18/09/2021 22:23 GMT+7

Malaysia lo có chạy đua vũ trang ở Biển Đông vì 8 tàu ngầm của Úc

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Theo quan điểm của Kuala Lumpur, AUKUS có thể trở thành 'chất xúc tác cho một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân' ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và khiến các cường quốc quyết đoán hơn ở Biển Đông.

Malaysia lo có chạy đua vũ trang ở Biển Đông vì 8 tàu ngầm của Úc - Ảnh 1.

Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob thúc giục Úc tuân thủ các quy định quốc tế về hạt nhân - Ảnh chụp màn hình

Ngày 18-9, Malaysia trở thành nước thứ hai trong ASEAN bày tỏ lo ngại về cơ chế hợp tác AUKUS giữa Mỹ, Anh và Úc.

"Động thái này sẽ kích động các cường quốc khác cũng hành động mạnh mẽ hơn trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông", Văn phòng Thủ tướng Malaysia (PMO) nói về việc Úc có tàu ngầm hạt nhân trong tuyên bố ngày 18-9.

"Là một quốc gia trong ASEAN, Malaysia giữ nguyên tắc duy trì ASEAN như một Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOFPAN)", tuyên bố khẳng định.

Theo PMO, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã nhận được điện thoại từ Thủ tướng Úc Scott Morrison trong ngày 17-9. Mục đích của cuộc điện đàm là thông báo và giải thích với Malaysia về thỏa thuận AUKUS.

"Thủ tướng Malaysia kêu gọi tất cả các bên tránh bất kỳ hành động khiêu khích và chạy đua vũ trang nào trong khu vực này, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng và đi theo các lập trường, cách tiếp cận hiện có", PMO trích lời ông Ismail Sabri.

Hai nhà lãnh đạo sau đó nhất trí về việc tái lập cam kết chung nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Phản ứng của Malaysia diễn ra sau khi các nhà phân tích cảnh báo kế hoạch mua 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Úc sẽ gây ra mối quan ngại lớn trên khắp Đông Nam Á.

Ngày 17-9, Indonesia - quốc gia láng giềng phía bắc của Úc - đã trở thành nước Đông Nam Á đầu tiên bày tỏ quan ngại về AUKUS và dự án tàu ngầm của Canberra.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Indonesia đã bày tỏ quan ngại rằng những động thái của Úc có thể dẫn tới chạy đua vũ trang trong khu vực và kêu gọi tôn trọng luật quốc tế, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.

Ông Aaron Connelly, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế của Singapore, cho rằng Đông Nam Á ít để tâm đến các tàu ngầm hạt nhân của Úc. Lo lắng lớn hiện nay ở khu vực này là ASEAN đang dần mất đi vai trò trung tâm trong các vấn đề khu vực.

"Các chính phủ ASEAN nhận thức sâu sắc về điều đó và lo lắng rằng các cường quốc bên ngoài khu vực đang tạo ra cơ chế mới không bao gồm ASEAN như Tứ giác kim cương (QUAD) và có khả năng là AUKUS", tờ Sydney Morning Herald trích lời ông Connelly.

Trung Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ AUKUS và cho rằng điều này sẽ kích hoạt bất ổn, mất an ninh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo giới quan sát, Bắc Kinh có thể phản ứng bằng việc thông báo triển khai tàu chiến đến gần lãnh thổ Úc trong thời gian tới.

Chính quyền Canberra khẳng định các tàu ngầm mới là tàu ngầm sử dụng động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân, khác với việc tìm kiếm sở hữu vũ khí hạt nhân.

Vụ AUKUS: Báo Trung Quốc cảnh báo chiến tranh hạt nhân với Úc Vụ AUKUS: Báo Trung Quốc cảnh báo chiến tranh hạt nhân với Úc

TTO - Báo Trung Quốc cảnh báo việc lập liên minh an ninh 3 bên AUKUS có khả năng biến Úc trở thành mục tiêu của một vụ tấn công hạt nhân nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã lên tiếng về AUKUS.


BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên