Phóng to |
Anh Nguyễn Tấn Bông và các con |
Mái ấm của những người khát khao hạnh phúc
Thấy khách đến nhà, các em tíu tít ra chào rất lễ phép. Các em ngoan ngoãn nhờ vào bàn tay chăm nom dạy bảo của một người cha mẫu mực như anh Bông. Anh đã có 11 đứa con (9 trai, 2 gái), đứa lớn nhất năm nay 12 tuổi (hiện là học sinh lớp 5 Trường tiểu học “A” An Hảo). Sáng mồng 4 Tết Quý Tỵ 2013, có người phụ nữ lạ mặt gõ cửa nhà anh và gửi một bé trai sơ sinh. Đó là đứa con thứ 12 của anh.
Năm 1991, anh Bông sang lại 30 công đất với giá rất rẻ. Sau một thời gian khai khẩn, vườn rẫy anh trồng được xoài, chuối, mít, bơ... Rẫy chưa cho trái, anh Bông đi xắn măng mỗi ngày gánh gần 60kg xuống chân núi bán, đổi lấy sữa nuôi con. Khách đến nhà lấy làm ngạc nhiên vì thấy vỏ hộp sữa bỏ sau nhà chật cả lối đi. Bấy nhiêu đó là cả một quá trình kỳ công gắng sức cho việc nuôi con của một người cha.
Ông Lê Minh Triển (Việt kiều Mỹ về TP.HCM) đọc được câu chuyện của anh Nguyễn Tấn Bông trên báo Sài Gòn Tiếp Thị. Ông từng là trẻ mồ côi nên đã cố công về An Giang một chuyến. Giữa tiết trời mưa bão, đường sá khó đi, ông cũng tìm được nơi cha con anh Bông đùm bọc nhau trong một căn nhà đơn sơ. Không cầm được nước mắt trước ký ức tuổi thơ của mình, ông ngủ lại để chia niềm đồng cảm ấy với những mảnh đời suýt đã phải bơ vơ. Thiết thực hơn, đầu năm 2009, ông gởi tiền cho anh Bông xây một ngôi nhà đủ vững chãi để làm một tổ ấm mà mai sau các em sẽ xem đây là chốn quay về. Dù có nhận thật nhiều sự hỗ trợ của những tấm lòng hảo tâm cũng không thể sánh được công ơn của anh Bông đã xây nên mái ấm tình thương này.
Mái ấm do người cha Nguyễn Tấn Bông gầy dựng nay đã 12 năm. Kể từ tháng 11-2001, lúc đó anh Bông đi Cần Thơ thăm người em gái trong bệnh viện đa khoa tỉnh, tình cờ gặp một phụ nữ đang gặp cảnh khổ ngồi trước phòng chờ sinh vì chưa có tiền nhập viện. Anh đứng ra làm thủ tục để họ được “mẹ tròn con vuông”. Rồi chị mong muốn anh nhận cháu làm con nuôi, nỗi ám ảnh cơm áo gạo tiền của nghề phụ hồ làm chị e sẽ không lo nổi cho con. Rồi cứ mỗi khi có thêm một đứa bé ra đời trong hoàn cảnh tương tự, chiếc điện thoại của anh Bông lại rung lên những hồi chuông như cầu cứu từ phòng dưỡng nhi.
Chuyện nuôi dạy con cái không khó khăn, anh Bông chỉ lo không đủ chi phí cho các cháu ăn học sau này. Ít nhất, các em sẽ phải học hết lớp 12 hoặc tìm một nghề phù hợp tự nuôi sống bản thân. Thỉnh thoảng, có mạnh thường quân quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ anh phần nào chăm lo cho bọn trẻ. Nhưng với anh, chính sự chở che, giáo dục chân tình của người cha vẫn là niềm tin vững chắc đưa các con vượt qua những gian khó của cuộc đời.
Mái ấm của anh Bông đã có biết bao người khao khát tìm đến để có niềm hạnh phúc trẻ nhỏ. Nhưng theo anh, “Họ chưa có duyên với trẻ, chỉ cần một chút thành tâm, một chút kiên nhẫn, biết đâu mai này lại có một kết quả như mình hằng mong đợi”. Anh Bông quả quyết sẽ làm cha nuôi dạy các cháu đến ngày trưởng thành. Khi đó, anh tôn trọng và để chúng tự quyết định việc nhìn lại bố mẹ.
Ước nguyện của một cựu chiến binh
Năm 1987, anh Nguyễn Tấn Bông là lính Đoàn 9902, Tiểu đoàn 519. 20 trên chiến trường Campuchia anh đã chứng kiến sự hi sinh của đồng đội mỗi mùa chiến dịch. Trở về, anh công tác tại xã đội Long Tuyền, huyện Bình Thủy, tỉnh Hậu Giang (nay là quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), mong tiếp tục đóng góp chút sức mình cho quân đội, cho xã hội...
Nay thấy các con ngày một lớn, ước nguyện của anh là làm sao lo đủ cho chúng tiếp tục đến trường. Em Nguyễn Sơn Ngọc (con trai lớn của anh Bông) luôn noi theo gương cha, từ tốn và biết sẻ chia. Nhìn cặp mắt đen tròn của Ngọc dắt mấy đứa em ra vườn chơi, anh Bông càng thêm hãnh diện về những điều mình đã làm được.
Nhắc đến hạnh phúc của riêng mình khi tuổi đã không còn dừng lại đợi, anh Bông không hề hối tiếc. Anh chị của anh con cái đề huề nhưng không mấy ấm êm vì chúng rất ngỗ nghịch. Anh nhẹ nhàng nói: “Con mình không rứt ruột đẻ ra mà chúng biết thương mình là mừng lắm rồi”.
Hiện tại, các con của anh Bông có 10 đứa đang đi học. Ở trường về, các em ôn bài theo cách hướng dẫn của cha. Anh Bông chân thành nói: “Mùa hè tình nguyện nào cũng vậy, tôi quan tâm đến những thanh niên ở các trường CĐ, ĐH khi về xứ núi này. Giá như có mấy cô cậu sinh viên ghé qua đây vài ngày dạy học, vui chơi với bọn trẻ thì hay biết mấy. Trình độ và nhận thức của tôi bây giờ lạc hậu nhiều rồi, sợ nhất là kèm các con tự học mà không hiệu quả”.
Ước nguyện thật giản dị, nhưng nó ẩn chứa một tình thương bao la của một người cha lo cho các con.
Áo Trắng số 11 ra ngày 15/06/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận