Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trước bàn thờ cụ Huỳnh Thúc Kháng ngày 15-4-2013 tại Tiên Phước, Quảng Nam - Ảnh: Tấn Vũ |
Điều đó nói lên sự ghi nhận công lao to lớn của cụ đối với đất nước. Nhưng có lẽ những gì chúng ta đã làm để tôn vinh cụ Huỳnh dường như chưa đủ!
Tôn vinh khí tiết tiền nhân
Ngày 15-4-2013, tại quê nhà cụ huyện Tiên Phước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và chính quyền tỉnh Quảng Nam đã long trọng tổ chức buổi lễ truy tặng Huân chương Sao Vàng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng.
Trao huân chương cho người thân trong gia đình cụ Huỳnh, Chủ tịch nước chia sẻ: “Trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta, Quảng Nam là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, từ bao đời đã có sự giao thoa của nhiều nền văn hóa và là nơi sản sinh nhiều trí thức lớn, chí sĩ yêu nước, lãnh tụ cách mạng, làm rạng rỡ quê hương, đất nước.
Trong các giai đoạn lịch sử của dân tộc, mảnh đất Quảng Nam giàu truyền thống yêu nước và cách mạng đã có những người con ưu tú cống hiến cả cuộc đời cho cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.
Trong đó, cụ Huỳnh Thúc Kháng là một trong những nhân vật tiêu biểu của phong trào yêu nước đầu thế kỷ 20, cùng thế hệ với các chí sĩ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, là bạn đồng khoa với cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cuộc đời cụ là tấm gương sáng ngời về truyền thống vượt khó, hiếu học, về nếp sống thanh cao giản dị, không màng danh lợi, suốt một đời vì nước vì dân... Cụ là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam”.
Những đóng góp của cụ Huỳnh thật khó kể hết trong vài kỳ báo ngắn ngủi này, nhưng có lẽ chỉ riêng câu chuyện tranh đấu lợi quyền cho nhân dân giữa nghị trường và lập tờ báo Tiếng Dân để “nói tiếng nói người dân” đã là những bài học mà cụ để lại cho hậu thế. Những bài học không bao giờ cũ.
Thử hình dung đất nước ngay sau ngày độc lập năm 1945, giữa bối cảnh thù trong giặc ngoài, thế nước “ngàn cân treo sợi tóc”, vậy mà Hồ Chủ tịch tin cậy đặt vào tay cụ tấm thiếp viết sáu chữ “Dĩ bất biến ứng vạn biến” nhờ cụ Huỳnh thay mình làm quyền chủ tịch nước suốt mấy tháng trời để an tâm đi Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp (đồng thời lúc này hội nghị Fontainebleau cũng đang diễn ra, sự có mặt của Hồ Chủ tịch tại Pháp lúc này là vô cùng quan trọng).
Rồi dài theo con đường kháng chiến kiến quốc, cụ Huỳnh đã trút hơi thở cuối cùng cũng chính trên con đường kháng chiến.
Ngày 21-4-1947, cụ ra đi sau mấy ngày lâm bệnh tại Nghĩa Hành (Quảng Ngãi). Lễ tang cụ Huỳnh cũng là quốc tang đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Mộ cụ Huỳnh nay nằm trên núi Thiên Ấn (Quảng Ngãi) trở thành di tích lịch sử, ngôi nhà ở Chợ Chùa (Nghĩa Hành), nơi cụ trút hơi thở cuối cùng sau một đời dâng trọn cho dân cho nước, là di tích.
Và ngôi nhà ở Tiên Phước (Quảng Nam) cũng trở thành khu lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng, di tích quốc gia.
Mới đây, chính quyền huyện Tiên Phước cho biết sắp tới nhân lễ kỷ niệm 140 năm ngày sinh của cụ Huỳnh Thúc Kháng vào năm 2016, huyện sẽ chính thức công bố chỉnh sửa quy hoạch lại nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng từ 3ha lên 10ha và nâng cấp khu di tích quốc gia này lên thành khu di tích quốc gia đặc biệt.
Trong khi ở Quảng Ngãi và Quảng Nam những di tích liên quan đến cuộc đời cụ Huỳnh được tôn tạo xứng đáng với cống hiến của cụ như thế thì ở Huế, di tích trụ sở báo Tiếng Dân - nơi lưu giữ đậm nét nhất sự nghiệp cuộc đời của cụ Huỳnh - lại tang thương không bút giấy nào tả xiết...
Ở Huế có một con đường mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng. Oái oăm thay, ngôi nhà tàn tạ nhất trên con đường này lại từng là trụ sở báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh - Ảnh: Lê Đức Dục |
Ngậm ngùi cùng Tiếng Dân
Chúng tôi vẫn thường đi qua con đường Huỳnh Thúc Kháng bên bờ sông Đông Ba, mà trên những số báo Tiếng Dân địa chỉ này được ghi trang trọng ở góc phải manchette báo: “Báo quán: số 123 đường Đông Ba, Huế”.
Đường Đông Ba xưa, nay đang mang tên cụ Huỳnh nhưng ngôi nhà chứng tích lại hoang phế tàn tạ. Ngôi nhà quét vôi xanh nhợt nhạt, số nhà 123 xưa nay đã thành số 193 với ba cửa ra vào cho một bề ngang chừng 7m.
Trong hình xưa, chỉ có lối đi đặt ở cửa giữa, hai cửa sổ phía hai bên ngôi nhà nay cũng được trổ thành cửa đi.
Bước vào trong nhà, một bà cụ đang lần theo tường tập đi. Bà tên là Mai Thị Hạnh Liên, năm nay đã 73 tuổi, vốn xưa là cấp dưỡng của Đại học Y Huế đã về ở đây từ năm 1978.
Hóa ra sau bao nhiêu dâu bể, tòa nhà vốn là trụ sở báo Tiếng Dân sau khi báo bị đình bản (năm 1943) cũng thay đổi công năng.
Một thời gian nơi đây trở thành địa chỉ của “Hội Ái hữu đồng châu Quảng Nam”, rồi thành “cư xá sinh viên y khoa”. Sau năm 1975, số phận run rủi thế nào để trụ sở Tiếng Dân trở thành khu tập thể cho chín hộ cán bộ nhân viên của Đại học Y Huế, trong đó có hộ bà Hạnh Liên.
Vậy là đã ngót 40 năm gia đình bà sống ở “khu tập thể” bất đắc dĩ này. Bà nói giọng ngậm ngùi: “Mấy hộ kia cũng là cán bộ của Trường đại học Y, sau này khấm khá họ chuyển ra ngoài, mua đất cất nhà, riêng tôi khó khăn quá, cả gia đình mấy thế hệ cứ quẩn quanh đây”.
Chồng bà Liên mất đã lâu, con trai bà, anh Văn Hồng Đông, cùng vợ và hai con chung sống trong “căn hộ tập thể” của mẹ.
Len lỏi qua ngách nhỏ giữa nhà, chúng tôi chui sâu qua một lối đi như cống ngầm, lách qua vài cái khe hẹp nữa thì ra tới phía đường Phan Đăng Lưu. Hóa ra căn nhà này có hai mặt tiền ở hai con đường rất có giá, thông nhau như nhà phố từ thế kỷ trước.
Phía mặt tiền đường Huỳnh Thúc Kháng còn có dáng của ngôi nhà chứ bên phía đường Phan Đăng Lưu sự nhếch nhác càng tăng lên gấp bội, lều bạt vây quanh làm chỗ bán đủ thứ tạp pí lù, thông ra phố là lối đi nhỏ trổ qua bức tường xây ngang tầm người.
Bao nhiêu là hội thảo, hội nghị ngợi ca công lao cụ Huỳnh, tôn vinh sự đóng góp của Tiếng Dân cho báo chí nước nhà, vậy mà “của tin còn một chút này” hóa ra ngậm ngùi quá đỗi!
Không lẽ đất Huế, vốn khởi đầu cho lịch sử báo chí miền Trung, lại không quan tâm đến chứng tích này? Hay còn có lý do nào nữa?
Chợt nhớ thầy giáo dạy báo chí của chúng tôi, thầy Phạm Phú Phong, trong những câu chuyện về nghề nghiệp có lần kể rằng khi dạy môn lịch sử báo chí cho một khóa sinh viên khoa báo chí của ĐH Huế, thầy bảo rằng sinh viên nào viết được một trang giấy A4 về trụ sở báo Tiếng Dân ở Huế mà thông tin nằm ngoài giáo trình thì thầy sẽ cho 8 điểm ngay, khỏi thi!
Cả lớp ngơ ngác không biết cái tòa báo Tiếng Dân ấy hiện nằm ở đâu tại Huế.
Tròn một năm nữa là kỷ niệm 140 năm ngày sinh của cụ Huỳnh, chắc chắn làng báo nước nhà sẽ có nhiều bài báo tôn vinh cụ. Nhiều di tích lưu dấu cụ Huỳnh ở Quảng Nam, Quảng Ngãi sẽ được mở rộng, trùng tu tôn tạo xứng với cống hiến của cụ Huỳnh cho dân cho nước.
Mong sao đến khi ấy, căn nhà 193 Huỳnh Thúc Kháng này sẽ thật sự trở thành một di tích xứng tầm với cụ Huỳnh, một con người, một kẻ sĩ, một nhà báo của nhân dân, vĩnh hằng trước thời đại!
--------------
Xem toàn bộ hồ sơ Huỳnh Thúc Kháng - Một đời cùng vận nước
>> Kỳ 1:
>> Kỳ 2:
>> Kỳ 3:
>> Kỳ 4:
>> Kỳ 5: “”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận