Khách đến với mâm bánh mì cụ Lý thường là người đi làm, dân văn phòng, học sinh, sinh viên cần món ăn sáng đủ no.
Nhưng cũng có người ghé lại chỉ để mua riêng các loại chả, nguyên liệu khiến cho ổ bánh mì ở đây trở nên đặc biệt.
Mâm bánh mì vỉa hè bán 500 ổ mỗi sáng, hết sớm về sớm
Chưa đến 6h sáng của một ngày cuối tuần, nhiều người dân Sài Gòn đã có mặt tại vỉa hè đường Hai Bà Trưng, quận 3, TP.HCM chờ mua bánh mì cụ Lý.
Khoảng hơn 6h15, anh Nguyễn Hoàng Quốc Thiện, chủ của bánh mì cụ Lý, dọn mâm tre, phủ sẵn lá chuối và bày biện các loại chả để bắt đầu bán.
Một vị khách nữ tuổi trung niên cảm thán: "Hơi đông, chờ chắc lâu!".
Chủ quán vừa làm thoăn thoắt vừa "trấn an" khách: "Từ từ, đợi xíu nha, người đẹp".
Mâm bánh mì cụ Lý có lẽ đã quen thuộc với những người sống ở Sài Gòn nhiều năm. Bởi quán đã tồn tại hơn 70 năm giữa Sài Gòn với bao thăng trầm của thời cuộc.
Cụ Lý vốn là người gốc Bắc. Lúc trước, cụ bán ở hẻm 191 Hai Bà Trưng gần 60 năm. Anh Thiện là đời thứ ba tiếp nối nghề bán bánh mì.
Anh bảo: "Cụ Lý là ông của tôi. Sau đó tới chú của tôi bán, ổng bán được vài năm rồi nghỉ.
Sau này, đến lượt tôi bán. Tôi bán ở đây được gần 20 năm rồi".
Giải thích lý do vì sao lại chọn theo nghề gia truyền từ gia đình mà không chọn một công việc khác, anh Thiện nói bánh mì là món ăn rất dễ bán, gần gũi với người Việt nên mọi người ủng hộ anh nhiều. Vì yêu thích nên anh bán đến giờ.
Anh Thiên Long, một vị khách quen của bánh mì cụ Lý, tâm sự với Tuổi Trẻ Online: "Tui làm bảo vệ, thường ra đây mua đồ ăn về ăn sáng để đi làm nhưng phải đi sớm, đi trễ không còn đâu. Tui là khách quen của quán đó! Tui ăn ở đây mấy chục năm nên quen thân với ổng luôn".
Theo cảm nhận của anh Long, nhân bánh mì cụ Lý cho nhiều loại chả nhưng mỗi loại có một hương vị riêng biệt. Nếu chậm rãi thưởng thức, ăn nhiều năm sẽ cảm nhận rõ.
Bánh mì chẳng có pa tê và bơ mà sao cuốn thế!
Hiện tại, nhân của bánh mì cụ Lý gồm 5 loại chả: chả bò thì là, chả quế, chả chiên, chả lụa, giò thủ (bì).
Theo nhiều thực khách, điều khiến bánh mì cụ Lý trở nên khác biệt so với các loại bánh mì khác nằm ở những miếng chả. Bánh mì cũng không có pa tê, bơ, đồ chua mà chỉ có hành tây, dưa leo, ớt.
Lý giải điều này, anh Thiện cho biết đây là bánh mì gốc Bắc. Anh vẫn giữ lại công thức gia truyền từ thời cụ Lý. Nhiều người ở Sài Gòn có lẽ đã quen với hương vị này.
Anh nói: "Tôi không bỏ pa tê và bơ một phần là để người ta ăn không bị ngán bởi bánh mì của tôi đã có nhiều chả. Còn hành tây bỏ vào để ăn chung với chả bò, chả quế cho thơm".
Tất cả nguyên liệu đều do gia đình anh tự tay làm, bắt đầu chuẩn bị từ 2h sáng.
Còn bánh mì thì lấy ở một lò bánh mì quen, cứ nửa tiếng sẽ đem đến một lần để vẫn đảm bảo còn nóng, giòn và vừa kịp bán.
Anh Thiện cho biết trong khoảng 3 tiếng buổi sáng, bánh mì cụ Lý bán hơn 500 ổ, cùng khoảng 40 - 50kg chả.
Giá mỗi ổ bánh mì là 25.000 - 30.000 đồng.
Theo anh Thiện, với nhiều người Sài Gòn, ăn bánh mì vào mỗi buổi sáng có lẽ đã trở thành thói quen khó bỏ. Sau một ổ bánh mì lót dạ, người ta tiếp tục cuộc mưu sinh.
Có nhiều người nói thích ăn bánh mì cụ Lý vì nó ngon, nhưng cũng có những người đến đây ăn để ôn lại một đoạn ký ức đã qua gắn với con đường sầm uất trăm năm giữa trung tâm thành phố.
"Nhiều khách quen đến mua rồi đứng ăn luôn bên cạnh chỗ tôi bán. Họ ngắm đường phố Sài Gòn thay đổi qua năm tháng. Rồi có người bảo cả họ và tôi đều có thể già đi, thay đổi nhưng có lẽ, chỉ có cái mâm bánh mì này sẽ mãi không đổi thay" – anh Thiện tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận