25/08/2018 17:19 GMT+7

Mahathir Mohamad, toàn tháp đôi và 'con hổ châu Á'

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Thủ tướng Mahathir Mohamad được mệnh danh là 'người cha của đất nước Malaysia hiện đại' bởi đóng góp to lớn làm thay đổi toàn bộ diện mạo của Malaysia trong 22 năm cầm quyền (1981-2003).

Mahathir Mohamad, toàn tháp đôi và con hổ châu Á - Ảnh 1.

Ông Mahathir mừng thắng lợi sau khi đắc cử thủ tướng lần 2 trong tháng 5 vừa qua - Ảnh: REUTERS

Ở tuổi 93, ông đã trở lại với ghế thủ tướng trong tháng 5 vừa qua với lý do: “Để sửa chữa một sai lầm lớn nhất trong đời...”.

Trước đây, là thủ tướng thứ tư của Malaysia và hiện đang là thủ tướng thứ bảy của đất nước này.

Ông sinh ra tại thị trấn Alor Setar, Kedah, miền tây bắc Malaysia trong một gia đình 10 anh em, ông là con út. 

Năm 1947, sau khi sống qua giai đoạn biến động của Thế chiến thứ 2 với sự chiếm đóng của phát xít Nhật, ông vào học cao đẳng y khoa tại Trường Ing Edward VII ở Singapore. Đây cũng là nơi ông gặp người vợ sẽ cùng chung sống với ông trong suốt 5 thập kỷ sau này - bà Siti Hasmah Mohd Ali.

Nếu cộng đồng quốc tế không thể thay đổi, Malaysia sẽ phải tiến hành cải cách của chính mình. Chúng tôi có thể thất bại, tất nhiên, nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để thành công

Thủ tướng MAHATHIR MOHAMAD

Y khoa và chính trị

Bất kể những năm tháng hoàng kim sau này trên cương vị thủ tướng, ông Mahathir vẫn luôn trân trọng những năm tháng tuyệt vời thuở sinh viên. Ông thừa nhận nó có vai trò rất quan trọng, tạo dựng nền tảng vững chắc cho sự nghiệp chính trị của ông.

Ngay từ độ tuổi 20, chàng trai trẻ Mahathir đã có niềm đam mê đặc biệt với chính trị và là một trong những người đầu tiên gia nhập Đảng UMNO từ năm 1945.

Trong một lần trả lời phỏng vấn tạp chí The Economist, ông nói chính trị là nghề tốt cho những người được đào tạo ngành y. Công việc của bác sĩ là quan sát người bệnh, ghi chép tiền sử y khoa của họ, sau đó thăm khám, làm các xét nghiệm và cuối cùng đi đến chẩn đoán. Quá trình này, theo ông Mahathir, về cơ bản cũng tương tự như chính trị.

Ông lý giải: "Khi gặp phải một vấn đề chính trị, tôi cũng trải qua thủ tục quan sát mọi khía cạnh của vấn đề, trong đó có những chiều kích lịch sử, phân tích chi tiết để xác định mọi dấu hiệu cũng như triệu chứng, sau đó tôi làm "các xét nghiệm" và cuối cùng đi tới kết luận, phác ra một lộ trình hành động".

Ông thậm chí còn chia sẻ một phẩm chất đặc biệt khác mà ông được "thừa hưởng" từ nghề y khi chuyển sang chính trị, đó là sự đồng cảm, thấu hiểu cùng tinh thần trách nhiệm với những người đang cần giúp đỡ.

Trên thực tế, ngày nay phần lớn các chính trị gia đều xuất thân từ luật sư, song trong giai đoạn Malaysia là thuộc địa của Anh, không ít người đã là bác sĩ bởi người Anh cảm thấy đào tạo bác sĩ cho dân thuộc địa thì an toàn hơn đào tạo luật sư.

Ra trường năm 1953 và sau 4 năm làm công chức, phục vụ cho một cơ quan y tế chính phủ, ông mở phòng mạch đa khoa riêng có tên là MAHA tại quê nhà Alor Setar, cũng là cách để tự do đeo đuổi đam mê chính trị vốn bị kiềm chế khi còn làm công chức. Sau đó ông được đề cử giữ một vị trí cao cấp trong Đảng UMNO.

Năm 1964, ở tuổi 39, lần đầu tiên ông được bầu làm nghị sĩ quốc hội. Mặc dù vẫn tiếp tục công việc y khoa song lúc này thời gian dành cho chính trị của ông đã ngày một "dày" hơn.

Cho tới khi ông trở thành bộ trưởng giáo dục trong nội các chính phủ năm 1974, ông đã hoàn toàn chấm dứt công việc bác sĩ. Tháng 7-1981, ông trở thành vị thủ tướng thứ tư, cũng là thủ tướng có thời gian tại nhiệm lâu nhất của Malaysia.

Người chèo lái

Trở thành thủ tướng Malaysia, ông Mahathir là người chèo lái "con thuyền" cải cách kinh tế và chính trị, đặc biệt là kinh tế, đưa quốc gia này từ một nước nông nghiệp trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhất Đông Nam Á, "một con hổ kinh tế".

Trong bài viết đăng trên tạp chí Time năm 2004, ông Mahathir chia sẻ ý chí cải tổ đất nước của ông: "Nếu cộng đồng quốc tế không thể thay đổi, Malaysia sẽ phải tiến hành cải cách của chính mình. Chúng tôi có thể thất bại, tất nhiên, nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để thành công".

Ông chủ trương tiến hành tư nhân hóa các công ty trên phạm vi toàn quốc nhằm thúc đẩy tự do thương mại và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Dưới thời ông, quá trình công nghiệp hóa đã được tiến hành mạnh mẽ và quyết liệt ở cấp cao nhất của ý chí chính trị.

Điển hình là trường hợp của hãng sản xuất xe hơi Proton. Khởi động từ những năm 1980 với sự hỗ trợ của Hãng Mitsubishi (Nhật Bản), song nhân tố lớn nhất giúp tạo nên thành công bước đầu cho họ chính là sự hỗ trợ quan trọng từ chính phủ.

Ông Mahathir chủ trương hạn chế cạnh tranh bằng cách áp thuế "khủng" với xe hơi nhập khẩu, từ chối cấp phép sản xuất tại Malaysia cho các hãng xe ngoại muốn vào Malaysia. Dưới thời ông, nó là niềm tự hào xe hơi nội của Malaysia.

Tới cuối năm 1996, GDP thực tế của Malaysia đã tăng gần 8,5%/năm. Và trong suốt gần một thập kỷ đầu tiên cầm quyền của ông Mahathir, nền kinh tế nước này cứ chạy "ro ro" về phía trước với tỉ lệ tăng trưởng ngưỡng mộ 9% mỗi năm.

Tới năm 1997, theo dữ liệu của Tổ chức Thương mại thế giới, tổng giá trị giao dịch thương mại của Malaysia với bên ngoài đạt hơn 157 tỉ USD, đưa họ trở thành quốc gia xuất khẩu lớn thứ 18 và nước nhập khẩu lớn thứ 17 trên thế giới.

Tháng 7-1997, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu "tấn công" Đông Nam Á, đồng tiền của Malaysia mất tới một nửa giá trị. Song chính phủ của ông Mahathir đã chèo lái thành công, vững vàng vượt qua khủng hoảng mà không cần sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế.

thapdoi_petronas_malaysia

Tháp đôi Petronas khánh thành năm 1996 - Ảnh: REUTERS

Công trạng

Sự nghiệp canh tân đất nước của Thủ tướng Mahathir Mohamad không chỉ thể hiện qua những con số biết nói về GDP, thu nhập bình quân đầu người, nó còn lưu lại trong rất nhiều công trình, dự án lớn được thực hiện dưới thời ông. Trong đó không thể không nhắc tới tòa tháp đôi Petronas tại thủ đô Kuala Lumpur.

Vào thời điểm khánh thành năm 1996, đây là tòa nhà cao nhất thế giới. Ngoài ra cũng phải kể tới các dấu ấn thành công vang dội khác vẫn còn trường tồn cho tới hôm nay để "đón chào" ông trở lại như trung tâm hành chính của liên bang Malaysia Putrajaya, cầu dây văng Penang dài thứ hai tại Malaysia và thứ năm tại Đông Nam Á.

_________

Kỳ tới: "Sửa chữa sai lầm lớn nhất trong đời"

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên