Người Việt xưa cho rằng tùng, cúc, trúc, mai có tính chất đặc biệt nổi bật, tượng trưng cho những phẩm chất tốt đẹp của con người: tùng vững chãi, chịu đựng được sự khắc nghiệt của thời tiết; trúc thanh mảnh, nhưng dẻo dai bền chắc; cúc đẹp bình dị, hương thơm nhẹ nhàng, thanh tao; mai tươi đẹp rực rỡ, hương hoa tinh khiết với màu vàng tượng trưng cho sự cao thượng, vinh hiển và sang quý, là màu của vua chúa ngày xưa.
Nếu như hoa đào là đặc sản của miền bắc vào ngày tết, thì hoa mai vàng lại là đặc sản của miền nam. Mai vàng thuộc họ hoàng mai, là một loại cây rừng. Dần dần cùng với sự thẩm định của thời gian cũng như những đòi hỏi thưởng ngoạn và gửi gắm tâm linh của con người, mai được người đời phát hiện và đưa về chăm sóc, thuần hóa, cho ra thứ mai vàng rất đẹp. Mai đặc biệt ở chỗ là nó nở rộ vào đúng dịp Tết Nguyên Đán, cánh mai vàng rực được người ta ví như ánh vàng tinh khiết chiếu qua vào ngày đầu tiên của năm. Vì vậy, hoa mai đã trở thành nàng xuân may mắn mang đến cho mọi nhà vào năm mới.
Vào dịp Tết, tùy vào không gian nội thất mà người chủ nhà chọn mai cành lớn hay nhỏ, lão mai hay dáng trực, gió lùa hay thác đổ, ngũ phúc hay song long, phụ tử, mẫu tử hay tam đa, tam tài… để đặt vào chậu tròn hay chậu dẹt, ô van hay lục giác… đều tùy thuộc vào con mắt thẩm mỹ của người chủ gia đình để cùng cả nhà, làng xóm vui vầy đón chào xuân, mong cho năm mới được an khang và thịnh vượng.
Nhiều nghệ nhân chơi mai còn đưa cả nền tảng đạo đức truyền thống dân tộc thể hiện trong từng dáng mai “phụ tử”, “huynh đệ”, “bằng hữu”, “mẫu tử”…; các nghệ nhân còn thể hiện mối quan hệ con người với vũ trụ qua mỗi thế mai như “nghinh phong”, “xung phong”, “nhất trụ khi thiên”…
Cứ mỗi dịp xuân về, bất cứ người Việt Nam nào, nhắc đến cây mai là nhắc đến ngày Tết cổ truyền dân tộc, nhắc đến bánh dày bánh chưng, cây nêu tràng pháo, thịt mỡ dưa hành. Đó là những thứ không thể thiếu trong các gia đình ở miền Nam, hầu như nhà nào cũng có hoa mai. Có khi chỉ là một cành nhỏ bày lên bàn thờ tổ tiên hay cả chậu mai thật lớn đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà.
Ở miền quê, người ta thường trồng mai ở sân trước, đến Tết cắt vài cành đẹp nhất đem cắm vào lọ trên bàn thờ. Cây mai vàng khoe sắc giữa sân như sứ giả của mùa xuân, thông điệp của niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi nhà nhân dịp năm mới.
Nghệ thuật hội họa cũng chọn mai làm đề tài cho mùa xuân hay cho ngày Tết; hoa mai xuất hiện nhiều trong các bộ tranh vẽ qua nhiều kiểu khác nhau như mai bên hoa cúc, mai xen trong cành trúc hay mai lan song cặp... bên cạnh là những dòng thơ ngắn bằng hán tự trong nét thư họa bay bướm. Phải chăng hoa mai đã phô sắc diễm kiều, hoa mai đã đóng góp một sắc thái văn hóa độc đáo cho dân tộc Việt Nam. Sự rực rỡ của màu hoa mai đang nở rộ trong ba ngày Tết thêm lá non nẩy lộc tươi mát mới là điềm thịnh vượng, phát lộc, phát tài và nó còn bao hàm ý nghĩa của sự hạnh phúc hay sung túc cho gia đình nhân dịp đầu năm, khởi sự cho một chu kỳ mới của con người. Hoa mai mặc nhiên góp phần cho văn hóa xã hội thăng hoa giá trị tâm hồn chúng ta vậy. Hoa mai có mặt tại mảnh đất phương Nam, một vùng đất mới với hầu hết là dân lưu cư, mở đất. Trên bước đường mở đất ấy, có phải chăng những tiền hiền, khai cơ đã bắt gặp một loài hoa đẹp nở rộ đúng vào mỗi độ xuân về và mai vàng đã trở thành “sứ giả”, biểu tượng cho mùa xuân phương Nam. Và, có phải vì vậy mà người dân phương Nam khi nhắc đến Tết là nhắc đến mai vàng. Mai đến rồi đi, rồi trở lại theo chu kỳ của mùa xuân, của những ngày Tết mới của năm, mai là biểu tượng đẹp đẽ, hài hoà trong lòng văn hóa Việt. Mai là nguồn vui cho mọi người chúng ta mỗi độ xuân về.
Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận