Các mầm bệnh cổ đại bị chôn sâu dưới lớp băng vĩnh cửu hàng ngàn năm qua. Tuy nhiên biến đổi khí hậu đang làm tan băng vĩnh cửu với tốc độ ngày một nhanh, khiến giới khoa học lo ngại các mầm bệnh theo đó mà thoát ra ngoài.
Theo trang Scitech Daily, một nghiên cứu toàn cầu về các mầm bệnh cổ đại có nguy cơ tái xuất được tiến sĩ Giovanni Strona (thuộc Trung tâm nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu) và giáo sư Matthew Flinders Corey Bradshaw (từ Đại học Flinders ở Úc) thực hiện.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS Computational Biology. Trong đó, các nhà nghiên cứu đã nỗ lực định lượng các mối đe dọa từ việc giải phóng các vi khuẩn cổ.
Thông qua các thí nghiệm mô phỏng kỹ thuật số, trong đó mầm bệnh từ quá khứ xâm chiếm các cộng đồng vật chủ giống vi khuẩn, nhóm đã so sánh tác động của những mầm bệnh này đối với sự đa dạng của vi khuẩn chủ, sau đó so với các cộng đồng không bị mầm bệnh cổ xâm lấn.
Nhóm phát hiện ra trong các mô phỏng, mầm bệnh cổ đại có thể sống sót và phát triển trong thế giới hiện đại. Thậm chí, khoảng 3% mầm bệnh còn chiếm ưu thế trong môi trường mới.
Khoảng 1% trong số mầm bệnh đó cho thấy tầm nguy hại khó đoán trước. Một số mầm bệnh khiến 1/3 số loài vật chủ chết, trong khi một số khác làm tăng tính đa dạng sinh học lên tới 12%.
Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù những rủi ro do 1% mầm bệnh được giải phóng này có vẻ nhỏ, nhưng xét đến số lượng lớn vi khuẩn cổ đại thường xuyên được giải phóng vào môi trường sống của chúng ta, chúng có nguy cơ gây ra những đợt bùng phát dịch bệnh nguy hiểm.
Do đó, giới khoa học nói riêng và nhân loại nói chung cần quan tâm nghiên cứu cách ngăn chặn nguy cơ ấy ngay từ bây giờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận