23/09/2019 19:19 GMT+7

Malaysia hứa không liên kết với nước lớn trong chuyện Biển Đông

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Cơ chế tham vấn song phương về Biển Đông giữa Malaysia và Trung Quốc đang khiến nhiều người lo ngại. Tuy vậy, một quan chức Malaysia khẳng định nước này vẫn xem ASEAN là chìa khóa giải quyết mọi tranh chấp trên Biển Đông.

Malaysia hứa không liên kết với nước lớn trong chuyện Biển Đông - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Malaysia (trái) và người đồng cấp Trung Quốc trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh - Ảnh: AFP

Hôm 12-9, sau cuộc gặp tại Bắc Kinh, ngoại trưởng Malaysia và Trung Quốc đã cùng công bố một cơ chế đối thoại và hợp tác song phương về vấn đề Biển Đông. Hai quan chức cấp cao tỏ ra rất hài lòng với sự kiện này bởi nó rơi vào đúng thời điểm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ giữa hai nước.

Ông Saifuddin Abdullah, người gọi ông Vương Nghị của Trung Quốc là "anh trai" trong cuộc gặp, cho biết cơ chế đối thoại mới sẽ do bộ ngoại giao hai nước cùng duy trì và thúc đẩy.

Như vậy, nếu không có gì trục trặc, Malaysia sẽ nối bước Philippines, trở thành quốc gia mới nhất có tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc thiết lập cơ chế tham vấn song phương với Bắc Kinh.

Việc thành lập cơ chế song phương về Biển Đông đã làm dấy lên nhiều câu hỏi và nghi ngại, báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong đưa ra nhận định trong bài báo ngày 22-9. 

Nổi cộm trong số đó là ý kiến cho rằng cơ chế này sẽ giải quyết luôn các tranh chấp về yêu sách lãnh thổ giữa Bắc Kinh và Kuala Lumpur trên Biển Đông.

"Cơ chế song phương nói trên không phải là cơ sở để giải quyết các tranh chấp yêu sách lãnh thổ và hàng hải trên Biển Đông. Malaysia vẫn kiên trì và nhất quán với quan điểm rằng ASEAN là chìa khóa duy nhất để giải quyết các tranh chấp trong khu vực", một quan chức Malaysia am hiểu khẳng định tiết lộ với báo SMCP.

"Không nên đánh đồng cơ chế vừa được đề xuất với các cuộc đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông", quan chức này nhấn mạnh.

Tiết lộ của quan chức nói trên có phần phù hợp với những định hướng đối ngoại của Malaysia vừa được công bố hồi tuần trước.

Theo đó, chính phủ của Thủ tướng Mahathir Mohamad khẳng định sẽ không liên kết với bất kỳ cường quốc nào trong vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh Đông Nam Á phải là một khu vực "hòa bình, hữu nghị và trung lập".

Song, theo nhận định của giới chuyên gia, bất kỳ cơ chế song phương nào về Biển Đông cũng đều có lợi cho Trung Quốc.

Chuyên gia Ian Storey, thuộc Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, nhận định việc thành lập cơ chế cho thấy Bắc Kinh vẫn tiếp tục quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông theo cách song phương.

"Quan trọng hơn, nó còn có lợi cho các tuyên truyền của Trung Quốc, rằng các nước châu Á có thể tự hợp tác với nhau để giải quyết các vấn đề an ninh của châu Á, không cần nước ngoài như Mỹ can thiệp vào", ông Storey lập luận với SCMP.

Gregory B. Poling, giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á, cảnh báo sẽ là một sai lầm nếu nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ nhượng bộ khi thiết lập cơ chế tham vấn song phương và chỉ ra trường hợp của Philippines - quốc gia đã thiết lập cơ chế tương tự với Trung Quốc vào năm 2016.

Biển Đông, điểm nóng dầu khí, huyết mạch hàng hải, và gì nữa? Biển Đông, điểm nóng dầu khí, huyết mạch hàng hải, và gì nữa?

TTO - An ninh năng lượng vốn là yếu tố không thể tách rời khỏi cục diện Biển Đông. Trong bối cảnh mới, diễn biến về hợp tác khai thác dầu khí càng có ý nghĩa quan trọng đối với địa chính trị khu vực.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0