Một tàu tuần duyên Trung Quốc đi dọc theo bãi đá ngầm Whitsun (Đá Ba Đầu) thuộc quần đảo Trường Sa vào tháng 4-2021. Malaysia cũng phàn nàn về việc các tàu tuần duyên Trung Quốc lảng vảng quanh bãi cạn Luconia ngoài khơi bang Sarawak - Ảnh: Cảnh sát biển Philippines
Đây là lần thứ hai trong năm nay Malaysia đã triệu tập nhà ngoại giao Trung Quốc ở nước này để phản đối các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Trong thông cáo phát hành vào cuối ngày 4-10, Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết Đại sứ Trung Quốc Âu Dương Ngọc Tịnh được triệu tập "để nghe truyền đạt về lập trường của Malaysia và phản đối sự hiện diện và hoạt động của các tàu Trung Quốc, trong đó có một tàu khảo sát địa chất trong khu vực đặc quyền kinh tế của Malaysia, ngoài khơi bờ biển bang Sabah và Sarawak".
Phía Malaysia khẳng định sự hiện diện và hoạt động của các tàu Trung Quốc không phù hợp với đạo luật về Vùng đặc quyền kinh tế năm 1984 của Malaysia cũng như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982.
Thông cáo nêu rõ lập trường và hành động nhất quán của Malaysia trong vấn đề Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế trong bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền tại vùng biển của mình, đồng thời khẳng định lợi ích quốc gia của Malaysia sẽ là điều tối quan trọng trong vấn đề này.
Việc triệu tập đại sứ Trung Quốc diễn ra một ngày sau khi Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob - người nhậm chức vào tháng 8 vừa qua - khẳng định trong một cuộc phỏng vấn rằng Malaysia sẽ không "thỏa hiệp về chủ quyền" liên quan đến tranh chấp biển.
Phía Malaysia từ lâu đã phản ứng về việc các tàu tuần duyên Trung Quốc xuất hiện quanh bãi cạn Luconia ngoài khơi bang Sarawak.
Theo Bộ Ngoại giao Malaysia, Kuala Lumpur đã nhiều lần phản đối việc các tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của nước này, đồng thời khẳng định tất cả các vấn đề liên quan đến Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình và xây dựng, phù hợp với các nguyên tắc được luật pháp quốc tế công nhận rộng rãi, bao gồm UNCLOS 1982.
Theo quy định của UNCLOS, Malaysia tuyên bố chủ quyền vùng biển ở Biển Đông kéo dài 200 hải lý tính từ bờ biển của mình, điều này chồng lấn với tuyên bố về thềm lục địa mở rộng Việt Nam đệ trình vào năm 2009 và Việt Nam đã phản đối các tuyên bố của Malaysia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận