Cầu Sinamale, một dự án đang từ vốn Trung Quốc, đang bị chính quyền Maldives điều tra lại - Ảnh: Reuters
Sáng kiến Vành đai con đường của Trung Quốc đang vấp phải những rào cản ở nam Á khi nhiều nước ra sức cản trở bước tiến của Bắc Kinh và suy nghĩ lại về "bẫy nợ" của Bắc Kinh.
Trong những tháng qua, đảo quốc Maldives đang vật lộn với hàng núi tài liệu để xác định nước này đang thật sự nợ Trung Quốc bao nhiêu tiền.
Đó là bởi cố vấn Mohamed Nasheed của tổng thống Ibrahim Solih mới đây cho biết đại sứ Trung Quốc tại nước này đã đưa ra hóa đơn lên đến 3,2 tỉ USD, hơn gấp đôi khoản nợ 1,3 tỉ USD mà nước này ghi lại và xấp xỉ GDP năm 2017 của quốc đảo này: 4,6 tỉ USD (theo số liệu của World Bank).
Vành đai con đường và nợ!
"Họ có hàng đống tài liệu phải xem lại" - Nikkei Asean Review dẫn lời một nguồn tin thân cận cuộc điều tra của Maldives. Các dự án đang bị xem xét lại bao gồm dự án xây một cây cầu lớn, mở rộng bệnh viện quốc tế và xây các con đường... một phần trong cơn sốt xây dựng hạ tầng từ nguồn vốn Trung Quốc ở đảo quốc du lịch nổi tiếng này.
Bộ Tài chính Maldives cũng lập lực lượng điều tra các hợp đồng ký kết dưới thời vị tổng thống thân Trung Quốc Abdulla Yameen. Ông Yameen thất thế trong cuộc bầu cử năm ngoái là tín hiệu rõ ràng của sự phản ứng với Trung Quốc ở Nam Á.
Tại Pakistan, nơi đặt nhiều dự án Vành đai con đường lớn nhất trong khu vực, những đấu đá nội bộ và thông tin hé lộ về hàng tỉ USD nợ Trung Quốc vượt ngoài dự kiến cũng gây trở ngại cho Vành đai con đường của Trung Quốc.
Tại Sri Lanka, nơi đang chìm trong khủng hoảng tài chính, chính quyền mới đắc cử đã tỏ rõ sự chống đối hai dự án lớn của Trung Quốc và tìm kiếm sự hỗ trợ từ Nhật Bản và Ấn Độ.
Colombo hiện đang nợ Bắc Kinh 9,2 tỉ USD và lãi suất của khoản nợ này vẫn còn đang tranh cãi. Dù đại sứ Trung Quốc tại Sri Lanka khẳng định lãi suất của Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc chỉ là 2%, một số nguồn tin trong chính quyền Colombo cho biết lãi suất vay của các dự án ở nước này là hơn 6%.
Bangladesh cũng cẩn trọng với cam kết 24 tỉ USD của Bắc Kinh cho các dự án Vành đai con đường.
Hạ tầng hay nợ?
Pakistan mới là nước phản ứng mạnh nhất khi chính quyền tỉnh Balochistan quyết định cấm bán đất cho các công ty Trung Quốc ở Gwadar, thành phố cảng nằm ở điểm khởi đầu của Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan.
"Gwadar không phải để bán" - Aslam Bhootani, một lãnh đạo địa phương, nói. Sự thật là giới lãnh đạo Pakistan đã sốc khi phát hiện họ hầu như không được lợi lộc gì từ các siêu dự án của Bắc Kinh.
Trung Quốc đặt cược lớn ở nam Á nhằm xây dựng mạng lưới đường bộ, đường ray, nhà máy năng lượng, cảng... cho phép Bắc Kinh tiếp cận Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, theo giới phân tích, Trung Quốc dường như đã không lường trước việc các dự án sẽ thổi bùng căng thẳng tại khu vực.
Dù vậy, một số người cho rằng với những nước như Pakistan, nhu cầu phát triển và xây dựng hạ tầng sẽ đè bẹp những lo ngại về "bẫy nợ".
"Đối với những nước đã dính đến Vành đai con đường, thách thức bây giờ là vừa tận dụng lợi ích từ nó trong khi vừa giảm bớt những mặt tối của sáng kiến này" - Nikkei Asean Review bình luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận