Đơn kêu cứu được ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh, gửi đến Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Theo đó, ông Huy cho biết doanh thu của Mai Linh giảm hơn 30% so với trước khi có các hãng gọi xe công nghệ như Uber, Grab và nhiều khả năng mất khả năng thanh toán, do nguồn thu không thể trả kịp cho các khoản nợ đến hạn, quá hạn và các khoản nợ đọng nghĩa vụ thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cùng tiền phạt do nộp chậm.
Ông Huy cho rằng nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì thời gian tới sẽ mất khả năng thanh toán khoản nợ này.
Tính đến 31-10-2017, toàn hệ thống của Mai Linh hiện nợ đọng nghĩa vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên 180 tỉ đồng, trong đó, nợ gốc là trên 150 tỉ và lãi chậm nộp gần 77 tỉ đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 19-1, đại diện Mai Linh cho biết số nợ 180 tỉ đồng đang xin được miễn lãi, miễn phạt bảo hiểm xã hội phần lớn là nợ cũ từ các "công ty con" từ thời khủng hoảng năm 2012 khiến một số công ty của tập đoàn này đã phải giải thể.
Trong số đó Mai Linh đã phải đứng ra nhận nợ thay khoản tiền 105 tỉ đồng bảo hiểm của các công ty không còn hoạt động như Công ty CP Mai Linh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, công ty taxi Miền Nam…
Khoản nợ này, theo đại diện Mai Linh, "hoàn toàn không có nợ bảo hiểm và nợ phát sinh" mà đơn thuần là khoản nợ của các công ty con mà Mai Linh đứng ra nhận trách nhiệm để nỗ lực giải quyết để trả cho các công ty con trước đây.
Trước 31-11, Mai Linh nỗ lực trả nợ bảo hiểm đã nộp 25 tỉ cho Bảo hiểm xã hội TP.HCM và 10 tỉ cho Bảo hiểm xã hội các tỉnh và đến 31-12 tiếp tục nộp bảo hiểm cho TP.HCM.
Trước tình hình trên, Mai Linh mong muốn tạm thời quản lý nhà nước có chính sách cho tập đoàn này để doanh nghiệp cố gắng trả nợ như khoanh nợ lại, hạn chế tiền lãi…
Cụ thể, Mai Linh kiến nghị được miễn tính lãi phát sinh trên số cũ (trên 150 tỉ đồng); cho từng công ty trong hệ thống Mai Linh được thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc trong 20 tháng kể từ tháng 1-2018 và cam kết mỗi tháng tổng chi trả toàn hệ thống là 6 tỉ đồng và miễn nghĩa vụ phạt nộp chậm.
Phía Mai Linh thừa nhận tình hình tài chính năm 2017 bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ hoạt động của các loại hình như Uber, Grab nhưng hoạt động kinh doanh của đơn vị vẫn ổn định, có lãi nhờ việc tái cấu trúc.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online cho thấy nhiều tài xế Mai Linh tại sân bay Tân Sơn Nhất băn khoăn trước tình hình tài chính của công ty, lo ngại công ty mất khả năng trả nợ ảnh hưởng đến "nồi cơm" của tài xế.
Anh Nguyễn Văn Lâm, một tài xế Mai Linh, cho biết rất nhiều người chia sẻ thông tin trên Facebook và truyền tai nhau về tiền nợ của công ty.
Nhiều người còn lung lay tính cách kết thúc hợp đồng hợp tác với công ty để lấy tiền trước vì sợ lỗ, công ty không trả nợ.
"Nhà tôi có 4 người, tài chính đều trông chờ vào công việc lái xe mỗi ngày. Mấy hôm nay nghe thông tin công ty nợ nần, chúng tôi hoang mang quá", anh Lâm nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận