26/04/2014 05:02 GMT+7

Mái ấm... lạnh

BẢO HÀ - HOÀNG ĐIỆP
BẢO HÀ - HOÀNG ĐIỆP

TT - Một người cha ngày thường được ví là hiền như cục đất. Vậy mà cũng chính người cha ấy đã tước đi tính mạng của con trai mình.

PNSH7n5D.jpgPhóng to

Chạy dọc hai bên con lộ 25 ở ấp Tân Định, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM là những nếp nhà nhỏ nhắn nối nhau san sát. Ngôi nhà rộng hai gian ở số 18 lặng thinh. Ngôi nhà đó làm liên tưởng tới câu nói bất hủ mở đầu tác phẩm Anna Karenina của đại văn hào Nga Lev Tolstoy: Mọi gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh có nỗi khổ riêng của nó.

Trước đêm 23-9-2013, trong căn nhà nhỏ ở số 18 ấp Tân Định ấy là một tổ ấm ngập tiếng cười với một đôi vợ chồng trung niên chăm chỉ lao động, cùng ba người con khỏe mạnh đang độ tuổi thanh niên phơi phới.

Một thời hạnh phúc

Đi ngược lại thời gian là câu chuyện về việc mối mai tốt đẹp giữa hai gia đình, hai người bạn học. Q. - em trai bị hại cũng là con trai thứ hai của bị cáo, hiện là sinh viên đại học năm 2 - thẫn thờ kể: “Bà nội và bà ngoại em cùng tuổi, cùng học chung hồi trẻ. Sau này hai bà mai mối cho ba má em đến với nhau. Ba má em quý duyên mai mối, luôn sống hòa thuận. Ba em thương và chiều má lắm...”.

Kể đến đó rồi Q. thở dài: “Em cũng không nhớ bắt đầu từ bao giờ ba em không còn hài lòng về anh Hai nữa. Có lẽ cũng không lâu lắm, chỉ một hai năm gần đây. Anh Hai em công việc bấp bênh, lại không chia sẻ những tâm tư, lo lắng cùng gia đình. Bình thường ba em hiền khô, ai chọc cả ngày ông cũng không nói lại một câu. Có khi bị má em càm ràm hoài mà ông cũng chỉ cười cười. Phải cái ba và anh Hai chẳng khi nào chịu nói chuyện với nhau. Hai người cũng không bao giờ cùng ngồi với nhau. Nhưng ba em thương anh Hai lắm. Đi làm thì thôi chứ về tới nhà mà không thấy anh đâu là ba sẽ hỏi toáng lên: “Thằng Hai đi đâu, ăn cơm chưa?”. Ba lo cho thể trạng của anh Hai đó chị. Em nghe ba mẹ nói anh Hai em sinh ra đã có cấu tạo cơ thể chẳng giống người bình thường. Tim người ta nằm ngực trái còn tim anh Hai em lại ở bên ngực phải. Có lẽ cũng bởi vậy mà anh Hai em sức khỏe yếu, thấp nhỏ hơn bạn cùng tuổi anh ấy...”. Nhắc đến ba, nhớ đến anh Hai, Q. cứ kể miên man không dứt được.

Nhìn lên bàn thờ anh trai, Q. lại hồi tưởng: “Chị biết không, tội nhất là hôm người ta đưa ba về nhà dựng lại hiện trường vụ án. Hôm đó, em về tới nhà thì họ đang dìu ba ra xe. Mọi người nói trông thấy mảnh vải trắng trên giường anh Hai, ba liền ngã quỵ, không đứng lên nổi... Từ khi bị tạm giam, ba gầy sọp đi. Mấy lần ba má con em vô thăm ba, ba cũng chỉ khóc suốt buổi gặp mà chẳng nói được gì”.

Nói về mẹ, Q. bảo: “Em cũng không thể biết má em có giận ba hay không. Từ đêm xảy ra chuyện má cứ im lặng hoài chẳng chịu nói câu nào. Lo hậu sự cho anh Hai em xong, nhà ngoại em phải động viên luôn má em mới ra chợ buôn bán trở lại, chứ mấy tháng trước má em ngồi riết trong nhà không chịu bước chân ra cửa. Nhưng cũng từ hồi ra buôn bán lại, má ít ở nhà. Má bán hàng cả ngày ngoài chợ, tối cũng ăn cơm với nhà ngoại rồi chỉ về nhà ngủ...”.

Trên hai phía tường nhà, treo đối diện với khung ảnh cưới của vợ chồng bị cáo là bức ảnh thờ của người con trai xấu số. Đôi mắt anh giống cha như tạc, còn bị cáo là một người thanh thoát, cười rạng rỡ bên người vợ trẻ tươi tắn. Không thể tìm thấy một sự liên hệ nào giữa tướng mạo của người thanh niên đôn hậu trong ảnh cưới với một bị cáo già nua, nhếch nhác trước vành móng ngựa...

Tha thứ và ăn năn

Đứng trước vành móng ngựa trong phiên tòa sơ thẩm do TAND TP.HCM đưa ra xét xử, Trương Văn Lình chẳng dám ngẩng đầu.

Phiên tòa không có quá nhiều câu hỏi của hội đồng xét xử (HĐXX), cũng không có quá nhiều lời phân trần của bị cáo. Hết vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa, vị đại diện viện kiểm sát lại đến luật sư đều lặp lại một câu hỏi: “Vì sao bị cáo giết người?”. Bị cáo cũng hết lần này tới lần khác lặp lại một câu trả lời: “Vì con trai bị cáo tối ngày nhậu nhẹt không lo tu chí làm ăn. Bị cáo la rầy con lại bị con đánh lại nên bị cáo tức giận quá...”.

Lần nào nói tới những chữ “tức giận quá” bị cáo cũng tự dưng im bặt. “Nhiều nhà con bất hiếu mà cha mẹ còn không nỡ bỏ, đây con bị cáo đâu đến mức độ để bị cáo cư xử như vậy?”. Trước câu chất vấn ấy, bị cáo chỉ cúi đầu im lặng. Đôi bờ vai của bị cáo run run. Tiếng nức nở cố kìm lại nhưng vẫn không giấu được những người phía sau.

Ba mẹ con gia đình ấy ngồi rúm ró lại với nhau ở chiếc bàn trên cùng của phòng xử, thỉnh thoảng lại được HĐXX yêu cầu đứng lên trình bày với tư cách là đại diện cho người bị hại. Mỗi lần trả lời xong, ba mẹ con không hẹn mà cùng len lén đưa mắt về phía bị cáo. Suốt cả phiên tòa, bị cáo thỉnh thoảng cũng len lén ngoảnh xuống nhìn vợ và các con. Đôi khi, cả nhà ngượng ngập lúc gặp cùng ánh mắt.

Tòa tuyên phạt bị cáo 14 năm tù. Lời nói sau cùng của bị cáo là xin HĐXX xem xét giảm hình phạt để sớm về lao động phụ vợ nuôi hai con. Người vợ ngẩn ra khi nghe tòa hỏi có yêu cầu bị cáo bồi thường tổn hại về vật chất, tinh thần khi mất con trai không? Thẫn thờ một hồi rồi bà mới lí nhí được nơi cổ họng: “Dạ không. Xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho chồng tôi để ảnh sớm về với tôi và các con”. Hai người con cũng lặp lại y chang mẹ.

Phiên tòa khép lại, bị cáo thất thểu ra xe dẫn giải, đáy mắt nặng đục một sự ân hận.

Nhìn bóng cha khuất sau cánh cửa xe tù, người mẹ và con gái níu lấy cánh tay Q. lê từng bước chân ra khỏi sân tòa. Từ khi có chuyện, Q. không ở trọ trên trung tâm thành phố nữa. Q. tâm sự: “Ngày ngày em đi xe buýt đến trường đại học rồi lại về nhà với má và em gái. Em sẽ viết thư cho ba ở trong đó đỡ buồn. Ba má con em sẽ chờ ba trở về!”. Q. còn nói rằng: “Hồi xảy ra chuyện dữ, bà nội em một mình từ Mỹ về. Gặp bà ngoại, cả hai bà đều khóc. Nhưng bà ngoại em không giận bà nội...Hôm đám tang anh Hai, bên ngoại em cũng giận ba lắm. Nhưng giờ ngoại và các dì cũng nguôi ngoai rồi. Ngoại em nói nếu làm đơn mà ba em được giảm án thì ngoại sẵn sàng làm”.

Theo cáo trạng, ngày 23-9-2013 khi đi đám tang về, Trương Văn Lình (48 tuổi, ngụ ấp Tân Định, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM) nhìn thấy con trai lớn ngồi với một người bạn. Vốn không hài lòng với con trai từ lâu vì anh này gần 30 tuổi mà không chịu tu chí làm ăn, thường xuyên nhậu nhẹt, bị cáo la rầy con trai và bị anh này cự cãi. Anh còn đánh lại cha. Trong cơn kích động, bị cáo Lình đã dùng dao đâm con.

BẢO HÀ - HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên