anh chị tôi dự định về Việt Nam tổ chức tiệc mừng nhưng cũng vì lý do lớn nhất cản trở ở hiện tại nên chỉ có một lễ cưới giản dị ở nhà thờ và một bữa tiệc ấm cúng. 

Thế là tôi và người chị họ cũng ở bên này thay nhau trở thành "cameraman" tường thuật trực tiếp mọi hình ảnh từ đám cưới để quý vị phụ huynh ở nhà xem con mình "không trượt phát nào". 

Phải rồi, mẹ tôi nói đúng nhỉ. Thời buổi này, chỉ cần một kết nối mạng ổn định, những nhớ nhung không gặp được nhau trực tiếp cũng ít nhiều sẽ được xoa dịu.

Ngày trước, bước ra khỏi nhà, có bao nhiêu cực khổ, bao nhiêu ấm ức cũng chỉ cần một bữa cơm "ổ hoa" là có thể xoa dịu tất cả. 

Cao lương mỹ vị trên đời cũng không thể sánh với bữa cơm "ổ hoa" đó. Giờ đành chờ một thời thế lành lặn, để được cùng gia đình quây quần ăn một bữa cơm "ổ hoa", để có bao nhiêu khổ tới cũng qua lập tức.

banner tet_980x320

Diễn đàn "Mâm Tết nhà tôi" bao gồm các bài viết, bài dự thi của bạn đọc chia sẻ những khoảnh khắc gia đình sum vầy, giây phút thiêng liêng của lễ đoàn viên, sự nồng ấm của các thành viên gia đình, bè bạn bên mâm cỗ Tết, các món ăn "tủ" của gia đình, món ăn đặc sản quê hương... có thể không bên cạnh nhau nhưng nhờ sự kết nối công nghệ, mình có thể cùng nhau chia sẻ những giây phút ấy.

Diễn đàn do báo Tuổi Trẻ tổ chức với mong muốn lan tỏa một cái Tết đoàn viên, dù rằng ở bất kỳ nơi đâu, với sự kết nối bằng công nghệ thì "những mâm Tết xa vẫn trọn tình nhà".

Các bài viết diễn đàn vui lòng gửi về địa chỉ [email protected] từ nay đến hết ngày 20-2, mỗi bài tối đa 1.000 chữ có kèm theo hình ảnh (và video nếu có).

Các bài viết chưa tham gia bất cứ cuộc thi nào, chưa đăng ở các báo phương tiện truyền thông khác.

Bạn đọc vui lòng ghi rõ thông tin liên lạc, số tài khoản ngân hàng, số CMND để tòa soạn trả nhuận bút.

Mời bạn đọc tham gia Diễn đàn Mâm Tết nhà tôi - khi công nghệ là bàn tay kết nối Mời bạn đọc tham gia Diễn đàn Mâm Tết nhà tôi - khi công nghệ là bàn tay kết nối

TTO - Tết này nhà bạn có thịt kho hột vịt, bánh chưng, bánh tét, các loại dưa cà mắm muối hay đặc sản sơn hào nào, không khí đoàn viên quanh mâm tết ra sao... hãy cùng chia sẻ với Tuổi Trẻ qua diễn đàn Mâm Tết nhà tôi.

CẨM TÚ BEE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên