04/02/2022 07:51 GMT+7

Malaysia: Chuyển đổi số để hỗ trợ dân tốt hơn

QUỲNH TRUNG thực hiện
QUỲNH TRUNG thực hiện

TTO - Tuổi Trẻ trò chuyện trực tuyến với Bộ trưởng Tài chính Malaysia TENGKU ZAFRUL AZIZ - người tích cực thúc đẩy chuyển đổi số và một trong những người tiên phong triển khai hệ thống mạng 5G ở Malaysia.

Malaysia: Chuyển đổi số để hỗ trợ dân tốt hơn - Ảnh 1.

Malaysia quyết tâm rút ngắn khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn bằng cách phân bổ ngân sách lớn để thúc đẩy kết nối số ở 630 trường học, chủ yếu là ở khu vực nông thôn, vào năm 2022 - Ảnh: News Straits Times

Chuyển đổi số phải là một công cụ để tạo ra một xã hội công bằng hơn và không phải là một nguyên nhân gây ra bất bình đẳng

Bộ trưởng Tài chính Malaysia Tengku Zafrul Aziz

Tháng 10-2021, Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố một khảo sát quy mô lớn về chuyển đổi số ở 6 quốc gia ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. 87% người được khảo sát cho rằng chuyển đổi số là hướng đi đúng để phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19.

Sẽ lãng phí nếu chỉ sử dụng số hóa để giao dịch hàng hóa

* Rõ ràng đại dịch COVID-19 đang thúc đẩy chuyển đổi số ở mọi mặt cuộc sống. Chuyển đổi số mang lại cơ hội gì và nó đóng vai trò quan trọng ra sao với sự phục hồi kinh tế hậu dịch bệnh, thưa ông?

- Đại dịch COVID-19 đã góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số, thúc đẩy sử dụng các thiết bị số ở Malaysia. Trong 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu thương mại điện tử của Malaysia đạt 190 tỉ USD, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thương mại điện tử tăng trưởng cũng có nghĩa là thanh toán không tiền mặt tăng. Chẳng hạn ví điện tử tăng đến 89% lên 468 triệu giao dịch, thanh toán qua mã QR tăng 57% lên 1 triệu đăng ký, giao dịch ngân hàng trực tuyến tăng 63% lên 12 tỉ giao dịch.

Nhưng sẽ là lãng phí thực sự nếu chúng ta chỉ sử dụng số hóa để giao dịch hàng hóa và dịch vụ. Chuyển đổi số cũng giúp cho chính phủ cung cấp hỗ trợ cho người dân tốt hơn.

Trong đại dịch COVID-19, chỉ 1% hỗ trợ của chính phủ dành cho người dân bằng tiền mặt, phần lớn hỗ trợ của chính phủ được cung cấp thông qua các nền tảng không tiền mặt và online.

Việc thanh toán không tiền mặt và đưa nhiều hoạt động lên nền tảng trực tuyến giúp tăng cường sự giám sát, qua đó làm giảm lãng phí, tiêu cực và tham nhũng.

Số hóa và chia sẻ công nghệ cũng giúp các doanh nghiệp ở các vùng nông thôn, các khu vực xa xôi hẻo lánh có thể tham gia thị trường toàn cầu, cải thiện sinh kế.

* Malaysia đề ra mục tiêu trở thành nước đi đầu về kinh tế số trong khu vực trước năm 2030. Malaysia sẽ thực hiện mục tiêu này cụ thể ra sao?

273009665_3069986669983067_3458716257327848256_n

Bộ trưởng tài chính Malaysia Tengku Zafrul Aziz


- Tôi nghĩ xây dựng nền tảng là rất quan trọng. Chúng tôi dự kiến triển khai hệ thống 5G (thế hệ mạng di động thứ 5) cuối năm nay.

Chính phủ đặt mục tiêu gia tăng năng suất của các lĩnh vực kinh tế lên 30% vào năm 2030 và mạng 5G sẽ giúp đạt mục tiêu này. 5G sẽ thúc đẩy nền kinh tế và sáng tạo, gia tăng năng lực cạnh tranh của Malaysia trong khu vực cũng như toàn cầu, đẩy nhanh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như tạo ra các dịch vụ số mới.

Việc bảo đảm rằng cơ sở hạ tầng đi đúng hướng, chính phủ đi đầu trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng là điều quan trọng. Đảm bảo chi phí kết nối Internet ở cái giá phải chăng cũng quan trọng không kém, bởi vì điều kiện để đảm bảo chuyển đổi số thành công là nó phải công bằng và bao trùm.

Công nghệ đã giúp ích rất nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là trong giai đoạn dịch COVID-19. Tôi nghĩ công nghệ cho phép nhiều quốc gia có thể bắt kịp những quốc gia khác nhanh hơn.

Ngoài hạ tầng, nền tảng cũng bao gồm nguồn nhân lực chất lượng cao, kế hoạch chuyển đổi số khả thi và năng lực triển khai kế hoạch. Tất cả những yếu tố này giúp nuôi dưỡng một hệ sinh thái phù hợp để Malaysia có thể dẫn đầu trong không gian số.

Nếu chúng ta không có nền tảng, chúng ta sẽ bị bỏ lại đằng sau xa hơn nữa bởi vì mọi thứ đang thay đổi ở một tốc độ rất rất nhanh.

Không bỏ lại ai phía sau

* Chính phủ Malaysia mới đây đã phân bổ khoản ngân sách 700 triệu ringgit (165 triệu USD) trong năm 2022 để thúc đẩy kết nối số ở các khu vực công nghiệp, các trường học, chủ yếu là ở các vùng nông thôn với quyết tâm không bỏ lại ai phía sau. Kết nối số đóng vai trò ra sao trong chính sách của Malaysia?

- Chuyển đổi số luôn là mệnh lệnh chiến lược cho Malaysia. COVID-19 đã làm nổi bật vai trò của chuyển đổi số đối với sự hồi phục kinh tế quốc gia. Kinh tế số dự đoán sẽ chiếm 23% GDP của Malaysia và tạo thêm 500.000 công việc vào năm 2025.

Câu hỏi của anh là một câu hỏi về chiến lược chính sách rộng và chúng tôi cũng đang tiếp cận nó trên nhiều mặt trận. Đầu tiên chúng tôi ra mắt kế hoạch tổng thể kinh tế số vào tháng 2-2021 tính đến 2030.

Theo kế hoạch này, chúng tôi cũng dự kiến đầu tư 5 tỉ USD cho mạng lưới số quốc gia trong vòng 5 năm tới, đầu tư 2,6 tỉ USD cho hệ thống mạng 5G quốc gia trong giai đoạn 10 năm; các công ty viễn thông đầu tư 400 triệu USD để tăng cường sự kết nối cho hệ thống cáp ngầm biển quốc tế, và các công ty dịch vụ công nghệ đám mây đầu tư 3 tỉ USD để cải thiện dịch vụ.

Chúng tôi cũng đang nỗ lực rút ngắn "khoảng cách" số ở Malaysia, giữa khu vực thành thị và nông thôn, cũng như giữa người già và người trẻ. Do đó chúng tôi mong muốn tăng cường sự kết nối, cải thiện sự kết nối ở các trường học, khu vực công nghiệp, khu vực nông thôn.

Kết nối Internet đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp giảm khoảng cách thu nhập và khoảng cách giàu nghèo. Không bỏ lại ai đằng sau trong chuyển đổi số là mối quan tâm lớn của Chính phủ Malaysia.

Chuyển đổi số phải là một công cụ để tạo ra một xã hội công bằng hơn và không phải là một nguyên nhân gây ra bất bình đẳng. Đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp cận với chuyển đổi số theo một tầm nhìn chiến lược và mang tính hệ thống.

Malaysia: Chuyển đổi số để hỗ trợ dân tốt hơn - Ảnh 5.

Bộ trưởng Malaysia với robot - Nguồn: Muaz Abd Rasid

Việt Nam đầy sức sống

* Đâu là những thách thức chính đối với chuyển đổi số của Malaysia?

- Chúng tôi có nhiều thách thức khác nhau. Đầu tiên, nền kinh tế của chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). SMEs đóng góp 40% GDP và 70% lao động trên cả nước. Theo một nghiên cứu, có đến 77% SMEs ở Malaysia chỉ mới có kiến thức cơ bản về số hóa, và đây là lĩnh vực chúng tôi cần cải thiện.

Hai là thương mại điện tử dường như tập trung quá nhiều ở lĩnh vực sản xuất và dịch vụ ở các đô thị hơn là các vùng nông thôn. Ba là khoảng cách lớn về kết nối số giữa đô thị và nông thôn. Ví dụ ở vùng nông thôn, giá cả của các thiết bị điện tử cao so với thu nhập người dân cũng là một rào cản lớn. Chúng tôi phải thừa nhận rằng số hóa không hề rẻ.

Ngoài ra, một nghiên cứu khác cũng chỉ ra 50% SMEs chưa chuẩn bị cho việc hoạt động trực tuyến do vấn đề kết nối Internet. Malaysia đang giải quyết các vấn đề này thông qua việc xây dựng các hạ tầng cần thiết, phát triển các tài năng công nghệ và thu hút đầu tư.

Malaysia: Chuyển đổi số để hỗ trợ dân tốt hơn - Ảnh 6.

* Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng kinh tế số của Việt Nam và triển vọng hợp tác giữa hai nước?

- Tôi từng là CEO của Tập đoàn ngân hàng CIMB Group (tập đoàn ngân hàng dẫn đầu ASEAN) và CIMB Group có thành lập chi nhánh ở Việt Nam. Tôi đã từng đến Việt Nam nhiều lần và rất thích thủ đô Hà Nội. Tôi luôn ngưỡng mộ phong cảnh đẹp ở Việt Nam, ngưỡng mộ một đất nước Việt Nam đầy sức sống, sự kiên cường của người Việt và quyết tâm vươn lên của dân tộc các bạn.

Rõ ràng hai nước có nhiều cơ hội hợp tác. Tôi được biết ngay trong đại dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ Việt Nam đã thiết lập các kênh chăm sóc sức khỏe trực tuyến, cho phép người dân sống ở các khu vực xa xôi hẻo lánh và nông thôn vẫn có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chẳng hạn như chẩn đoán và điều trị bệnh.

Tôi nghĩ đây là một lĩnh vực Malaysia có thể học hỏi Việt Nam. Tôi cũng có đọc báo cáo e-Conomy SEA 2021 công bố tháng 11-2021 dự báo rằng nền kinh tế Internet Việt Nam dự kiến đạt 220 tỉ USD vào năm 2030, xếp thứ hai ở Đông Nam Á chỉ sau Indonesia.

Chúng ta có nhiều cơ hội để hợp tác. Malaysia muốn mở rộng quan hệ thương mại, đặc biệt là các lĩnh vực thương mại điện tử với Việt Nam. Malaysia cũng muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam về chuyển đổi số, cụ thể là kinh tế số, kết nối các doanh nghiệp số.

Công nghệ phát triển mạnh mẽ cũng mang đến nhiều nguy cơ, cụ thể là an ninh mạng. Malaysia là một trong các quốc gia hàng đầu về an ninh mạng, do đó chúng tôi có thể hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này bao gồm chia sẻ nguồn lực và dữ liệu.

ASEAN có nguồn nhân lực công nghệ tài năng

* Malaysia đang xây dựng lực lượng lao động tương lai sẵn sàng cho nền kinh tế số như thế nào? Ông có nghĩ nguồn nhân lực công nghệ ở ASEAN đủ khả năng cạnh tranh trên toàn cầu?

- Chúng tôi có nhiều chương trình dự án để nâng cao sự hiểu biết về số cho giới trẻ, người cao tuổi và các thành phần dễ bị tổn thương trong xã hội. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị, sự kiện triển lãm về công nghệ và chuyển đổi số.

Ngoài ra, chúng tôi hợp tác với nhiều doanh nghiệp số để tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng mới và kỹ năng bổ sung để xây dựng nguồn nhân lực số chất lượng cao cho tương lai.

Về nguồn nhân lực công nghệ ở ASEAN, chúng tôi mới đến thăm Indonesia gần đây và gặp gỡ một số quỹ đầu tư tư nhân đã đầu tư vào các công ty công nghệ là các unicorn (kỳ lân công nghệ). Kỳ lân công nghệ là những công ty khởi nghiệp (start-up) công nghệ được định giá từ 1 tỉ USD trở lên.

Thực tế là về nguồn nhân lực, ASEAN có đủ khả năng cạnh tranh với các quốc gia phát triển hơn. Chúng ta đang có một nguồn nhân lực tài năng ở ASEAN.

Tuy nhiên, thách thức là chúng ta phải chuẩn bị cho kịch bản rằng họ cũng sẽ trở thành những tài năng toàn cầu và bị các quốc gia phát triển "dòm ngó". Chúng ta phải cố gắng giữ lại các tài năng công nghệ trong khu vực này bằng các chính sách đãi ngộ phù hợp.

Báo cáo năm 2021 của Google, Temasek (công ty đầu tư nhà nước số 1 Singapore) và Bain&Co dự báo quy mô nền kinh tế số ở Đông Nam Á sẽ đạt 360 tỉ USD năm 2025 và hơn 1.000 tỉ USD vào năm 2030.

Sự phổ biến của smartphone được xem là nguyên nhân chính, nhưng khả năng tiếp cận mạng Internet dễ dàng mới là cỗ xe tứ mã kéo số người dùng Internet ở khu vực lên hơn 440 triệu vào năm 2020.

Sự xuất hiện của các trợ lý ảo như Google Assistant (trên hệ điều hành Android) và Siri (ở một số thị trường) giúp người dùng có thể tương tác với điện thoại bằng giọng nói. Điều đó tạo thuận lợi cho những người không rành với việc nhắn tin hay thao tác bằng tay trên điện thoại, ví dụ như người cao tuổi. Đó là một ví dụ cho thấy sức mạnh của các công cụ dựa trên AI.

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain&Co, thương mại điện tử được xem là động lực chính cho việc mở rộng giá trị nền kinh tế số.

Mặc dù có rất nhiều triển vọng, thương mại điện tử nói riêng ở Đông Nam Á vẫn gặp một số thách thức. Đầu tiên là câu hỏi về thói quen tiêu dùng hậu COVID-19, liệu những người dùng số mới gia nhập trong giai đoạn bùng dịch có phải là "người dùng trung thành" hay không vẫn còn là câu hỏi để ngỏ.

Kế đến, theo chuyên gia Florian Hoppe thuộc Bain&Co, cuộc chiến giữa các nền tảng thương mại điện tử hiện nay không chỉ là số lượng người sử dụng mà còn là mức độ chi tiêu của họ.

Các công ty trực tuyến chắc chắn sẽ tung các chiêu cạnh tranh thu hút khách hàng từ đối thủ song song với việc giữ lại các khách hàng đang có bằng những hình thức tưởng thưởng cho sự trung thành của họ. Khi có cạnh tranh thì sẽ có sự đổi mới và khả năng cao người dùng sẽ là bên hưởng lợi nhất.

DUY LINH

Malaysia lo có chạy đua vũ trang ở Biển Đông vì 8 tàu ngầm của Úc Malaysia lo có chạy đua vũ trang ở Biển Đông vì 8 tàu ngầm của Úc

TTO - Theo quan điểm của Kuala Lumpur, AUKUS có thể trở thành 'chất xúc tác cho một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân' ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và khiến các cường quốc quyết đoán hơn ở Biển Đông.

QUỲNH TRUNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên