16/04/2017 11:54 GMT+7

Malaysia truy quét lao động bất hợp pháp

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Bất chấp những cuộc truy quét thường xuyên và các chính sách cứng rắn gần đây của Malaysia nhắm vào lao động nhập cư bất hợp pháp, nhiều lao động nước ngoài vẫn tìm cách bám trụ lại đất nước này.

Công nhân Bangladesh đang sinh sống và làm việc tại thành phố Klang, Malaysia - Ảnh: Q.Trung
Công nhân Bangladesh đang sinh sống và làm việc tại thành phố Klang, Malaysia - Ảnh: Q.Trung

Chỉ mới từ đầu tháng 4-2017, giới chức Malaysia đã truy quét và trục xuất 106 lao động nhập cư bất hợp pháp người Indonesia qua cửa khẩu ở Kalimantan của Indonesia và 150 công dân Triều Tiên có giấy phép lao động hết hạn.

Người Việt lo lắng

Tại thành phố cảng Klang của bang Selangor cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 50km, chúng tôi có mặt ở một quầy dịch vụ chuyển tiền của Western Union trong những ngày đầu tháng 4 đã chứng kiến rất đông lao động nhập cư các nước xếp hàng chuẩn bị chuyển tiền về nhà.

Anh Bùi Viết Tuấn, một nhân viên người Việt làm cho Western Union ở Klang, cho biết thành phố cảng Klang tập trung rất nhiều lao động nhập cư đến từ các nước như Indonesia, Bangladesh, Nepal, Myanmar, Philippines và Việt Nam.

Anh Tuấn (quê Thanh Hóa) nói những lao động nhập cư này thường làm việc cho các công trình xây dựng, bảo vệ công ty, các nhà máy sản xuất hoặc giúp việc nhà. Một số lao động nữ, trong đó có người Việt Nam, còn làm việc bất hợp pháp trong các quán bar ở khu trung tâm.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, chị Ngô Thị Hà (quê Thái Nguyên), lấy chồng người Malaysia gốc Hoa và là chủ quán ăn Việt Nam tại Klang, cho biết sau khi cô bị bắt vì bị tình nghi liên quan đến vụ ám sát công dân Triều Tiên tên Kim Chol (người được cho là Kim Jong Nam, anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un), những cuộc truy quét của cảnh sát Malaysia đối với những khu chợ và quán bar của người Việt ở đây diễn ra thường xuyên hơn.

Ngoài ra, theo chị Hà, những phụ nữ từ Việt Nam sang Malaysia theo đường hàng không bị kiểm soát gắt gao hơn.

Những lao động Việt không có giấy tờ hợp pháp cho biết họ rất sợ khi thấy bóng dáng cảnh sát vì sợ bị bắt, đánh đập và trục xuất về nhà.

Chị Nguyễn Thị Nhẫn (quê Thái Bình) ở Klang kể các cô dâu Việt cùng chồng người Mã buôn bán ở chợ phải bỏ chạy khi cảnh sát đến vì họ chưa được cấp giấy phép lao động.

Anh Lê Thanh N. (34 tuổi, quê Nghệ An), một chủ thầu ốp lát gạch đá cho một công ty xây dựng Malaysia có hơn 30 nhân công gồm người Việt và Bangladesh ở Klang, thừa nhận với Tuổi Trẻ rằng trong 20 công nhân Việt Nam làm việc cho anh thì có đến phân nửa là không có giấy phép lao động hợp pháp vì chi phí rất đắt đỏ và thủ tục làm giấy tờ khá phức tạp.

Thiếu khung pháp lý

Bộ Nguồn nhân lực của Malaysia cho hay nước này hiện có khoảng 2,1 triệu người lao động nhập cư đăng ký hợp pháp, trong khi con số bất hợp pháp là hơn 1 triệu người.

Còn Liên đoàn Chủ sử dụng lao động của Malaysia (MEF) ước tính tổng số lao động nước ngoài lên tới khoảng 6 triệu người, bao gồm cả hợp pháp và bất hợp pháp.

Trong bài xã luận viết cho The Straits Times đăng tải tháng 9-2016, nhà báo Pook Ah Lek của nhật báo tiếng Hoa hàng đầu Malaysia Sin Chew Daily cho biết sở dĩ giới chức Malaysia cứng rắn với lao động nhập cư bất hợp pháp do họ lo sợ khủng bố, vì những lao động nhập cư có thể liên quan đến Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và tội phạm buôn người.

Nhưng theo ông Pook Ah Lek, những cuộc truy quét của cảnh sát Malaysia đối với những lao động nước ngoài có thể khiến các công trình xây dựng bị chậm lại và các đồn điền, nhà máy ở nước này vắng bóng công nhân, gây thiệt hại lớn cho giới chủ và qua đó ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn thứ ba Đông Nam Á.

Nhà báo Pook Ah Lek cho rằng rất nhiều khu vực kinh tế Malaysia phụ thuộc vào lao động nhập cư như xây dựng, sản xuất, nông nghiệp và các ngành dịch vụ...

Bình luận với Tuổi Trẻ, ông Keith Leong - chuyên gia nghiên cứu ASEAN của KRA Group, có trụ sở tại thủ đô Kuala Lumpur - cho biết đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ Malaysia tuyên bố đang “truy quét” lao động nước ngoài bất hợp pháp.

Theo ông Keith, vấn nạn lao động nhập cư bất hợp pháp tồn tại dai dẳng là do các nước ASEAN thực thi luật pháp yếu kém cũng như chính sách bảo vệ lao động nhập cư yếu ớt.

“Thật đáng tiếc khi ASEAN không thể thiết lập một khung pháp lý đủ mạnh hay các chính sách bảo vệ lao động nhập cư. Điều này dẫn đến hệ quả là những lao động nhập cư này bị giới chủ bóc lột và lạm dụng.

Sự thay đổi chỉ xảy ra khi các nước cung cấp xuất khẩu lao động và các nước tiếp nhận lao động trong ASEAN có ý chí chính trị đủ mạnh” - ông Keith nhận định.

Xung đột giữa lao động các nước

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, các công nhân và chủ thầu xây dựng người Việt ở Klang cho biết thông thường lao động nhiều nước cùng làm việc cho một công trình xây dựng, qua đó nảy sinh nhiều mâu thuẫn do bất đồng văn hóa và ngôn ngữ.

Anh Lê Thanh N. kể lao động Việt Nam và Malaysia thường hay nảy sinh mâu thuẫn. Như các công nhân nam thường tắm chung ở một khu vực, hai bên giành nhau nước tắm rồi cãi nhau, dẫn đến đánh nhau.

Công nhân Việt Nam khi ăn thịt heo, thịt chó và mèo thì phải giấu giếm công nhân Indonesia vì những người Indonesia theo đạo Hồi xem việc này là điều tối kỵ.

Hoặc khi những công nhân Indonesia theo đạo Hồi cầu nguyện, công nhân nước khác cười nói, ca hát cũng rất dễ xảy ra ẩu đả. Theo anh N., dù có đánh nhau nhưng chưa có hậu quả nghiêm trọng.

Thu nhập 10-14 triệu đồng/tháng

Theo một số chủ lao động người Việt tại Malaysia, nhiều lao động Việt Nam sang đây theo visa du lịch và làm việc để kiếm tiền.

Những lao động Việt được trả lương trung bình từ 2.000-2.800 ringgit/tháng (khoảng 10-14 triệu đồng) phụ thuộc vào số giờ tăng ca, được cho là cao hơn so với ở Việt Nam.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên