18/01/2019 08:58 GMT+7

Mâm cơm gia đình: dạy con quy tắc hội nhập trên bàn ăn

Độc giả VÕ XUÂN TIẾN
Độc giả VÕ XUÂN TIẾN

TTO - Đang sống tại Đức, độc giả Võ Xuân Tiến chia sẻ rằng, anh quan điểm bữa cơm gia đình là dịp gặp gỡ ấm cũng của cả nhà, chỉ cần vui vẻ là được. Nhưng phụ huynh cũng cần hướng dẫn để con cái hội nhập với những quy tắc ăn uống các món năm châu.

Mâm cơm gia đình: dạy con quy tắc hội nhập trên bàn ăn - Ảnh 1.

Bữa cơm gia đình ngày 30 Tết - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Thời đại bận rộn ngày nay, sáng sớm, vợ chồng con cái mỗi người một nơi, buổi trưa thì chỉ qua quýt bằng hộp cơm, tô phở. Chỉ còn có buổi chiều tối, mọi thành viên trong gia đình đều từ trường, từ công ty như những cánh chim mỏi mệt bay trở về tổ ấm gia đình. Đây là dịp hiếm hoi trong ngày để ngồi lại với nhau để cùng trao đổi, trò chuyện tâm sự về một ngày đã qua của mình. 

Theo quan niệm cá nhân của tôi, mâm cơm gia đình là lúc để mọi người kể với nhau về một ngày làm việc, học tập của mình, để cùng nhau thưởng thức những món ăn ngon mà ba mẹ, ông bà mình đã nấu cho cả gia đình. 

Do vậy, bữa cơm đó miễn là đầm ấm vui vẻ là được, đừng đặt ra quá nhiều quy tắc và làm bữa ăn thêm nặng nề: ví dụ như không được nói chuyện trong khi ăn, không được phép tạo tiếng ồn khi ăn…

Tuy nhiên, đây cũng là dịp để cha mẹ tạo cho con cái mình những thói quen tốt, những phép lịch sự tối thiểu:

• Mời người lớn trước khi bắt đầu ăn.

• Không được bới tung thức ăn để lựa miếng to nhất, ngon nhất

• Nếu không ăn được hoặc không thích ăn một thành phần nào đó trong món ăn như da gà, thì cũng nên gắp cả miếng vào chén của mình rồi loại bỏ phần không thích ra. Hoặc ngược lại nếu chỉ thích ăn da thì cũng chỉ được phép ăn miếng da dính với phần thức ăn mình đã gắp.

• Nên dùng chén nhỏ để chiết múc nước chấm ra dùng riêng.

• Nên khép miệng khi nhai, và chỉ nên nói chuyện khi đã nhai và nuốt hết thức ăn trong miệng

• Nên ăn hết cơm và thức ăn trong chén của mình, không được để mứa.

• Trẻ con nên được khuyến khích cùng dọn bàn ăn cũng như rửa chén bát sau khi ăn xong.

Nhưng khi ra ngoài, đi ăn với đồng nghiệp, bạn bè: cần chú ý về những khác biệt về vùng miền cũng như văn hóa của mỗi dân tộc.

Tôi là du học sinh châu Á ở một nước châu Âu, nên nhận thức rất rõ về sự khác biệt về văn hóa giữa các quốc gia, nhất là thói quen và cả phong cách ăn uống giữa Âu và Á. 

Ở trường TU Chemnitz có rất đông du học sinh châu Á, đặc biệt từ Trung Quốc và Ấn Độ. Do vậy nếu thường xuyên đi ăn trưa ở căn tin ở trường, bạn sẽ nhận thấy nhiều điều khác biệt. Sinh viên Trung Quốc hay chọn những món ăn có thịt, và đặc biệt rất thích thú nếu vào dịp Giáng Sinh, có cơ hội được thưởng thức món giò heo nướng theo kiểu Đức truyền thống. 

Mâm cơm gia đình: dạy con quy tắc hội nhập trên bàn ăn - Ảnh 3.

