30 năm qua, Cơ sở bảo trợ Thảo Đàn đã trở thành điểm tựa nâng đỡ của rất nhiều trẻ em đường phố, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở TP.HCM - Ảnh: YẾN TRINH
Như bao đứa trẻ khác đã từng gắn bó với Thảo Đàn, Trần Thu Trang, 19 tuổi, sinh viên năm thứ nhất Trường cao đẳng Phát thanh - truyền hình II, đã xem Thảo Đàn là ngôi nhà thứ hai của mình.
Tụi mình có câu lạc bộ tình nguyện trực thuộc Thảo Đàn. Hồi trước được giúp nên bây giờ tụi mình muốn chia sẻ lại với những bạn khác.
PHẠM ĐÌNH XUÂN TRÚC (sinh viên năm 2 Trường ĐH Sài Gòn)
Giải tỏa tâm lý, nâng đỡ việc học
Tuổi thơ Trang có lẽ sẽ trôi qua như bao đứa trẻ xóm lao động nghèo thuộc quận 3, nếu như em không gặp những nhân viên của Thảo Đàn để rồi có sự thay đổi trong suy nghĩ. Trang nhớ lại:
"Năm 2009, em với em trai được học về quyền trẻ em, về cách tự bảo vệ, tránh nguy cơ bị xâm hại tình dục... Những điều này do các cô ở Thảo Đàn đến dạy cho các anh chị trong xóm, rồi các anh chị dạy lại cho tụi em. Tụi em còn được lên trung tâm để các cô chú kèm học chữ, "quậy" tưng bừng".
Ba làm phụ hồ, mẹ tạp vụ, Trang nói mình không chắc được đi học tới bây giờ nếu không có học bổng của trung tâm đều đặn từ năm lớp 6. Điều làm cho Trang cảm động khi nhắc đến Thảo Đàn chính là các nhân viên ở đây luôn mở rộng vòng tay với các em dù không phải máu mủ ruột rà.
Khi lựa chọn ngành học, Trang cũng hỏi ý kiến các cô để được định hướng. Gương mặt sáng và nụ cười tươi, Trang chia sẻ rằng mình muốn trở thành một phát thanh viên.
"Ở đây em được lắng nghe. Có những chuyện em ngại nói với ba mẹ hoặc do ba mẹ bận quá, nhưng có thể kể cho các cô ở trung tâm. Các cô sẽ đưa ra lời khuyên cho em", Trang nói.
Cùng tuổi với Trang nhưng vẻ ngoài khá già dặn, Phạm Tấn Đạt cho biết mình cũng gắn bó với Thảo Đàn 13 năm nay. Sống với bà ngoại ngoài 70 tuổi và em gái trong ngôi nhà tình thương do địa phương cấp, Đạt kể cảnh nhà mình không ít khó khăn.
"Lớp 5, em vừa đi học vừa đi phụ hồ cho mấy chú người quen chỗ khu em ở. Mỗi lần như vậy em nhận 50.000 đồng. Gom được mấy trăm ngàn là em đưa cho ngoại. Em học trễ nên mới vừa thi tốt nghiệp phổ thông xong", Đạt nói.
Trước đó, Đạt có tấm bằng pha chế và từng đi làm cho một quán bar khuya lơ khuya lắc mới về. Hỏi về con đường phía trước, Đạt cho biết vẫn tiếp tục theo nghề yêu thích là bartender và chăm sóc thật tốt cho bà ngoại.
Có thể nói rằng với những em lớn, Thảo Đàn là nơi lắng nghe và nâng đỡ. Còn những em nhỏ như Dương Ngọc Cát Tường thì đó là nơi em có thể thoải mái đến học tiếng Anh, gặp gỡ các bạn đồng trang lứa, bày những trò chơi hồn nhiên của tuổi thơ. Bẽn lẽn, ít nói, cô bé 12 tuổi cho biết mình sống với ông bà ngoại ở căn nhà bé xíu sau chợ Tân Định (quận 1, TP.HCM).
Ngày trong tuần mà em thích nhất là thứ bảy khi ông ngoại nhín thời gian nhặt ve chai để chở hai chị em tới Thảo Đàn. Em được học hát, học kỹ năng giao tiếp.
Ngồi bên cạnh, ông ngoại Cát Tường cười móm mém: "Nhờ tới trung tâm mà hai đứa ngoan lắm, biết phụ ông bà rửa chén, nấu cơm. Hai đứa cũng lễ phép hơn, nên cứ có thời gian là tui đèo lên đó, học được gì thì học".
Bước đi và đáp đền
Những đứa trẻ ngày nào giờ đã trưởng thành, cuộc sống ổn định hoặc đang nuôi ước mơ nơi giảng đường. Lớp trước rời Thảo Đàn, lớp sau lại bước vào. Một tín hiệu vui là nhiều em đã quay về làm tình nguyện viên hoặc đứng ra tổ chức các hoạt động vì trẻ em.
Hào hứng khoe về câu lạc bộ tình nguyện do mình và nhóm bạn lập ra trực thuộc Thảo Đàn, Phạm Đình Xuân Trúc (sinh viên năm 2 Trường ĐH Sài Gòn) cho biết ba năm nay mỗi dịp Tết Nguyên đán và trung thu, cả nhóm khoảng 15 bạn lại gói ghém quà bánh tặng những đứa trẻ tại một số mái ấm, các em nhỏ bán dạo ở khu vực Cầu Mống, Cầu Muối...
Lớn lên với xe cháo sườn của mẹ và đến trường từ nguồn học bổng từ ngôi nhà thứ hai này, cô gái mũm mĩm hiền lành cho biết sau này muốn trở thành cô giáo mầm non theo ngành học đã lựa chọn. "Tụi mình may mắn còn có gia đình, chứ nhiều bạn phải sống lang thang, nên hỗ trợ được gì cho ai, tụi mình sẽ ráng", Trúc nói.
Trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập hồi đầu tháng 7, bà Lê Thị Ngân - giám đốc Cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn - cũng bày tỏ sự xúc động khi các em giờ đã khôn lớn. Nhiều em đã "lận lưng" được cái nghề và dù bận rộn vẫn lui tới phụ giúp công việc của trung tâm.
Trong số đó, bà nhớ một trường hợp khiến mình cảm động là bạn Kim Nguyên. 20 tuổi, từ một cô bé chỉ muốn ở một mình, nhút nhát, Kim Nguyên đã vượt qua tâm lý mặc cảm, trở thành người làm bánh giỏi. Sau khi ra nghề, Nguyên tự tay làm những chiếc bánh mềm thơm đem về mời các "cô giáo cuộc đời" của mình.
Còn rất nhiều những gương mặt khác mà không chỉ bà Ngân, cả những người đã từng quản lý Thảo Đàn nhớ mãi kể không hết. Họ lấy đó là niềm hạnh phúc trên chặng đường nâng đỡ số phận các em.
Cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn, tiền thân là Chương trình chăm sóc trẻ em đường phố Thảo Đàn, ra đời năm 1992. Lý do ra đời Thảo Đàn, theo lời của nhiều người thế hệ trước, ngày đó một nhóm thanh niên tình nguyện đã rất cảm thương trước hoàn cảnh của những đứa trẻ lang thang bán báo, đánh giày... nên mong muốn hỗ trợ các em.
Địa điểm sinh hoạt, cũng là nguồn gốc tên gọi cơ sở, là ở Thảo cầm viên Sài Gòn và công viên Tao Đàn. Tiếp cận trẻ cơ nhỡ, hoàn cảnh khó khăn, các nhân viên đã lo liệu vấn đề an sinh, bồi dưỡng văn hóa, nỗ lực để giúp các em sống trong môi trường an toàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận