22/07/2022 08:59 GMT+7

Mãi không quên những ngày chỉ cần kêu gọi tài trợ, bà con gửi tặng ngay

HỒNG HÀ ghi
HỒNG HÀ ghi

TTO - '26-7 này chúng tôi kỷ niệm 1 năm ngày lên đường chống dịch ở TP.HCM. Nhiều kỷ niệm chất chứa, có những kỷ niệm đến giờ vẫn không thể quên và không tin nổi là đã xảy ra", bác sĩ Phan Thảo Nguyên, trưởng đoàn số 1 của Bệnh viện E đi TP.HCM, kể.

Mãi không quên những ngày chỉ cần kêu gọi tài trợ, bà con gửi tặng ngay - Ảnh 1.

Y bác sĩ Bệnh viện E vẫy chào khi đoàn chi viện số 1 của bệnh viện cho TP.HCM lên đường, ngày 26-7-2021 - Ảnh: BVCC

BS Nguyên nhớ lại:

26-7 này, chúng tôi sẽ có buổi gặp mặt của đoàn. Đoàn chúng tôi là đoàn đầu tiên của Bệnh viện E lên đường đi TP.HCM thời điểm đó. Hôm nhận lệnh của Bộ Y tế, chúng tôi chỉ có 36 - 48 giờ chuẩn bị để lên đường.

Chuẩn bị lúc đó là trang thiết bị bảo hộ, vật tư y tế cho 10 ngày, rồi vào đó "tính tiếp". Thực tế anh em chúng tôi vào TP.HCM trong một tháng rưỡi. May là trước đó bệnh viện đã tập huấn kỹ, anh em đi không bỡ ngỡ. 

Hơn 1 tháng trước khi chúng tôi đi, Bộ Y tế cũng yêu cầu bệnh viện chuẩn bị nhân lực, đã có hơn 200 người đăng ký tình nguyện. 

Vì thế khi được lệnh lên đường, chúng tôi chọn trong danh sách trong đó 45 người, tất cả đều là "quân tinh nhuệ" và ngày 26-7 bay vào TP.HCM.

Đập vào mắt chúng tôi ở sân bay là cảnh vắng lặng. Sân bay Tân Sơn Nhất mọi ngày đông đúc là thế, giờ chỉ còn vài đoàn y tế đến chống dịch. Bình thường TP.HCM năng động và tấp nập, giờ hầu như không một bóng người.

20h ngày 26-7-2021, chúng tôi mới sắp xếp xong chỗ ăn ở, hôm sau vào làm việc luôn tại bệnh viện 1.000 giường. Khi chúng tôi vào, bệnh viện mới có hơn 100 bệnh nhân, mục tiêu là giảm tối thiểu bệnh nhân tử vong, phân tầng điều trị.

Nhưng chỉ 2 ngày sau, số bệnh nhân tăng lên 300 người, rồi 400 người..., toàn bệnh nhân tầng cuối cùng, phải thở máy, thở oxy, hồi sức tích cực. 

45 người Bệnh viện E được giao làm việc tại khu hồi sức 2C, 7A, 6A, tất cả đều là những ca rất nặng.

Đến bây giờ tôi vẫn rất nhớ bệnh nhân hồi đó, khi đó cứu được 1 người cũng rất khó. Những bệnh nhân đã tiêm 1 mũi vắc xin tỉ lệ tử vong thấp hơn rất nhiều. Cũng có những bệnh nhân rút được ống thở, cứu được. Nhưng người có bệnh nền, béo phì, tiểu đường thì khó lắm, bởi lúc ấy thiếu thốn vật tư, trang thiết bị, thiếu cả nhân lực.

Tôi ở khu 2B, bệnh nhân vào thở máy hết. Anh em chúng tôi stress thực sự, về ai cũng buồn rười rượi. Những bệnh nhân đã đặt ống nội khí quản đa phần tử vong. Đó là giai đoạn thực sự khó khăn, nhưng anh em đều cố gắng hết mình, cố từng chút để cứu người bệnh.

TP.HCM những ngày ấy rất khó khăn, nhưng đã chăm lo rất nhiều cho chúng tôi. TP đã huy động toàn bộ khách sạn làm chỗ nghỉ cho y bác sĩ đến tăng cường. Đồ ăn uống không có chỗ mua, chúng tôi cũng ăn cơm suất như quân đội. 

Những ngày làm việc, ai cũng khẩu trang và bảo hộ kín mít, không ai nhìn thấy mặt ai ngoài cái tên ghi vội trên lưng áo bảo hộ. Khi chuẩn bị ra về, ở sân bay, sau khi xét nghiệm xong xuôi, cả đoàn mới chụp được 1 bức ảnh chung.

2 tuần trước cả đoàn đã gọi nhau: sắp đến 1 năm đi TP.HCM. Sau đoàn chúng tôi Bệnh viện E còn 1 đoàn nữa 50 người vào thay tại TP.HCM và 1 đoàn đi Đồng Tháp, 1 đoàn đi Tây Ninh nữa. Nhưng với riêng tôi, đó là những ngày tháng không thể nào quên.

Không quên, bởi đó là những ngày tháng quên mình trong khu hồi sức, mọi thứ đều thiếu thốn, nhưng chỉ cần kêu gọi tài trợ, bà con gửi tặng ngay. Lúc ấy "lá lành đùm lá rách", người dân khắp nơi tài trợ đồ bảo hộ, khẩu trang, đồ dùng cho y bác sĩ.

Không quên, bởi đó là những ngày chưa từng thấy ở TP.HCM và sau này mong là sẽ không thấy ở đất nước chúng ta. Khi đi khắp TP cũng không thấy bóng người, chỉ thỉnh thoảng có tiếng xe cấp cứu.

Sau khi rời TP.HCM, chúng tôi tất bật với công việc bệnh viện, tham gia chống dịch tại miền Bắc, chiến dịch tiêm chủng... 

Nhưng mong sẽ sớm được quay trở lại đây, TP.HCM, để được ngắm nhìn gương mặt thường nhật của TP này.

Cùng Tuổi Trẻ gửi lời tri ân

Năm 2021, hàng chục nghìn bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên y khoa các trường đại học, chiến sĩ quân y… từ mọi miền đã tới các tỉnh thành phía Nam, trong đó có TP.HCM, để cùng các địa phương chống dịch COVID-19. Trong đồ bảo hộ bít bùng, khẩu trang kín mít, nhiều bệnh nhân không biết mặt người ngày đêm điều trị, chăm sóc mình.

Rất nhiều cảm xúc, lưu luyến, nhiều lời cảm ơn chưa kịp nói khi người bệnh xuất viện, khi các bác sĩ, điều dưỡng... rời đi lúc đại dịch bớt căng thẳng.

Tuổi Trẻ Online mời bạn gửi lời tri ân những thiên thần áo trắng, chia sẻ các kỷ niệm, cảm xúc, kỷ vật còn lưu giữ trong những ngày bạn hoặc người thân điều trị COVID-19. Bài viết, hình ảnh xin gửi về: [email protected].

Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

Nhớ mãi ngày em mang đàn violin nhập viện điều trị COVID-19, biến sân thượng thành sân khấu Nhớ mãi ngày em mang đàn violin nhập viện điều trị COVID-19, biến sân thượng thành sân khấu

TTO - Mặc giọng hát còn run run bởi những cơn mệt bất chợt, sau khi rời bệnh viện dã chiến ít hôm, hai chị em Vĩnh Ái (16 tuổi), Vĩnh An (15 tuổi) đã cần mẫn ngày đêm soạn lời, viết nhạc và thực hiện ca khúc ‘Kỷ niệm 6 cả đời khó quên’ đầy ấn tượng.

HỒNG HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên