TTCT - Tin tức về việc vợ chồng cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak - Rosmah Mansor vừa lần lượt xộ khám cách nhau 9 ngày - những cây củi cỡ đại trong nền chính trị nước này, đồng thời nêu bật một vấn đề trong cuộc chiến bài trừ tham nhũng ở Đông Nam Á và châu Á nói chung. Bà Rosmah Mansor và ông Najib Razak. Ảnh: AFPHôm thứ sáu tuần rồi 2-9, ông Najib Razak đã đệ đơn xin ân xá lên Vua Al-Sultan Abdullah và đơn đang chờ xét duyệt. Ông Najib chính thức phải ngồi tù kể từ ngày 23-8, sau khi Tòa án Liên bang Malaysia giữ nguyên phán quyết 12 năm tù với ông vì tội biển thủ Quỹ SRC International. Ngoài ra, ông Najib còn đang đối mặt nhiều vụ điều tra và xét xử khác liên quan đến quỹ nhà nước 1MDB.Trước đó một ngày, thứ năm 1-9, vợ ông là bà Rosmah Mansor lãnh án 10 năm tù và khoản tiền phạt 970 triệu ringgit (216 triệu USD) sau khi bị kết tội tham nhũng. Trong bản án được đưa ra, Thẩm phán Tòa án Tối cao Mohamed Zaini Mazlan nói rằng tham nhũng đã lan đến hầu hết mọi tầng lớp trong xã hội Malaysia và rằng phải hạn chế tham nhũng trước khi nó trở thành đại dịch. Ông viết: "Nếu tham nhũng không được kiềm chế, xã hội của chúng ta sẽ chấp nhận nó như một lối sống hoặc lối làm ăn".Có chấp nhận tham nhũng như một lối sống?Cảnh cáo "sẽ chấp nhận tham nhũng như một lối sống hay lối làm ăn" của ông Mazlan có thể là mới ở Malaysia, nơi mà tới năm 2020, báo cáo của tổ chức chống tham nhũng quốc tế GAN Integrity còn nhận xét: "Tham nhũng ở Malaysia tương đối thấp so với phần còn lại của Đông Á. Một trong những lĩnh vực chính bị tham nhũng là mua sắm công, với việc các công ty Malaysia đôi khi được ưu ái hơn công ty nước ngoài và mối quan hệ chính trị vẫn đóng vai trò quan trọng trong kết quả của các cuộc đấu thầu công".Nhận xét trên có ngay trường hợp nguyên đệ nhất phu nhân Rosmah Mansor làm minh họa "sống", cả về nội dung, lĩnh vực hối lộ là mua sắm công, và về "lối kinh doanh" và "lối sống". Bà Rosmah, năm nay 70 tuổi, bị buộc tội nhận hối lộ 187,5 triệu ringgit (41 triệu USD) từ nhà thầu Saidi Abang Samsudin vào năm 2016 và 2017 để Công ty Jepak Holdings của ông Saidi trúng thầu một dự án chính phủ trị giá 1,25 tỉ ringgit (227 triệu USD) cung cấp năng lượng mặt trời cho 369 trường học nông thôn ở tiểu bang Sarawak.Năm 2015, Công ty Jepak Holdings đề xuất với Bộ Giáo dục Malaysia một dự án cấp điện cho trường học bằng các tổ máy phát điện chạy dầu diesel và phát triển tấm pin quang điện trong thời hạn 5 năm. Bà Rosmah bị cáo buộc đã nhận tận tay "tiền tươi thóc thật" tổng cộng 6,5 triệu ringgit (1,4 triệu USD) từ nhà thầu Saidi ngay tại dinh thự chính thức của thủ tướng ở Putrajaya, rồi sau đó tại tư dinh của bà ở Kuala Lumpur từ tháng 12-2016 đến tháng 9-2017. Rõ ràng đây đã thực sự là một "lối sống" mới, thật "tự nhiên", không e dè, úp mở.Đúng như mô tả của tổ chức GAN về đặc tính tham nhũng ở Malaysia: "Lĩnh vực mua sắm công khiến các doanh nghiệp có nguy cơ tham nhũng cao. Hơn một nửa các doanh nghiệp mong muốn biếu xén giới quan chức để được đảm bảo một hợp đồng hoặc giấy phép của chính phủ. Các khoản hối lộ và thanh toán không thường xuyên đôi khi cũng được trao tay vì mục đích tương tự".Cũng theo GAN, tham nhũng tồn tại là nhờ gắn kết với các quan cao, chức dầy: "Sự kết nối chính trị tiếp tục là một trong những tiêu chí chính trong việc trao các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng và hợp đồng nhà nước".Tất nhiên, chính phủ nước này cũng áp dụng các bài bản chống tham nhũng phổ quát toàn cầu, như thông qua cải cách mua sắm công để ngăn chặn tham nhũng. Song, tham nhũng cứ phát triển. "Việc trao các hợp đồng cơ sở hạ tầng và công trình công cộng lớn thường được thực hiện mà không có đấu thầu cạnh tranh hoặc rộng rãi", GAN viết. Rõ ràng, "lối làm ăn" và "lối sống" mới này có nguy cơ làm băng hoại mọi nhà nước, chứ không chỉ mình Malaysia.Tham nhũng và quản lý nhà nướcNguyên đệ nhất phu nhân Rosmah có "tham gia" nhận hối lộ cũng là do dựa uy chồng, và những khoản tiền của bà không bõ bèn gì so với các cáo buộc nhắm vào ông Najib. Quỹ đầu tư nhà nước Malaysia 1MDB vào thời ông đã gây thất thoát ước tính lên tới 4,5 tỉ USD. Vụ việc chỉ bị phanh phui sau khi 1MDB "lỡ" khoản thanh toán 11 tỉ USD nợ với các ngân hàng và trái chủ. Các cuộc điều tra đến nay cho thấy riêng ông Najib bị cáo buộc đã bòn rút khoảng 1 tỉ USD từ 1MBD.Việc nền tư pháp Malaysia buộc được vợ chồng nguyên thủ tướng Malaysia phải đối mặt với hậu quả hành động của họ có thể coi là chiến thắng của nền pháp trị ở một quốc gia mà dẫu sao, cũng được đánh giá là vào loại "sạch sẽ" trong khu vực. Lucy West và Leong Tsu QuinIn, tác giả của nghiên cứu "Đánh giá tính pháp trị ở Đông Nam Á" (griffith.edu.au), cho biết Malaysia là một trong chỉ ba nước ASEAN có điểm số "sạch sẽ" trên trung bình, tức trên 50 điểm (0 điểm là "bẩn" nhất và 100 điểm là "sạch" nhất) trong bảng cảm nhận tham nhũng (CPI) 2019 của Transparency International, gồm Singapore (85 điểm), Brunei (60 điểm) và Malaysia (53 điểm). Không phải ngẫu nhiên mà đây cũng là ba nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất khu vực. Riêng về mức độ "sạch sẽ", Singapore xếp thứ tư thế giới, Brunei thứ 35 còn Malaysia thứ 51 trên tổng số 180 quốc gia. Ba nước đội sổ là Lào và Myanmar (cùng 29 điểm) và Campuchia (20 điểm).Nhưng đồng thời cũng phải thấy rằng ngay cả ở một nước khá sạch, những vụ như Najib Razak và 1MDB vẫn có thể xảy ra. Vụ bê bối này cũng đi ngược với thứ hạng "quản lý nhà nước" khá cao của bộ máy Nhà nước Malaysia. Báo cáo 2020 của Transparency International về "Tham nhũng tại ASEAN" của Jennifer Schoeberlein giải thích mâu thuẫn này: "Về vấn đề quản trị nhà nước, khu vực ASEAN thể hiện bức tranh rất dị biệt về mức độ tham nhũng và kiểm soát tham nhũng, với một số quốc gia tốt hơn nhiều so với các nước khác. Nhưng hiệu suất và tiến bộ không nhất thiết phải thẳng hàng: các quốc gia có thành tích quản trị tốt chưa hẳn đã có được sự tin tưởng lớn nhất nơi công dân của họ, và ngược lại".Tác giả nêu thí dụ Malaysia, vốn là một nước được đánh giá tốt hơn các nước trong khu vực về quản trị nhà nước, nhưng lại bị "đánh dấu" bởi những vụ bê bối tham nhũng lớn làm lung lay lòng tin của người dân vào khả năng sẵn sàng và mong muốn thay đổi của chính phủ. Theo tác giả, kinh nghiệm từ trường hợp Malaysia là: "Tham nhũng chính trị vẫn là một thách thức lớn khắp ASEAN, với những vụ bê bối lớn như 1MDB, vốn đã tỏ rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa lợi ích tư nhân và giới chức quyền lực". ■Báo Malaysia The Star dẫn lại hồ sơ ở tòa cho thấy ông Najib Razak sở hữu hai thẻ tín dụng với hạn mức tổng cộng 3 triệu ringgit (666.000 USD), được cho là các thẻ tín dụng có hạn mức cao nhất mà ngân hàng hàng đầu Malaysia AmBank từng phát hành. "Khách hàng bình thường có thẻ hạn mức vào khoảng 50.000 ringgit (11.100 USD), nhưng riêng ông Najib, ngân hàng đã cho ông hạn mức 3 triệu ringgit trong cả hai thẻ. Tôi tin rằng đó là hạn mức thẻ tín dụng cao nhất mà ngân hàng từng cấp", cựu phó chủ tịch bộ phận phòng ngừa lừa đảo mảng bán lẻ của AmBank, Yeoh Eng Leong, nói trước tòa. Khi được hỏi cụ thể hơn, ông Yeoh cho biết trong số các giao dịch của ông Najib, có một lần đặt phòng khách sạn Westin Excelsior R ở Rome, Ý, vào ngày 21-7-2011 với tổng số tiền gần 100.000 ringgit (22.000 USD). "Những giao dịch khác là ở các cửa hàng Aigner (thương hiệu đồ da cao cấp) và Hugo Boss (thời trang) ở Suria KLCC (trung tâm mua sắm lớn tại Kuala Lumpur) vào ngày 21-8-2011", ông Yeoh tiết lộ. Tags: MalaysiaTham nhũngĐông Nam ÁChâu ÁCựu thủ tướngNajib Razak
Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư THÀNH CHUNG 25/11/2024 Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
4 người trong gia đình tử nạn ở Hà Nội: Các nạn nhân ôm chặt nhau dưới mương HỒNG QUANG 25/11/2024 Các nhân chứng cho biết khi họ tiếp cận nơi này, 4 người còn ngồi trên yên xe máy, ôm chặt nhau.
Sở Văn hóa và Thể thao: Xây mới Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng là 'rất cần thiết' NGUYÊN KHÔI 25/11/2024 Trước những ý kiến khác về việc triển khai dự án Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng, quan điểm của Sở Văn hóa và Thể thao ra sao khi trình báo cáo?
Phản ứng của Tổng thống Philippines sau khi bị cấp phó dọa ám sát TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Sau khi bị cấp phó Sara Duterte dọa ám sát, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos nói ông sẽ không cho phép điều đó xảy ra.