Người Việt cần học hỏi để sớm thích ứng khi dự các bữa tiệc mang phong cách nước ngoài - Ảnh: Awsome Home

Sinh viên Ấn Độ sẽ chọn những món có cà ri hoặc không có thịt heo, thịt bò. Đó là chưa kể đến xu thế hiện giờ giới trẻ Đức cố gắng hạn chế ăn thịt và ăn nhiều rau củ hơn. Do vậy, bạn có thoải mái không nếu bạn thể hiện sự khác biêt của mình trong nhóm? Bạn nên quan sát và chú ý đến những khác biệt trong văn hóa ẩm thực tại nơi mình đang sinh sống và làm việc để có thể có những ứng xử cho phù hợp.

Ngay cả ở trong nước, tôi đã được chứng kiến hoặc được nghe nhiều câu chuyện nhiều ý nghĩa sâu xa nhằm nhắc nhở chúng ta về những cư xử tế nhị trong lúc ăn uống.

Câu chuyện thứ 1: trong một buổi nhậu ở miền Tây, anh bạn đồng nghiệp của tôi đã lỡ "nhanh tay" gắp mất bộ lòng của con cá lóc, trong khi trong bàn còn có rất nhiều bậc cao niên khác. Thế là anh bị đánh giá là "hỗn hào" vì không để bộ lòng cá đó cho bậc cao niên.

Câu chuyện thứ 2: lúc tôi còn công tác tại một trường dạy nghề tại quận 7 (TP.HCM), một người thầy gốc Huế đã giải thích cách mời tăm của người Huế: vì sao không được đưa tăm xỉa răng trực tiếp, tận tay người cần dùng mà phải để xuống bàn rồi người cần dùng sẽ cầm lấy cây tăm đó, thông qua một câu chuyện của một ông quan ngày xưa, sau buổi ăn trưa đã ra võng nằm, lúc đó cô con dâu đem tăm tới mời, ông quan vội đưa tay ra nhận lấy cây tăm nhưng vì võng đang đung đưa nên ông ấy lỡ tay đụng vào bộ phận nhạy cảm của cô con dâu. Để rồi sau đó, cả hai đều cảm thấy xấu hổ và tự tìm đến cái chết.

Hoặc là ở một số địa phương, người dân quan niệm rằng cách để đôi đũa trên chén cơm thì chỉ dùng để mời người đã khuất.

Ra nước ngoài, tôi học được thứ tự ăn các món ăn như ăn salad hoặc chén súp nhỏ trước khi vào món chín, hoặc sau đó sẽ được tráng miệng bằng trái cây hoặc bánh ngọt.

Việt Nam ngày càng hòa nhập với thế giới. Ngay ở Sài Gòn, chúng ta có thể thưởng thức mọi loại thức ăn từ sushi, hot-pot đến pizza, risotto, xúc xích, bia đủ loại. Thiết nghĩ việc tự tìm hiểu và làm giàu thêm cho mình kiến thức ẩm thực: từ món ăn đến cách thức ăn như thế nào cho đúng đối với từng món, cách dùng đũa, dùng dao nĩa như thế nào cũng là việc nên làm. 

Đừng quên tận dụng cơ hội để hướng dẫn cho con cái các bạn để một ngày nào đó, khi chúng lớn lên, chúng sẽ tự tin hòa mình vào một thế giới phẳng và ngày càng phẳng hơn nữa.

Bạn nghĩ sao về những quy tắc trên mâm cơm Việt? Mời bạn chia sẻ ý kiến trong phần Bình luận cuối bài viết, hoặc gửi bài về email [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

Quy tắc trên mâm cơm Việt: có phải phú quý sinh lễ nghĩa?

TTO - "Bữa cơm của tôi chỉ mất… 3 phút, mỗi người một tô, ai đói thì ăn trước. Để nhớ, làm được hết mớ quy tắc được chia sẻ mới đây, bữa ăn chắc cần 3 tiếng mới đủ", một người nêu ý kiến.

Độc giả VÕ XUÂN TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên